Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Trọng Hải |
Điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ năm, lần đầu tiên Quốc hội dành ½ ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội và sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước, do đó, tại Kỳ họp thứ sáu, nội dung này đã được đưa vào vào chương trình kỳ họp để các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cơ bản đồng tình, đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, với sự quyết tâm của Quốc hội, sự chuyển động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực.
Theo đại biểu, nhận thức của các địa phương liên quan đến công tác tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị cử tri được coi trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, đánh giá kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực mình. Điều này thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm trong tiếp thu của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Hải |
Đồng quan điểm trên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu rõ, qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công…
Đại biểu cho biết, nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương xem xét, nghiên cứu, giải thích, giải quyết, cung cấp thông tin một cách kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống của người dân, doanh nghiệp, địa phương.
"Việc giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, giúp góp phần ổn định tình hình, tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước", đại biểu Mai Văn Hải đánh giá.
Cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm
Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện. Đại biểu đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Trọng Hải |
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, vẫn còn một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Một số vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh gửi văn bản riêng tới các bộ, ngành, được Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các bộ, ngành Trung ương quan tâm trả lời. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội nói riêng.
Từ đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, nhân dân để cử tri, nhân dân có thể giám sát.
Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm, đến nay chưa giải quyết. Ngoài ra, cần tăng cường hợn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản.
Nguồn QĐND