Quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết
Đảng xác định rõ mục tiêu của vấn đề phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].
Sự khẳng định đó cho thấy Đảng đánh giá cao vai trò của chiến lược đại đoàn kết trong xây dựng đất nước giai đoạn mới, khẳng định mạnh mẽ hơn và thể hiện mục tiêu cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta.
Trong quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII, quan điểm chỉ đạo thứ tư đề cập trực tiếp đến nội dung này là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[2].
Quan điểm tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ giữa việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một tất yếu khách quan, là vấn đề có tính quy luật, cũng là một yêu cầu trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Quan điểm là một trong những nội dung quan trọng, trong đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc là tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Quan điểm trên cho thấy Đảng đã xác định được rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại và những vấn đề cần đặt ra trong quá trình kết hợp trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại trọng đại của đất nước hiện nay.
Đảng đã gắn đại đoàn kết với ý nghĩa là khối liên kết tạo nên sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Chính vì thế, khát vọng phát triển là một chiến lược lâu dài và để thực hiện khát vọng đó thì mấu chốt là phải thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, qua đó mới có thể kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đáp ứng được cả những yêu cầu của phát triển bên trong quốc gia và tăng cường vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”[3] .
Bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động chia rẽ dân tộc, gây thù hằn tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta; khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, kích động biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội, đặc biệt, chúng đang tìm cách chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân…
Những nguy cơ và thách thức đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đồng lòng, chung sức phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố, nhưng trước hết là phụ thuộc vào việc phát huy được hay không vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những giải pháp để tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng chính sách khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Việt Nam; có cơ chế đào tạo, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhất. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 36- NQ/TW, Chỉ thị số 45- CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các giải pháp: cụ thể hóa thành các chính sách và phong trào thi đua yêu nước với hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực; không dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi thông thường mà phải chỉ dẫn các hành động cụ thể; chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá các môn học trong nhà trường, đặc biệt là môn lịch sử, giáo dục công dân; đẩy mạnh học tập suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với việc làm hằng ngày của mỗi người dân.
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X vừa diễn ra thành công tại Hà Nội
Bốn là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là “ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đặc biệt quan trọng. Đảng ta chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, cần thường xuyên quan tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.
Đối với Mặt trận Tổ quốc, Đảng ta khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”.
Năm là, giải quyết tốt các mối quan hệ, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là chủ trương và giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam trong tình hình mới.
Ở nước ta hiện nay, các mối quan hệ cần tập trung giải quyết để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ cần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, đồng thời chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quan hệ tôn giáo, Đảng nhấn mạnh phải vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định đây là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc giải quyết tốt các mối quan hệ này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.
Sáu là, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bằng các giải pháp: quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, yên tâm, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…
Nguyệt Ánh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.14
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.110, 111
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.50, 51