Di dân, tái định cư để phục vụ xây dựng các công trình thủy điện tại các địa phương là “bài toán” không đơn giản. Lai Châu đã xử lý “bài toán”đó như thế nào ?
“Bài toán” không hề đơn giản
Lai Châu là một trong các tỉnh trong cả nước có quy mô xây dựng các công trình thủy điện lớn, mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2004, khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng 3 công trình thủy điện của đất nước (Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Huội Quảng, Thủy điện Lai Châu) và công trình Thủy điện Sơn La có ảnh hưởng trực tiếp về quy hoạch vùng ngập nước lòng hồ đối với tỉnh Lai Châu. Các công trình thủy điện được xây dựng trên địa bàn có ảnh hưởng trực tiếp nhiều mặt đến đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung, nhất là những vùng ảnh hưởng trực tiếp của các công trình thủy điện khi ngăn đập trữ nước; tác động đến đời sống của hàng nghìn hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới. Việc xây dựng các khu, điểm tái định cư để di chuyển dân cư, ổn định đời sống của người dân là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý của Đảng bộ và các cấp chính, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ đồng bào phải di dời và xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh với 8.966 hộ; 45.384 nhân khẩu phải di chuyển tái định cư tại 33 khu với 112 điểm tái định cư trên địa bàn 8 huyện, thành phố, 34 xã, phường, thị trấn với tổng mức đầu tư 10.870 tỷ đồng.
Chỉ riêng việc di dân, tái định cư xây dựng Thủy điện Sơn La, Lai Châu phải tiến hành tái định cư tập trung 13 khu, 37 điểm; tái định cư xen ghép vào 1 bản thuộc 1 xã và tái định cư tự nguyện, bảo đảm bố trí 3.579 hộ, bao gồm: 3.124 hộ trên địa bàn và 455 hộ từ thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên chuyển đến. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 9.278 ha, trong đó: đất ở 117 ha; đất sản xuất nông nghiệp 2.146 ha; đất lâm nghiệp 7.015 ha. Các huyện phải tiến hành tái định cư bao gồm: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường và Thị xã Lai Châu (nay là Thành phố Lai Châu)[1].
Vùng tái định cư xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Ảnh: TTXVN)
Lai Châu giải “bài toán” di dân, tái định cư như thế nào ?
Để làm tốt nhiệm vụ này, Đảng bộ tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các cấp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc di dân từ những vùng ảnh hưởng của các lòng hồ thủy điện đến tái định cư tại nơi ở mới đúng tiến độ, bảo đảm việc xây dựng các công trình thủy điện được đúng kế hoạch.
Tỉnh thực hiện tốt công tác tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng tái định cư; người dân cơ bản nắm được chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án, nên nhận được sự đồng thuận cao.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng tới địa bàn dân cư với nhiều hình thức như tuyên truyền tập trung phổ biến tới các thôn, bản tái định cư; niêm yết công khai tại xã, bản; phát tờ rơi để người dân tìm hiểu, nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân để giải quyết các kiến nghị, khiếu nại và những vướng mắc trong công tác di dân, tái định cư.
Chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định, bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch đến cộng đồng người dân tái định cư. Các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đầu đi và đầu đến đã được tính toán đầy đủ, quá trình kiểm đếm được giám sát chặt chẽ...
Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả đảm bảo việc bồi thường đúng đối tượng, đúng giá trị và đúng quy định của Nhà nước, công khai, minh bạch trong thực hiện tạo sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong di dân, tái định cư.
Đảng bộ đã ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện, thành phố, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân khi triển khai các công trình, dự án đầu tư; bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với nghĩa vụ, quyền lợi nhân dân.
Công tác thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ được giải quyết đầy đủ, đúng đối tượng, đúng mục đích và kịp thời, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tái định cư và hộ dân sở tại nơi tái định cư ổn định đời sống và sản xuất; xây dựng mô hình tái định cư nông thôn mới phù hợp với văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Tây Bắc.
Một bản tái định cư thủy điện Bản Chát tại huyện Than Uyên (Ảnh: VOV)
Công tác di chuyển dân bảo đảm tiến độ kế hoạch, an toàn về người và tài sản. Thủy điện Sơn La đã hoàn thành di chuyển 3.564 hộ/16.961 khẩu ra khỏi vùng ngập lòng hồ và mặt bằng công trình, trong đó: tái định cư tập trung: 3.503 hộ, 16.708 khẩu; bố trí tại: 13 khu, 37 điểm tái định cư; tái định cư tự nguyện: 49 hộ, 173 khẩu; tái định cư xen ghép 12 hộ, 80 khẩu[2].
Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành di chuyển đến nơi ở mới cho 2.009 hộ/8.467 khẩu, trong đó: tái định cư tự nguyện 170 hộ/615 khẩu; tái định cư xen ghép 6 hộ/40 khẩu; tái định cư tập trung nông thôn 1.539 hộ/ 6.653 khẩu; tái định cư tập trung đô thị 294 hộ/1.159 khẩu[3].
Thuỷ điện Bản Chát đã hoàn thành di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn cho 2.662 hộ/15.413 khẩu, đạt 100%, trong đó: tái định cư tập trung nông thôn 2.276 hộ/13.068 khẩu, tái định cư tự nguyện 386 hộ/2.345 khẩu[4].
Thuỷ điện Huội Quảng đã hoàn thành di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn cho 704 hộ/4.514 khẩu, đạt 100%, trong đó: tái định cư tập trung nông thôn 699 hộ/4.322 khẩu, tái định cư tự nguyện 35 hộ/192 khẩu[5].
Đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư từng bước ổn định, 100% số hộ dân tái định cư chuyển đến nơi ở mới có nhà ở đẹp và khang trang hơn nơi ở cũ, môi trường được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần được đảm bảo; phong tục tập quán được duy trì và phát huy; công tác chính quyền, đoàn thể tại các khu, điểm tái định cư được kiện toàn và đi vào hoạt động.
Tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển nông nghiệp tập trung, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tại các địa bàn tái định cư để ổn định đời sống sản xuất cho người dân.
Mô hình trồng cây cao su đã triển khai tại 12 điểm (điểm tái định cư Nà Cuổi xã Căn Co, điểm tái định cư Chiêng Lồng, Lùng Khoái, Riềng Thàng xã Nậm Cha,...).
Mô hình trồng và chế biến chè đã hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến và phân vùng nguyên liệu; thực hiện liên doanh liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năng suất, sản lượng, chất lượng chè được nâng lên; đời sống của người trồng chè ngày càng được khởi sắc với thu nhập bình quân 48 triệu đồng/ha đối với diện tích chè kinh doanh, 20 triệu đồng/ha đối với diện tích chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, tạo công ăn việc làm và xây dựng nông thôn mới tại các xã trồng chè.
Mô hình thâm canh lúa hàng hóa chất lượng cao (tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên): xây dựng mô hình thâm canh lúa hàng hóa với các giống lúa chất lượng cao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật khoa học từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình chăn nuôi theo hình thức tận dụng nguồn thức ăn từ rừng như mô hình nuôi Dê dưới tán rừng trồng sản xuất, rừng phòng hộ được khoán cho các hộ bảo vệ: lợi dụng khả năng ăn tạp được nhiều loại lá cây của con dê dưới tán rừng trồng thời kỳ rừng khép tán, các loại là cây con trong rừng tự nhiên (được triển khai ở Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn)…
Có thể nói, Lai Châu đã thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư phục vụ xây dựng các công trình thủy điện quốc gia, vừa bảo đảm nhiệm vụ Nhà nước giao, vừa tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ của Nhà nước để quy hoạch lại dân cư, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Thu Phương
[1] Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu: Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND, ngày 14/01/2008 về cơ chế quản lý và thực hiện di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
[2] Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 89/BC-UBND, ngày 30/3/2017 của Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu về đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện Quốc gia trên địa bàn tỉnh, tr3.
[3] Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 376/BC-UBND, ngày 14/12/2018 của Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu về tổng kết hoàn thành công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Huổi Quảng, thủy điện Bản Chát trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tr3.
[4] Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 376/BC-UBND, ngày 14/12/2018 của Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu về tổng kết hoàn thành công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Huổi Quảng, thủy điện Bản Chát trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tr5.
[5] Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu: Báo cáo số 376/BC-UBND, ngày 14/12/2018 của Ủy ban Nhân tỉnh Lai Châu về tổng kết hoàn thành công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Huổi Quảng, thủy điện Bản Chát trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tr7.