Tin giả là virus rất nguy hiểm
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhân dân cả nước đang gồng mình chịu đựng, khắc phục và kiên trì vượt qua thử thách cam go này. Những hình ảnh về đội ngũ nhân viên y tế, của lực lượng quân đội, công an, những người có chức phận hay tình nguyện đã lăn xả, chịu đựng và kiệt sức vì công việc; những thông tin về sự sẻ chia, đùm bọc của nhân dân ở những địa phương khác đối với người ở vùng dịch; những chuyến bay vượt ngàn dặm chuyên chở vắc-xin về nước; những bản nhạc, lời ca trực tuyến của các nghệ sĩ chia sẻ, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch thật cảm động và lan tỏa trong cộng đồng…
Liên tiếp xuất hiện các tin giả liên quan dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang cho người dân. Ảnh: Internet.
Trong bối cảnh đó, có những kẻ không những không “chung lưng đấu cật”, không làm dù một việc nhỏ nhất có ích cho xã hội nhưng lại tích cực làm những việc gây hoang mang, làm sứt mẻ niềm tin của cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19 bằng thứ vũ khí được tạo ra từ bàn phím - tin giả (fake news).
Thực tế cho thấy, tin giả được thể hiện dưới nhiều hình thức với sự trợ giúp của công nghệ thông tin mà phổ biến nhất là sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, TikTok… và được lan truyền trên mạng internet. Đó là thông tin sai lệch về số người có kết quả dương tính sau khi xét nghiệm ở một địa phương, đơn vị nào đó, thậm chí nêu tên, địa chỉ một cá nhân, gia đình một cách không có căn cứ; là thông tin sai lệch về chủ trương phòng chống dịch của cấp ủy, chính quyền địa phương; là thông tin thiếu căn cứ về việc phân bổ, sử dụng các loại vắc xin; là hình ảnh được quay, cắt ghép có dụng ý về những hoàn cảnh thương tâm mà ở nhiều quốc gia trong đại dịch Covid-19 này cũng đều có. Tuy nhiên, không chỉ như vậy, tin giả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 còn là những thông tin sai lệch, chụp mũ, kích động dư luận về những vấn đề chính trị - xã hội với mục đích, động cơ xấu được che đậy dưới vỏ bọc phản biện xã hội, tự do ngôn luận, bảo vệ nhân quyền… Dù được thể hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp công nghệ nhưng tựu trung, tin giả đều chứa đựng những nội dung hoặc là hoàn toàn giả tạo hoặc là chỉ một nửa sự thật hoặc tuy là sự thật nhưng kèm theo những chú thích, bình luận không đúng hoặc bằng sự chia sẻ (share) một cách thiếu ý thức vì sự bình an của cộng đồng.
Thực tế cũng cho thấy, tin giả có thể là sản phẩm của sự chủ động, cố ý của kẻ tạo tin hoặc phát tán tin với mục đích, động cơ xấu của cá nhân. Nhưng tin giả cũng có thể là kết quả của hành vi thiếu ý thức kiểm chứng tính xác thực, có ý đồ câu like, câu view hoặc của một thói quen khi lên mạng xã hội… Cho dù cố ý hay vô ý, những thông tin đó đều mang lại sự bất an cho cộng đồng ở những mức độ khác nhau vì không phải ai cũng có điều kiện để kiểm chứng về tính xác thực của chúng. Vì thế, tin giả là một loại virus đặc biệt nguy hại thâm nhập dần vào xã hội, tạo ra tâm trạng hoang mang, bào mòn niềm tin, sự lạc quan của con người và từ đó, nó có thể nuôi dưỡng ý chí phản kháng tiêu cực của cá nhân và cộng đồng. Như vậy, tin thì giả nhưng hậu quả lại là thật.
Chúng ta làm gì với tin giả ?
Tin giả là một vấn nạn không chỉ ở Việt Nam. Việc khống chế, xử lý tin giả rất phức tạp vì nó liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đến quyền con người mà trực tiếp là quyền tự do ngôn luận của cá nhân. Tuy nhiên, ở phương diện pháp lý quốc tế, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1966 (Việt Nam gia nhập tháng 9/1982) đã quy định quyền tự do ngôn luận của cá nhân không phải là quyền tuyệt đối, nó có thể bị hạn chế nếu liên quan đến những hành vi có hại cho xã hội. Vì thế, rất nhiều quốc gia không coi tin giả là biểu hiện bình thường của quyền tự do ngôn luận mà là có hại cho xã hội. Do vậy, bên cạnh những biện pháp kinh tế, xã hội, giải pháp công nghệ, nhiều quốc gia đã cố gắng luật hóa và tìm cách thức phù hợp để xử lý tin giả bằng hàng rào pháp lý, kinh tế.
Lực lượng công an làm việc với đối tượng tung tin giả về COVID-19. Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng
Cho đến nay, Việt Nam cũng đã kịp thời tạo ra những căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ các quan hệ xã hội trước hiện tượng tin giả. Hiến pháp năm 2013 tại Khoản 2, Điều 14 quy định: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tại Điều 25 quy định: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình của công dân được thực hiện theo pháp luật.
Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 288 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức hình phạt cao nhất 7 năm tù và phạt tiền đến 200 triệu đồng. Đồng thời, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Luật An ninh mạng (2018) và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ban hành bởi Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ là một loại vắc xin đặc hiệu đối với hành vi tạo và phát tán tin giả. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là làm sao để các quy định của pháp luật được áp dụng thật sự nghiêm minh, hiệu quả, thấu tình đạt lý trên cơ sở phân biệt động cơ, mục đích, bản chất của tin giả.
Tạo lập và hoàn thiện công cụ pháp lý phù hợp, hiệu quả là điều rất cần thiết và không thể thay thế trong công cuộc phòng, chống tin giả. Nhưng sâu xa và lâu dài hơn, nó không thể thay thế những biện pháp căn cốt nhằm tạo lập dần cho từng cá nhân và cộng đồng biết cách dị ứng với tin giả, biết cách “lọc tin” với những chuẩn mực phổ thông của lý trí và đạo đức xã hội. Và từ đó, ở mức độ cao hơn, họ chủ động khước từ, tích cực đấu tranh, phản bác đối với tin giả ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực chính trị - xã hội chứ không chỉ trong lĩnh vực phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay.
Mặt khác, chúng ta đang có 779 cơ quan báo chí (142 báo, 162 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình trong đó có 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương với 87 kênh phát thanh, 193 kênh truyền hình, 21.132 nhà báo. Nếu các cơ quan báo chí và nhà báo của chúng ta thực hiện tốt hơn nữa vai trò chủ động, tiên phong, kiên trì, kiên quyết trên mặt trận truyền thông, tuyên truyền thì chắc chắn sẽ có rất ít dư địa và điều kiện cho tin giả tồn tại.
Tuấn Vũ