“Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị két án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”[1].
Ngày 30/6/2021, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN Về đặc xá năm 2021 nhân dịp nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9/2021; đồng thời, ra Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương năm 2021 gồm 10 thành viên là lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương nhằm triển khai Quyết định đặc xá năm 2021 nghiêm túc, kịp thời, đúng pháp luật.
Đến ngày 30/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định đặc xá số 1535/QĐ-CTN (Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2021). Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.
Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về đặc xá năm 2021. Ảnh: vtv.vn.
Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, là niềm vui lớn với sự mong chờ của rất nhiều phạm nhân và gia đình có người thân được đặc xá. Có thể nói, đặc xá như một “phần thưởng” đặc biệt thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với sự hối cải, những nỗ lực, kết quả cải tạo, rèn luyện của những phạm nhân đã một thời lầm lỡ. Nó có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tâm lý của họ hơn bất cứ một biện pháp răn đe, cưỡng chế hay giáo dục nào; bồi đắp, cổ vũ thêm cho họ khát vọng làm lại cuộc đời khi trở về với xã hội. “Phần thưởng” đặc biệt này còn góp phần tạo động lực quan trọng cho “hậu đặc xá”, giúp họ vơi bớt đi sự mặc cảm, tự ti để tự tin hơn nhằm sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều phạm nhân sau khi được hưởng đặc xá đã thực sự hoàn lương, trở thành người lương thiện, có ích cho cộng đồng và xã hội. Điều này khẳng định ý nghĩa nhân đạo đặc biệt quan trọng của đặc xá.
Không chỉ có ý nghĩa với người được hưởng đặc xá, đối với những phạm nhân khác đang chấp hành án phạt, chính sách đặc xá cũng góp phần khuyến khích, tạo động lực cho họ quyết tâm cải tạo, tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy của cơ sở giam giữ, đặc biệt là quyết tâm hoàn lương để có cơ hội được hưởng đặc xá, sớm về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Bởi điều kiện tiên quyết đầu tiên được nhấn mạnh để có thể hưởng đặc xá luôn là “Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự”[2].
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các hoạt động lợi dụng nhân quyền, nhân danh vì nhân quyền, “núp bóng” nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam diễn ra ngày càng gay gắt, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù cho những người phạm tội, đang chấp hành án phạt tù không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc… miễn là có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Quyết định đặc xá đã góp phần khẳng định bản chất ưu việt của chế độ ta, đấu tranh phản bác, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, phản động về vấn đề này. Vì trên thực tế, đặc xá là một chế định pháp lý có ý nghĩa tổng hợp về chính trị, xã hội, pháp lý đặc biệt, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội với tinh thần “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, bao dung, tôn trọng quyền con người của Nhà nước ta đối với những người có quá khứ lầm lỗi nhưng đã nhìn nhận ra sai lầm của mình và được minh chứng qua những thành tích, hiểu hiện tốt trong quá trình cải tạo, chấp hành hình phạt. Đặc xá còn cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Namluôn công nhận và tôn trọng các quy định về quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các nguyên tắc khoan hồng của Bộ luật hình sự khi xử lý tội phạm.
Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định đặc xá trên tinh thần nhân đạo, khoan hồng nhưng vẫn phải bảođảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảođảm kỷ cương, phép nước, chỉ áp dụng đặc xá đối với phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định. Trong Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những trường hợp không được đề nghị đặc xá, chẳng hạn như trường hợp: “Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự”[3].
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá tại Trại giam Ngọc Lý. Ảnh: Dangcongsan.vn
Đáng chú ý, đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tiến hành theo Luật Đặc xá sửa đổi năm 2018 với rất nhiều điểm mới so với Luật đặc xá năm 2007: Lần đầu tiên Chủ tịch nước có cuộc họp với các cơ quan liên quantrước khi ký quyết định đặc xá; áp dụng đặc xá đối với phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài; triển khai quyết định đặc xá trong vòng một tháng rưỡi (các đợt đặc xá trước được thực hiện trong khoảng 6 tháng); đặc biệt, lần đầu tiên công tác đặc xá phải tiến hành trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng, rất nhiều địa bàn, trại giam đang ở trong khu vực áp dụng biện pháp đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, công tác triển khai gặp không ít những khó khăn khi vừa phải bảo đảm đúng đối tượng, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, vừa phải bảo đảm kịp thời đúng tiến độ trước ngày Quốc khánh 2/9. Điều này thêm một lần khẳng định quyết tâm, sự đồng lòng của Nhà nước, chính quyền các địa phương, các bộ ngành liên quan và các cơ sở giam giữ trong việc thực hiện sự kiện nhân văn này.
Với tinh thần kiên quyết “không bỏ sót, không làm sai” đã được Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta tin tưởng rằng, lần đặc xá năm nay đã được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, đúng pháp luật, thể hiện rõ kỷ cương, phép nước, thể hiện được sự ưu việt của chế độ ta, phát huy tối đa ý nghĩa nhân văn cao cả của hoạt động đặc xá, củng cố thêm niềm tin của nhân dân và nhận được sự đánh giá cao của dư luận quốc tế về tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta, chế độ ta. Với con số hơn 3.000 phạm nhân được hưởng đặc xá lần này, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng rằng, cộng đồng của chúng ta sẽ có thêm những thành viên sống thật sự có ích.
Mai Phạm