Cách đây tròn 95 năm trước, vào mùa Xuân năm 1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đó, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi vĩ đại trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín” như hôm nay, tạo tiền đề, điều kiện dần bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Mùa Xuân về, mừng Đảng quang vinh tròn 95 tuổi, cũng là “thời khắc đặc biệt” để nhìn lại dòng chảy lịch sử đầy vinh quang của Đảng để thấy được những thăng trầm lịch sử, những móc son chói lọi, những thành quả vĩ đại mà dân tộc ta có được trong 95 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, để rất đỗi tự hào rằng “Đảng ta thật vĩ đại, dân tộc ta thật anh hùng”.
Đảng ra đời tạo bước ngoặt vĩ đại, đặt nền móng mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam
Ngược dòng lịch sử trở về với bối cảnh đất nước từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khởi nguồn từ lòng yêu nước, với khát vọng độc lập, trên đất nước ta liên tiếp diễn ra các phong trào đấu tranh bằng nhiều con đường, cách thức, khuynh hướng khác nhau nhằm giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc. Tuy nhiên, tất cả các phong trào đều thất bại, không đạt được mục đích cuối cùng bởi hầu hết đều thiếu một lý luận cách mạng, khoa học mang tính thời đại dẫn đường và một tổ chức chính trị lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Con đường cứu nước rơi vào bế tắc, lịch sử đòi hỏi phải tìm ra con đường mới.
Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc với tư duy và tầm nhìn vượt thời đại, cùng với bản lĩnh, nghị lực phi thường mang trong mình khát vọng cháy bỏng là tìm lại độc lập cho dân tộc, tư do cho nhân dân. Trải qua hành trình gian khổ, chiêm nghiệm thực tiễn sâu sắc, Người khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn giành thắng lợi, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác-Lênin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười. Muốn làm được điều ấy, việc hệ trọng trước hết là “phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[1].
Theo đó, từ năm (1921-1930), Người đã dày công chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức dẫn đến từ nửa cuối những năm 1929, đầu năm 1930, trên đất nước ta lần lượt xuất hiện các tổ chức cộng sản, minh chứng sự thắng thế của xu hướng cách mạng vô sản trong phong trào cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên 3 tổ chức lại có dấu hiệu mâu thuẫn, hoạt động riêng lẽ, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Nhận thấy tình hình bất lợi cho cách mạng, vì vậy, đầu năm 1930, Người đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đưa đến sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là bước ngoặt to lớn và vô cùng trọng đại của cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng, cùng với những giá trị sâu sắc của Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã chấm sứt sự khủng hoảng về đường lối, đặt nền móng vững chắc, có tính quyết định đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh giành độc lập tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ra đời với đường lối sáng chói, giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn cách mạng, đáp ứng nguyện vọng nhân dân đã trở thành ngọn cờ tập hợp, sợi dây đoàn kết thống nhất Đảng, các lực lượng cách mạng và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, sự ra đời của Đảng đánh dấu cách mạng Việt Nam hòa mình vào cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, làm nên những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập và tiến bộ của thế giới.
Đảng là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Đảng ra đời được đất nước, dân tộc và nhân dân giao phó đặt lên vai sứ mệnh lịch sử trở thành người lãnh đạo, tổ chức cách mạng Việt Nam hiện thực hóa con đường cách mạng đã lựa chọn. Từ năm 1930 đến năm 1939, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cao trào cách mạng lớn làcao trào 1930-1931 và cao trào 1936-1939, qua đó các nguồn lực cách mạng không ngừng được hình thành, bồi đắp và phát triển ngày càng lớn, khẳng định đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III năm 1960 gắn với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Bước vào năm 1939, khi bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, mở ra cơ hội cho cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng xác định phải chuẩn bị để giải quyết vấn đề dân tộc. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Đảng đã phân tích, dự báo tình hình, cụ thể hóa chủ trương “giải quyết vấn đề dân tộc” thành những biện pháp cụ thể để từng bước tổ chức, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thời cơ chín muồi, các nguồn lực các mạng đã đầy đủ, Đảng phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là thành quả vĩ đại của dân tộc, minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng và sự hi sinh to lớn của lớp lớp đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào ta. Đây là“ lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của cách dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc”[2], Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, một thời khắc lịch sử đặc biệt của Đảng, của dân tộc ta.
Tuy nhiên, ngay khi vừa ra đời, nền độc lập“non trẻ” rơi vào tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” nguy cơ bị rơi vào tay giặc một lần nữa. Trong bối cảnh ấy, Đảng đã đề ra hàng loạt chủ trương, biện pháp và tổ chức lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn để nền độc lập vẫn được giữ vững, các nguồn lực đất nước bước đầu hình thành và củng cố, tạo điều kiện quan trọng để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Đảng ta đã phát động toàn quốc kháng chiến dù trước đó “chúng ta muốn hòa bình và chúng ta đã nhân nhượng”, với quyết tâm “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng với khát vọng độc lập thiêng liêng và niềm tin tất thắng, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân hiện thực hóa đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân ta đã đánh bại cuộc xâm lược của thực dân Pháp với đỉnh cao chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” làm nên “vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” trong lịch sử dân tộc ta, buộc Pháp ký Hiệp định Geneva chấm dứt sự thống trị nước ta.
Ngay sau kháng chiến chống Pháp, dân tộc ta lại bị đế quốc Mỹ, siêu cường số một thế giới xâm lược, đất nước bị chia làm hai miền với hai chế độ khác nhau. Trong điều kiện đó, Đảng sáng suốt quyết định lãnh đạo, tổ chức thực hiện song song hai chiến lược cách mạng, là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đây là vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử cách mạng thế giới. Với tinh thần “miền Nam là máu, là thịt của Việt Nam; nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 21 năm xây dựng và kháng chiến tiếp tục làm nên thắng lợi vĩ đại khi xây dựng và bảo vệ miền Bắc vững mạnh, còn nhân dân miền Nam đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cả dân tộc ca khúc khải hoàn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một thắng lợi “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất…đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”[3].
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo, tổ chức đưa cả nước tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn 1976-1986, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn khi vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ Tổ quốc, đất nước bị bao vây về quân sự, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bước đầu đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thống nhất đất nước về mọi mặt mà còn chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 mở đầu công cuộc đổi mới (Ảnh tư liệu)
Bước vào cuối những năm 80, của thế kỷ XX, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội ngày càng nghiệm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI (1986) quyết định đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và những năm đầu sau đổi mới, Đảng vẫn kiên định, bản lĩnh, sáng tạo trong lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc thù của đất nước ta. Từ bước ngoặt của Đại hội VI, Đảng không ngừng bổ sung và phát triển đường lối đổi mới, từng bước làm sáng tỏ hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các kỳ Đại hội, đăc biệt ở hai Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.
Với đường lối đúng đắn và quá trình tổ chức, lãnh đạo hiện thực hóa toàn diện, đồng bộ và có lộ trình, bước đi phù hợp của Đảng, trải qua gần 35 thực hiện Cương lĩnh 1991 và 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được “những thành tựu lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao”, từ “một nước nghèo…nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua…”; “từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác hàng đầu thế giới”[4], diện mạo đất nước thay đổi từng ngày, cơ đồ, vị thế, uy tín Việt Nam ngày càng cao. Có thể nói, thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, khi Đảng đã tự chiến thắng, vượt qua tư duy bảo thủ, bao cấp, trì trệ để đổi mới, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh đưa dân tộc Việt Nam có được cơ đồ như ngày hôm nay. Nhưng cũng phải nhận thức rằng, những thành tựu lớn lao ấy, không phải ngẫu nhiên có được, mà là “sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nổ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; ….đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam…”[5]. Đó là minh chứng về năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng duy nhất cầm quyền, đã lãnh đạo cả dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, cũng như sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Để Đảng ta tiếp tục là người lãnh đạo, tổ chức đem đến những thắng lợi mới trong sự nghiệp cách mạng hôm nay
Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, bằng sự lãnh đạo đúng đắn, Đảng đã dẫn dắt dân tộc ta giành những thắng lợi to lớn, chưa bao giờ có, minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tính khoa học của đường lối. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thế giới tiếp tục có những biến động lớn, khó dự báo, cạnh tranh nước lớn, xung đột quân sự có xu hướng gia tăng. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn biến phức tạp…Ở trong nước, một số điểm nghẽn trong phát triển như chỉ số sáng tạo, năng suất lao động, chất lượng FDI… từng bước được tháo gỡ nhưng chưa hoàn toàn, một số lĩnh vực sản xuất suy giảm và đời sống bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngăn chặn được. Tình trạng thất thoát lãng phí, sử dụng chưa hiệu quả các nguồn lực đất nước vẫn còn cao. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử, một số vấn đề mới về lý luận lẫn thực tiễn đặt ra nhiều thách thức. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng tấn công đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phủ nhận thành tựu, vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong khi đó “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao”[6]…Tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh mới.
Để bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng tiếp tục là nhân tố hàng đầu quyết định đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi, Đảng cần tiếp tục kiên định các nguyên tắc về tư tưởng chỉ đạo được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII là kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên định những nguyên tắc tổ chức, xây dựng Đảng…Đây là những nguyên tắc có ý nghĩa sống còn, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, cần tiếp tục nhận diện đúng đắn và có các giải pháp khắc phục những nguy cơ, thách thức tác động đa chiều dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, lãnh đạo của Đảng bị suy giảm hiện nay như sự xa rời, phai nhạt nền tảng tư tưởng của Đảng; cơ chế kiểm soát quyền lực; tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm; tình trạng “nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” trong bộ phận thanh niên ảnh hưởng đến việc xây dựng đội hậu bị của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch…Đặc biệt, tiếp tục chú trọng, thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, nhất là thực hiện tốt nguyên tắc phê bình, tự phê bình; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng, phát triển đội hậu bị của Đảng. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong mọi hoạt động của Đảng phải luôn lấy “dân làm gốc” theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” bởi sức mạnh của Đảng là ở nhân dân, nhân dân là gốc, là nước. Bên cạnh, trong mọi hoạt động tổ chức, lãnh đạo, Đảng cần có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt đồng thời không ngừng năng động, sáng tạo, tích cực và chủ động để tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của Đảng.
Một mùa Xuân mới lại về, với sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, dần bước vào “kỷ nguyên vươn mình dân tộc” song cũng đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức lớn. Trong vận thế mới, điều kiện mới, tinh thần mới, khí thế mới, mang trong mình lòng tự hào về “Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng”, chúng ta tiếp tục “vững niềm tin theo Đảng, trọn một đời vì dân” kiên định con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, không ngừng đổi mới, sáng tạo và cống hiến góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.267-268.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sư thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. https://baochinhphu.vn/tu-hao-va-tin-tuong-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-mot-nuoc-viet-nam-ngay-cang-giau-manh-van-minh-van-hien-va-anh-hung-102240131102655106.htm
[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Bài viết đã dẫn.
[6] Tổng bí thư Tô Lâm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-1-tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-680651.html
Văn Giang