Tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc "giảm dần than đá và các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả". Đây là được xem là bước ngoặt lớn, nhưng chặng đường để cùng đạt được sự đồng thuận này không hề dễ dàng.
Kéo dài thêm gần 24 tiếng đồng hồ so với kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow dường như rơi vào bế tắc. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc và Ấn Độ vài ngày trước đã yêu cầu Hội nghị COP26 điều chỉnh câu chữ liên quan trong dự thảo thỏa thuận, cắt cụm từ "loại bỏ hoàn toàn than đá" và thay bằng "giảm dần sử dụng than đá".
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans xin đăng đàn phát biểu trong âu lo: "Hãy nghĩ đến một người bất kỳ trong cuộc đời các bạn, nếu người đó đến năm 2030 vẫn đứng trên mặt đất này. Họ sẽ sống ra sao nếu chúng ta ngày hôm nay, tại diễn đàn này, không duy trì được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5oC".
Lời khẩn cầu của ông Timmermans dường như đã phát huy tác dụng. Các bên bất ngờ chấp nhận thỏa hiệp, đưa ra những tuyên bố phần nào nhượng bộ hơn và cam kết ủng hộ nội dung trong Hiệp ước khí hậu Glasgow. Việc lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tới được xem là điểm cộng của COP26, bên cạnh các thỏa thuận khác như 137 quốc gia cam kết hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030; 108 nước, trong đó có Mỹ và EU, cam kết với sáng kiến cắt giảm khí methane, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau khí CO2; chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng sạch khác.
Các quốc gia đồng lòng thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C. (Ảnh: AP)
Tuy vậy, vẫn có những điều nuối tiếc mà Hội nghị COP26 chưa đạt được, đó là không có quỹ trách nhiệm, một điểm mà nhiều quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương do khủng hoảng khí hậu cảm thấy thất vọng. Điều này đồng nghĩa nếu có nước nào trải qua thiên tai như lũ lụt gây phá hủy nhà cửa, không có quốc gia hay nguồn quỹ quốc tế nào giúp họ tái thiết lại.
Bên cạnh đó, Quy tắc về Thỏa thuận Paris cũng chưa hoàn chỉnh bởi Điều 6 có nhiều thông tin kỹ thuật tới mức các nước không thể thống nhất về từ ngữ và các loại chất. Đây là điều đáng lo ngại bởi có thể là kẽ hở khiến Liên Hợp Quốc không thể theo dõi thực chất có bao nhiêu khí thải gây hiệu ứng nhà kính thực sự được cắt giảm hay bán trên thị trường.
Thế giới cần đến 6 năm mới đạt được sự đồng thuận để thực hiện cam kết đặt ra tại Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, điều mà đáng lẽ giờ đây chúng ta đã có thể đạt được, và chuẩn bị tiến tới mục tiêu tiếp theo.
Để thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5oC, các quốc gia phải cùng chung nhận định rằng, phát thải không chỉ xảy ra ở những ngành công nghiệp nặng. Rất nhiều lĩnh vực cũng tạo ra những lượng khí phát thải đáng kể vào ô nhiễm. Nhận thức được điều này, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã cùng cam kết thực hiện cắt giảm khí thải trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. (Ảnh: AP)
Còn trong ngành y tế, 42 quốc gia đã cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong hệ thống y tế quốc gia. Đây là nỗ lực toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay nhằm giảm bớt lượng khí thải của các bệnh viện và ngành chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Ngành chăm sóc sức khỏe hiện chiếm gần 5% lượng khí thải CO2 toàn cầu và cũng là lĩnh vực thải khí nhà kính lớn thứ 5 trên thế giới.
Trong khi đó, 6 hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã cam kết loại bỏ việc sản xuất các phương tiện chạy bằng năng lượng hóa thạch vào năm 2040. Anh, nước chủ nhà Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, cho biết, New Zealand và Ba Lan cũng vừa gia nhập nhóm các nước cam kết loại bỏ xe lưu thông trên đường chạy bằng xăng muộn nhất vào năm 2040, nâng tổng số quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu này lên 30 nước.
Những loại năng lượng tái tạo như điện gió, thủy điện hay năng lượng mặt trời đã giúp giảm phần nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng điểm hạn chế là không phải nơi nào cũng đủ điều kiện phù hợp để lắp đặt. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp lâu dài là thế giới cần chuyển sang sử dụng các loại năng lượng ít hoặc không phát thải, đồng thời có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ. Một trong số đó là hydro xanh, loại năng lượng đang thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và bắt đầu được các doanh nghiệp ứng dụng.
Khắp châu Âu, Trung Đông và châu Á, nhiều quốc gia và công ty đang ưu ái loại nhiên liệu chất lượng cao này với kỳ vọng về một nền kinh tế không carbon trong tương lai. Tuy vậy, có một số thách thức trước khi thế giới có thể ứng dụng nguồn năng lượng hoàn toàn sạch này một cách rộng rãi.
Nguồn VTV