Trẻ em cần được chia sẻ, thấu hiểu
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hiện nay, không ít phụ huynh cho rằng, yêu thương, chăm sóc trẻ là cho trẻ ăn uống, học tập đầy đủ, thỉnh thoảng đưa trẻ đi chơi, tham quan, du lịch... Điều này là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi, vấn đề quan trọng mà trẻ em cần là người thân trong gia đình thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành với trẻ từ những việc nhỏ liên quan đến đời sống, tâm lý...
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Công Hiệu cho biết, quý I-2021, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em tiếp nhận, tư vấn chuyên sâu hơn 3.100 ca về các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó số ca liên quan đến ý định tự tử khoảng hơn 160 ca (chiếm 5,3%); hơn 160 ca liên quan đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái do áp lực học tập...
Tương tự, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Trần Quyết Thắng thông tin, từ tháng 6-2021 đến đầu tháng 4-2022, đơn vị này tiếp nhận gần 500 lượt trẻ vị thành niên đến khám bệnh do liên quan đến vấn đề tâm lý, trong đó có 20 trẻ phải điều trị nội trú. Số lượng các cuộc gọi đến đường dây nóng của bệnh viện cũng tăng. Nội dung các cuộc gọi đề nghị tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe tâm thần cho học sinh chiếm 40-50%. “Đã đến lúc phụ huynh cần có nhận thức đúng đắn về các rối loạn tâm thần của con trong cuộc sống hằng ngày”, ông Trần Quyết Thắng lưu ý.
Liên quan đến đời sống tâm lý, tình cảm của trẻ em, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers cho hay, trẻ em và thanh thiếu niên chưa đủ mạnh mẽ để lên tiếng nói ra sự thật với bạn bè, người thân, gia đình. Vì thế, người lớn cần khuyến khích các em chia sẻ về những vấn đề bản thân gặp phải với người đáng tin cậy để được trợ giúp kịp thời...
Tạo môi trường tốt nhất cho con trẻ
Để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện, cùng với những giải pháp các cơ quan chức năng đã, đang triển khai, phụ huynh đang thực hiện, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) Trần Thành Nam cho rằng, người lớn hãy làm bạn với trẻ em, đặt mình vào vị trí của trẻ để thực sự hiểu trẻ. Khi các em gặp những vấn đề rắc rối, phụ huynh nên tìm hiểu từ nhiều phía, giúp trẻ gỡ rối đúng cách. Ngoài ra, phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn cho con cái, đồng hành với con trên chặng đường trưởng thành; không nên đặt kỳ vọng vượt quá khả năng của con...
Dưới góc độ chăm sóc sức khỏe tâm thần, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, hiện nay, nhiều trẻ em, nhất là trẻ vị thành niên gặp vấn đề về tâm lý thường có biểu hiện căng thẳng, gắt gỏng, lo lắng quá mức, mệt mỏi, có trường hợp lại trầm lặng, sống khép kín... Khi thấy trẻ em có những biểu hiện khác thường, bố mẹ nên nhẹ nhàng chia sẻ với con, giúp trẻ thấy tin tưởng mà bộc bạch.
Chị Nguyễn Hồng Anh, tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) kể, năm 2020, con gái chị khi đó đang học lớp 9 có tình cảm đặc biệt với người bạn khác giới, học hành sa sút, hay trốn đi chơi. Khi gia đình biết chuyện riêng của cháu, cháu có ý định bỏ nhà đi. Chị Nguyễn Hồng Anh tìm cách tiếp cận với con gái cùng người bạn của con, trò chuyện nhẹ nhàng để các con hiểu gia đình không cấm đoán nhưng cần bảo ban nhau học hành cho tương lai tốt đẹp. “Kiên trì ở bên con, tâm lý, tình cảm của con gái tôi dần ổn định. Hiện tại, cháu đang học lớp 11 tại một trường phổ thông trung học uy tín và có kết quả học tập tốt”, chị Nguyễn Hồng Anh nói.
Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam Rana Flower khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch, chiến lược về sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em và thanh thiếu niên; đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, các bộ, ngành chức năng luôn chú trọng phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội đối với trẻ em cho cán bộ, nhân viên y tế, tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa sang chấn tâm lý cho trẻ em, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội tại cộng đồng được trang bị những kỹ năng cần thiết sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ em về nhiều mặt. Mô hình gia đình văn hóa, gia đình sức khỏe cũng cần được các bên quan tâm nhân rộng để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện.
Theo Hanoimoi.com.vn