Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh việc ca ngợi công ơn “như biển rộng núi cao” của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý phấn đấu rèn luyện về chính trị, tư tưởng và đạo đức để làm tròn vai trò người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp cách mạng và vinh dự của người đảng viên cộng sản
Xuân Giáp Thìn, cách đây tròn 60 Xuân (3/2/1964 - 3/2/2024), với bút danh TL, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Mừng Đảng ta 34 tuổi” đăng trên Báo Nhân Dân số 3598, ngày 3/2/1964, ca ngợi công lao to lớn của Đảng, Người viết:
“Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao,
Băm tư năm ấy biết bao nhiêu tình !”[1].
Bài viết khẳng định trong hơn 30 năm, kể từ khi ra đời đến năm 1964, Đảng phấn đấu rất anh dũng và giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Có được thành công đó là nhờ Đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường, con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[2].
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son trọng đại, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là phong trào Xôviết - Nghệ Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và phong kiến. Tiếp đó, với cao trào cách mạng (1936-1939), Đảng đã tranh thủ những hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp để chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân. Trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo; chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát xít; dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trường kỳ.
Đến năm 1964, Đảng đã “kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay”[3]. Có được những thành công ấy, là nhờ Đảng luôn luôn cố gắng, hy sinh, luôn đoàn kết một lòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (Ảnh tư liệu)
Phần cuối bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ cho mỗi một đảng viên, chi bộ và cho toàn Đảng phải thực hiện tốt 10 điều sau đây:
“1. Tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn luôn tìm cách hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao cho.
2. Giữ gìn và củng cố sự thống nhất của Đảng.
3. Phục tùng nghiêm kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia.
4. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.
5. Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
6. Luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.
7. Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô.
8. Thực hành tự phê và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng.
9. Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng.
10. Giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà nước và luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch”[4].
Năm 2024, Đảng ta tròn 94 tuổi “Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ đảng viên”[5]. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta, những người đã tuyên thệ dưới cờ Đảng, lá cờ thấm đượm “máu xương của các tiên liệt”[6] và của những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh, phải luôn nhận thức rằng: “Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản”[7]. Do đó, trong tư tưởng, hành động phải thấu triệt “bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy”[8] và chỉ có như vậy, dân tộc Việt Nam mới có thể tiến lên giàu mạnh, văn minh theo con đường Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn.
Đọc lại tác phẩm của Bác mùa Xuân Giáp Thìn 60 năm trước, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn những lời dặn dò của Người đối với các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.242.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 391.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 6.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr 244.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 7.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 5.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 7.
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 7.