Ngay từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, các chuyên gia đã đặt vấn đề đối với những khiếm khuyết của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Với 90% các hoạt động thương mại thế giới trên đường biển và đường không bị gián đoạn, cùng với đó là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng từ mắt xích trung quốc khiến nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia lao đao, chật vật, sự khủng hoảng của chuỗi cung ứng là một thực tế đòi hỏi những tư duy mới về cách thức tổ chức, cấu trúc lại chuỗi; một vấn đề có tính thời sự hiện nay của lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp, cũng như giới chuyên gia.
Đối với Việt Nam, sự biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đất nước đang xem xét mô hình tăng trưởng mới dựa trên đổi mới sáng tạo, coi đây là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, và đang trong giai đoạn bắt đầu định hình và định vị quốc gia trong chuỗi. Để chủ động với chiến lược phát triển kinh tế của mình, Việt Nam cần nắm bắt được những biến động của chuỗi trong thời gian tới.
Covid-19 đặt ra vấn đề với chuỗi cung ứng cả trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Trong khi các vấn đề ngắn hạn đang làm đau đầu các quốc gia và giới doanh nghiệp toàn cầu, các tác động dài hạn vẫn cần nhiều đánh giá toàn diện và sâu sắc. Bài viết này, sẽ tập trung vào một số nhận định về những vấn đề đặt ra với chuỗi trong trung hạn; những nhận định cần thiết để Việt Nam có những điều chỉnh tiếp cận của mình.
Đầu tiên phải nói rằng, không chỉ đến Covid-19, các vấn đề mới được đặt ra với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ít nhất có thể thấy, căng thẳng thương mại Trung-Mỹ trong suốt năm 2019 và thời gian trước đó, sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ và sự xuất hiện của các rào cản tài chính mới làm gia tăng đáng kể các chi phí đã đặt ra nhiều quan ngại và thách thức cho sự vận hành của mạng lưới logistics và thương mại ở phạm vi toàn cầu. Covid-19 chính là sự kiện làm sắc nét hơn những quan ngại và thách thức này.
Trước hết, cần hiểu rằng sự toàn cầu hóa của chuỗi cung ứng xuất phát từ nhu cầu giải quyết bài toàn tối thiểu hóa thời gian của một chu trình sản xuất (từ thời điểm khởi động đến khi hoàn thành việc sản xuất sản phẩm) ở chi phí thấp nhất có thể. Đó là bản chất của mô hình sản xuất toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và trước đó là các diễn biến chính trị, địa chính trị toàn cầu liêp tiếp, cùng với xu hướng mua sắm các sản phẩm nhánh của người tiêu dùng đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của mô hình này: đó là những chi phí không thể hạch toán (chi phí ẩn) của sự phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung (Trung Quốc) và sự kém thích nghi với những cú sốc thời gian thực trong cung-cầu. Những cú sốc gần đây, như cầu về máy thở hay khẩu trang cho bệnh nhân Covid, cho thấy rằng không phải là giá cả, mà sự kịp thời đáp trong ứng nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng chính xác các nhu cầu là những yếu tố thị trường và người tiêu dùng quan tâm hơn hiện nay.
Đó chính là cơ sơ cho những thay đổi, không phải gần đây mới bắt đầu, đối với chuỗi cung ứng theo hướng tăng tính linh động (để phản ứng với các cú sốc) và đa dạng hóa, đa tầng hóa nguồn cung ứng. Xu hướng này sẽ ngày càng được đẩy mạnh trong thời gian tới. Và trong trung hạn, sự tái cấu trúc chuỗi có thể sẽ diễn ra với một số trục chính như sau.
Thứ nhất, chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển từ xu hướng toàn cầu sang khu vực. Để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung cụ thể nào đó, đặc biệt là Trung Quốc, và để tăng tính linh động, thích ứng của chuỗi với các cú sốc cung-cầu, các công ty tích hợp sản phẩm, các nhà cung ứng hệ thống con và thậm chí các nhà cung ứng cấu thành sản phẩm, sẽ có xu hướng tạo nguồn cung ứng, lắp ráp và phân phối từ chính các khu vực sân sau gần gũi của mình.
Một trong những nguyên nhân Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới là chi phí lao động thấp. Khi chi phí lao động của Trung Quốc tăng lên, vấn đề dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển hoạt động này về gần trụ sở các công ty mẹ đã được đặt ra. Một trong những nguyên nhân giữ chân các công ty nước ngoài lại Trung Quốc cũng như châu Á chính là mạng lưới các nhà cung ứng và nhà cung ứng con đã được xây dựng và kết nối vào các hub logistic tại khu vực này.
Hiện nay, trên dưới 40% các thành phần, linh kiện lắp ráp của các công ty sản xuất thiết bị điện tử lớn được cung ứng bởi Trung Quốc. Một ví dụ tương tự là 80% các thành tố dược phẩm của các tập đoàn và công ty dược châu Âu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Có thể thấy rằng, khu vực hóa chuỗi cung ứng sẽ là một bài toán phức tạp. Tuy nhiên, Covid-19 có thể là một động lực và là một cú hích đủ lớn để khởi động quá trình này.
Thứ hai, chuỗi cung ứng sẽ được “định nghĩa” lại để tiếp tục là động lực kinh doanh và sẽ thường xuyên được “kiểm tra sức chịu đựng” (stress testing) trước những cú sốc.
Sau khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008, các ngân hàng và thiết chế tài chính lớn trên thế giới được yêu cầu thường xuyên “kiểm tra sức chịu đựng” (stress test) của bảng cân đối kế toán để đảm bảo rằng các tổ chức này chủ động về mặt tài chính (dòng tiền, tiền mặt, v.v) để đối phó với các cú sốc, khủng khoảng ở mức độ và tần suất khác nhau.
Tương tự, “kiểm tra sức chịu đựng” với chuỗi cung ứng sẽ trở thành một “chuẩn” mới đối với các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn tới.
Chuỗi cung ứng cho đến gần đây đã trở thành “người dẫn dắt” kinh doanh của các công ty, tập đoàn. Và mô hình chuối cho đến nay là hướng tới tối thiểu hóa chi phí. Như những vấn đề đã được nêu ở trên, để tiếp tục là “người dẫn dắt” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, chuỗi cung ứng phải được cấu trúc lại để phục vụ các ưu tiên mới (ví dụ, sự kịp thời và chính xác trong đáp ứng nhu cầu thị trường) trong bài toán tối ưu hóa mới mà các công ty, tập đoàn đặt ra.
Thứ ba, nhân lực sẽ (lại) đóng một vai trò lớn hơn và quan trọng hơn trong cấu trúc mới của chuỗi cung ứng.
Trí tuệ nhận tạo và các công nghệ tự động đã biến đổi các chuỗi cung ứng sâu sắc theo hướng ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, những cú sốc như Covid-19 hay căng thẳng thương mại Trung-Mỹ kéo theo căng thẳng thương mại toàn cầu làm cho nhu cầu và các dòng chảy thương mại giữa các quốc gia ngày càng khó đoán định. Trong một bối cảnh khó dự báo như vậy, các mô hình thống kê, toán học, và do vậy các công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo v.v., sẽ khó phát huy tác dụng và sự ưu việt của mình. Nói cách khác, những công nghệ này phải “chín muồi” hơn để có thể hỗ trợ doanh nghiệp quản trị các rủi ro khó dự báo hơn như các sự kiện diễn ra gần đây.
Do vậy, con người sẽ phải đóng một vai trò chủ động và tích cực hơn, phối hợp với công nghệ, để quản trị các chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Một công thức có thể phù hợp để xem xét là “Nguyên tắc tự động hóa” của tập đoàn Toyota: 80-90% công nghệ kết hợp với 10-20% nhân lực.
Để kết luận, có thể thấy rằng, Covid-19 không phải là sự khiện khơi mào, nhưng là sự kiện mang tính chất cú hích, để tạo ra sự thay đổi có tính cấu trúc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với Việt Nam, trong trung hạn, có thể cần để ý ba xu hướng lớn có thể định hình chuỗi trong thời gian tới: xu hướng khu vực hóa chuỗi, định nghĩa lại bài toán tối ưu với các mục tiêu ưu tiên mà chuỗi cần giải quyết và chuẩn mới về “kiểm tra sức chịu đựng” của chuỗi, và sự trở lại của vai trò nhân lực trong chuỗi.
V.A.N.