Khoảng 7.000 quân nhân và 340 khí tài các loại hôm 26/9 tham gia duyệt binh ở Seoul nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội Hàn Quốc. Đây là cuộc duyệt binh lớn nhất của Hàn Quốc kể từ năm 2013, với hai phần gồm diễu duyệt tại căn cứ không quân Seoul và trình diễn trên đường phố ở khu Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô.
Đây là lần hiếm hoi quân đội Hàn Quốc phô diễn các khí tài mạnh nhất trong biên chế với người dân, khi các tổ hợp xe tăng, pháo tự hành, tên lửa diệt hầm ngầm, máy bay không người lái di chuyển trên đường phố bất chấp trời mưa.
Soo Kim, cựu chuyên viên phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định cuộc duyệt binh là "động thái răn đe công khai" mà chính phủ Hàn Quốc gửi tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Triều Tiên phải nhận thức rõ ràng rằng vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ có thể đảm bảo an ninh cho họ. Nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, phản ứng áp đảo từ liên quân Hàn Quốc và Mỹ sẽ chấm dứt sự tồn tại của họ", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trước các binh sĩ sau khi kiểm tra đội hình duyệt binh tại căn cứ không quân Seoul.
Một trong những điểm nhấn của lễ duyệt binh là tên lửa Hyunmoo, dù quân đội Hàn Quốc không tiết lộ phiên bản được huy động cho sự kiện. Đây là loại tên lửa được Hàn Quốc phát triển để chuyên đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hàn Quốc từ năm 2021 phóng thử 4 loại tên lửa đạn đạo và hành trình từ mặt đất, tàu ngầm và máy bay nhằm tăng năng lực răn đe Triều Tiên. Các mẫu tên lửa này có tầm bắn 350-800 km, trang bị đầu đạn đặc biệt để công phá hầm ngầm kiên cố của đối phương.
Phiên bản mới nhất có tên Hyunmoo-5 được cho là có thể mang đầu đạn nặng 8-9 tấn, đủ khả năng phá hủy các mục tiêu trong hầm ngầm sâu dưới lòng đất. Triều Tiên thường bố trí các vũ khí chiến lược của mình trong hầm ngầm dưới núi đá, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ khi xung đột nổ ra.
Dòng tên lửa Hyunmoo là trọng tâm trong Chiến dịch trừng phạt và trả đũa quy mô lớn của Hàn Quốc (KMPR), kế hoạch tác chiến nhằm làm mất khả năng lãnh đạo của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, cũng là một trong ba trụ cột răn đe của Seoul.
"Họ muốn thể hiện rằng Seoul sẽ không lùi bước hoặc tìm cách hòa giải với Bình Nhưỡng", ông nói.
Peter Layton, chuyên gia tại Viện Griffith Asia ở Australia, cho rằng ngoài thông điệp răn đe Triều Tiên, cuộc duyệt binh còn nhắm tới khơi dậy tình cảm dân tộc của "nhiều tầng lớp người dân Hàn Quốc".
"Cuộc duyệt binh và sự xuất hiện của Tổng thống Yoon giúp người dân Hàn Quốc thấy rằng đất nước đang trở thành cường quốc trên trường quốc tế, đóng vai trò then chốt với thế giới. Nó cũng tăng cường hình ảnh cho ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, vốn đang đạt được nhiều thành công đáng kể trong xuất khẩu, giữa lúc nhiều ngành kinh tế bị trì trệ", ông nêu quan điểm.
Tổng thống Yoon từng tuyên bố mục tiêu biến Hàn Quốc thành một trong 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Pháp. Điều này chưa trở thành hiện thực, nhưng nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ với lượng xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD trong năm 2021.
Hàng loạt hệ thống vũ khí do Hàn Quốc tự phát triển và sản xuất đã được đưa ra phô diễn, gồm pháo tự hành K55A1 và K9, cùng tên lửa phòng không L-SAM thế hệ mới. Tiêm kích nội địa KF-21 cũng dự kiến trình diễn trên không, nhưng kế hoạch bị hủy do thời tiết xấu.
Tại sự kiện, ông Yoon tuyên bố Hàn Quốc sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản, dựa trên "liên minh bền chặt" với Washington, đồng thời thiết lập thế trận an ninh mạnh mẽ bằng cách đoàn kết chặt chẽ với các quốc gia đối tác.
Căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử tên lửa còn Seoul và Washington tăng cường hợp tác quân sự.
Triều Tiên nhiều lần chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, coi đây là bằng chứng cho thấy liên minh này có thái độ thù địch và muốn thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Washington và Seoul khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính phòng vệ.
"Cuộc duyệt binh nhấn mạnh quan hệ đồng minh vững chắc giữa Hàn Quốc với Mỹ, trong bối cảnh hai nước và Nhật Bản ngày càng xích lại gần nhau nhằm đối phó với chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên", chuyên gia Leyton nói thêm.
Nguồn: vnexpress.net