Hoạt động xâm lấn thái quá của con người vào các khu vực sinh thái tự nhiên và hoang dã, nạn săn bắt động vật trái phép, cùng mật độ dân cư đô thị đông đúc và hoạt động di chuyển nhộn nhịp của con người trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng sự tồn tại khổng lồ về số lượng và chủng loại virus gây bệnh trên hành tinh Trái đất khiến các dịch bệnh nguy hiểm và đại dịch như Covid-19 sẽ còn bùng phát với tần suất cao ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau trong tương lai gần và xa.
Dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng không chỉ thuộc phạm trù mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, mà luôn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội nói chung, trong đó có đời sống chính trị. Covid-19 và phòng chống Covid-19 còn có thể được xem là một phép thử quan trọng đối với an ninh chính trị, một khía cạnh của lĩnh vực chính trị với nội hàm chủ yếu là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quyền lực, chủ quyền chính trị.
Nhận định này được thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
Một là, trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay, do yếu tố lây lan nhanh và khó cách ly, khó kiểm soát hơn nên sự bùng nổ của Covid-19 và công tác phòng chống dịch bệnh trở thành nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia.
Việt Nam theo đuổi mục tiêu kép: phát triển kinh tế - xã hội và kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Internet
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến như hiện nay, Việt Nam buộc phải theo đuổi mục tiêu kép là duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Các chính sách đều phải đi kèm với các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng dân cư. Thậm chí nhiều chương trình quốc gia và hoạt động đối ngoại đã phải hủy bỏ, gác lại hoặc thu hẹp phạm vi tối đa do dịch Covid-19. Hiệu quả phòng chống dịch bệnh trở thành một tiêu chí quan trọng hàng đầu đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Lòng tin, mức độ tín nhiệm của người dân vào chính quyền tỷ lệ thuận với khả năng kiểm soát tình hình bệnh dịch.
Hai là, đại dịch Covid-19 làm môi trường an ninh trong nước trở nên phức tạp hơn, bởi lẽ nếu bệnh dịch được kiểm soát và xử lý tốt thì uy tín và hình ảnh quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Ngược lại, nếu bệnh dịch trong nước không được xử lý tốt hoặc có lúc có nơi thực hiện chưa triệt để thì tình hình này có thể bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng nhằm gây bất lợi, mất ổn định đối an ninh và sự phát triển của đất nước. Thực tế là trên mạng internet và mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin sai lệch, những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực và kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam vào thời điểm nhạy cảm chính trị khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang tới gần.
Nếu dịch bệnh được giải quyết tốt thì sẽ làm cho xã hội có sự gắn kết hơn, bởi lẽ hiệu quả của nỗ lực chung trong hoạt động phòng chống dịch giúp kiều bào và công dân cảm nhận rõ hơn về sức mạnh cộng đồng, về việc các cá nhân được bảo vệ bởi cộng đồng. Ví dụ như, sức mạnh của tinh thần hiệu triệu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng tăng cường niềm tự hào dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc. Ngược lại, nếu bệnh dịch không được xử lý tốt thì có thể góp phần khiến xã hội bị phân hóa sâu rộng. Tình trạng thất nghiệp, nợ nần, túng quẫn, thiếu lương thực và thuốc men luôn thường trực nguy cơ tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Ba là, dịch Covid-19 đang làm xáo trộn, thậm chí đảo lộn môi trường và cục diện an ninh quốc tế.
Một thực tế là sự bùng nổ của Covid-19 đã thành ngòi nổ kích hoạt cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc diễn tiến lên một tầm cao mới. Cuộc tranh giành này đang bộc lộ thế đối đầu ngày càng trực diện và toàn diện.
Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến về vai trò lãnh đạo giữa đại dịch Covid-19.
Khai mào từ cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm và ứng xử của đối phương đối với nguồn gốc và cách thức xử lý dịch bệnh, Mỹ và Trung Quốc đã và đang trừng phạt, kiềm tỏa lẫn nhau theo chiều hướng leo thang từ kinh tế - công nghệ đến chính trị - ngoại giao và an ninh - quân sự.
Hơn thế, Mỹ và một loạt quốc gia phát triển phương Tây đang hình thành một liên minh mới lấy sự bùng nổ Covid-19 làm tiêu điểm để cáo buộc, truy vấn trách nhiệm của Trung Quốc. Từ đó, liên minh này và Trung Quốc đẩy mạnh tranh giành ưu thế trên bình diện kinh tế - công nghệ - quân sự một cách quyết liệt và công khai hơn trước. Có thể thấy, khía cạnh then chốt của cuộc cạnh tranh chiến lược nói trên là sự ganh đua, thậm chí là chèn ép lẫn nhau trong lĩnh vực công nghệ cao, bởi lẽ hiển nhiên rằng điều kiện cần cho vị thế siêu cường của một cường quốc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là phải làm chủ được và phải đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nền đối ngoại Việt Nam ủng hộ một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, trong đó các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Sự xáo trộn và chuyển biến của môi trường an ninh quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang đặt ra những nội dung yêu cầu mới để bảo đảm được đối sách ngoại giao trong điều kiện chúng ta phải đứng giữa cuộc đối đầu khốc liệt, không khoan nhượng giữa các cường quốc.
Bốn là, cuộc chiến Covid-19 vô tình đẩy nhanh gia tốc tiến trình chuyển đổi số, đồng thời trong thời gian ngắn đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị gắn với quá trình công nghệ hóa, số hóa đời sống xã hội nói chung.
Đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Yêu cầu hạn chế tiếp xúc, cách ly, giãn cách xã hội nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng buộc chúng ta phải gia tăng nhanh chóng, sâu rộng các tương tác xã hội gián tiếp thông qua internet, qua mạng viễn thông và các thiết bị công nghệ. Chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, từ đời sống sinh hoạt hàng ngày đến lĩnh vực y tế, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại, và cao hơn nữa là quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Hơn thế, các quá trình chuyển đổi này ngày càng gắn kết hữu cơ, dần hình thành nên mạng lưới, tổng thể hạ tầng công nghệ với các thành tố kết nối ngày càng mật thiết.
Mặt khác, các phát minh, sáng chế công nghệ và hoạt động ứng dụng, sử dụng công nghệ, phần mềm và thiết bị công nghệ trong giai đoạn hiện nay đều phải tính đến và đều phải gắn liền với việc bảo đảm an toàn giao dịch, an toàn thông tin cá nhân, an ninh viễn thông, an ninh mạng và an ninh quốc gia. Việc đảm bảo an ninh này trở nên phức tạp và thách thức hơn khi việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ buộc phải diễn ra khẩn trương hơn do điều kiện bệnh dịch đang hoành hành trong khi đó hạ tầng công nghệ quốc gia chưa thực sự được chuẩn bị tương thích. Sự tê liệt có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau nếu không bảo đảm được an ninh, an toàn liên quan đến công nghệ. Việc truyền tải thông tin, hoặc các cuộc họp trực tuyến, các hoạt động chỉ đạo điều hành trực tuyến của các cơ quan nhà nước có thể bị can thiệp, gián đoạn hoặc bị xuyên tạc, làm sai lệch, từ đó gây ra tình trạng bất ổn, mất ổn định xã hội.
Như vậy, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cả bên trong lẫn bên ngoài đối với an ninh chính trị của đất nước. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, còn có thể tiếp tục gia tăng biến số đối với đời sống an ninh chính trị vào thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang cận kề. Chúng ta cần tiếp tục giữ thái độ lạc quan thận trọng đối với thành quả phòng chống dịch bệnh, và cần tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy cao tinh thần trách nhiệm đối với an ninh và phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới chưa thực sự có các giải pháp y học chống lại đại dịch hiện nay.
Quang Phan