Ngày 22/6/1941, phát xít Đức bất ngờ sử dụng 190 sư đoàn tiến công Liên Xô, mở ra mặt trận phía Đông ở châu Âu. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu.
Sau hơn 1 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở châu Âu, phát xít Đức đã chiếm đóng phần lớn địa bàn châu Âu, nhưng tham vọng thống trị thế giới chưa dừng lại. Quốc gia cản trở tham vọng đó của phát xít Đức chính là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Mặc dù đã ký kết với Liên xô Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, nhưng với dã tâm bành trướng, việc phát xít Đức tiến công Liên xô nhằm mục tiêu bá chủ châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian.
Giành thắng lợi tương đối dễ dàng trên các vùng đất khác ở châu Âu, ngoại trừ nước Anh, phát xít Đức cũng có phần chủ quan và phiêu lưu, vì thế, với đội quân phát xít bất khả chiến bại lúc đó, phát xít Đức nhanh chóng chuyển sang một mục tiêu mới ở phía Đông châu Âu, mục tiêu mà Hitler cho là khó nhất: Liên xô.
Quân dự bị động viên của Liên xô tiến ra mặt trận, Moscow ngày 23/6/1941. Bảng trên cây bên trái ảnh có ghi dòng chữ: "Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta" (Ảnh của RIA NOVOSSTI)
Ngày 22/6/1941, 152 sư đoàn quân phát xít Đức, cùng với 38 sư đoàn của những chính phủ đồng minh phát xít Đức tại châu Âu, tổng số lên tới 190 sư đoàn với 5,3 triệu quân, 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 4.950 máy bay, bắt đầu cuộc tiến công Liên xô trên toàn tuyến biên giới dài 2.900 km. Hitler dự kiến đánh bại Liên xô trong thời gian từ 3 đến 4 tháng bằng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” với các mũi tiến công thọc sâu, chia cắt, nhanh chóng đánh chiếm Moscow bằng tập đoàn quân Trung tâm với 50 sư đoàn mạnh. Đối đầu với cuộc tiến công của phát xít Đức, quân đội Liên xô tại Mặt trận chính có 170 sư đoàn với 3 triệu quân, 12.000 xe tăng, xe thiết giáp các loại.
Quân đội phát xít tiến nhanh như vũ bão, nhanh chóng tiến sâu vào đất nước Liên Xô. Những chiến thắng ban đầu của đội quân phát xít dường như cho thấy việc chiếm đóng Liên xô chỉ còn là vấn đề thời gian. Đặc biệt là khi quân đội phát xít Đức đã tiến đến ngoại ô Moscow và có thể nhìn thấy thủ đô Liên xô qua ống nhòm. Sở dĩ quân Đức có thể tiến nhanh như vậy do Stalin dự đoán sai thời điểm phát xít Đức có thể tiến công Liên xô, nên chưa đặt lực lượng vũ trang Xô viết trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Stalin cho rằng, sau khi “thanh toán” hoàn toàn châu Âu, bao gồm cả nước Anh, phát xít Đức mới tiến công Liên xô và việc này nhanh nhất cũng phải vào đầu năm 1942. Trong thời gian đó, Liên Xô đẩy mạnh tăng cường sức mạnh quân sự. Từ tháng 9/1939 đến thời điểm quân đội Đức phát động cuộc chiến thanh với Liên xô, Hồng quân đã được trang bị 7.000 xe tăng và ngay trong năm 1941 công nghiệp quân sự Liên xô sản xuất thêm được 5.500 xe tăng, trên 29.000 khẩu pháo, trên 52.000 súng cối. Sản xuất máy bay được đẩy mạnh gấp 2,4 lần những năm trước đó. Tiềm lực quân sự này và tinh thần vệ quốc đã bảo đảm cho Liên xô không bị sụp đổ hoàn toàn và nhanh chóng như Hitller dự tính.
Có được chiến thắng khá dễ dàng do lợi dụng được yếu tố bất ngờ, Đức tưởng như sẽ nhanh chóng đánh bại Liên Xô. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Thực hiện lời kêu gọi của Stalin ngày 03/07/1941, tiến hành “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, quân đội và nhân dân các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết đã anh dũng chiến đấu, cầm chân quân Đức trên khắp các mặt trận. Các mũi tiến công của quân Đức chậm dần rồi khựng lại tại những thành phố quan trọng. Sức kháng cự của quân đội Xô viết ngày càng tăng, đặc biệt là tại Thủ đô Moscow. Thắng lợi của quân đội và nhân dân Liên Xô trong trận Smolenk kéo dài hai tháng (7 và 8 năm 1941) và trận đánh tại khu vực Moscow (từ tháng 9 năm 1941 đến tháng 1-1942) đã chặn đứng âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” chiếm Moscow của phát xít Đức. Ngày 02/12/1941, Sư đoàn Thiết giáp số 5 của Đức đã dừng lại ở ngôi làng Dmitrov và Jokroma, chỉ cách Moscow 14 km, cách Điện Kremlin đúng 24 km. Tuy nhiên, đó là thắng lợi cao nhất của quân Đức trong cuộc chiến tranh xâm lược nhằm xóa xổ Liên xô. Từ thời điểm này, quân Đức đuối sức, Liên Xô đã giành lại thế chủ động và tiến hành phản công chiến lược, đẩy quân Đức xa Thủ đô Moscow.
Trong những năm sau đó, các trận chiến tại Stalingrad, tại Vòng cung Kursk và sông Dnepr là những trận đánh oanh liệt đi vào lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai. Liên xô đã giải phóng Đông Âu và tổng tiến công Berlin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức chính thức đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh.
Chiến sĩ Hồng quân Meliton Varlamovich Kantaria cắm lá cờ Xô viết trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức
tại Berlin ngày 30/04/1945 (Ảnh tư liệu)
Để chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, Liên xô đã phải trả một giá rất đắt. Chiến tranh thế giới thứ hai làm 70 triệu người thiệt mạng thì riêng Liên xô đã có 27 triệu người chết, bao gồm cả quân nhân và dân thường. Mất mát to lón đó càng cho thấy chúng ta phải trân trọng hòa bình có được và luôn cảnh giác với các thế lực hiếu chiến muốn gây chiến tranh phục vụ mưu đồ riêng của họ, không đếm xỉa đến mất mát to lớn của nhân loại.
Minh Chi
Minh Chi