Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong chặng đường 92 năm qua, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Đảng đã mang nhiều tên gọi khác nhau
Đảng Cộng sản Việt Nam
Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc với tư cách phái viên của Quốc tế Cộng sản đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng tại Hồng Kông (Trung Quốc). Hội nghị họp từ ngày 6/01đến ngày 7/02/1930 Hội nghị bàn thảo và quyết định hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để thống nhất các tổ chức cộng sản với tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam, đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các bên. Các đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng đề nghị giữ lại cái tên Đông Dương Cộng sản Đảng. Các đại biểu An Nam Cộng sản Đảng không đồng ý, cho rằng đó là cái tên của một nhóm cộng sản cũ, không nên dùng lại. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc” (1).
Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thống nhất 3 tổ chức cộng sản hoàn tất.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, Đảng Cộng sản Đông Dương ra công khai,
lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Đảng Cộng sản Đông Dương
Được sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 12 đến ngày 27/10/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), do đồng chí Trần Phú chủ trì.
Hội nghị cho rằng: ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều là thuộc địa của Pháp. Ba dân tộc khác nhau nhưng cùng chịu chung một ách thống trị của thực dân Pháp, có quan hệ mật thiết với nhau về chính trị, kinh tế, địa lý, do đó cần phải liên lạc chặt chẽ với nhau, đoàn kết và thống nhất hành động để chống Pháp. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngoài việc đổi tên, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trở thành Đảng cầm quyền, Đảng có một giai đoạn rút vào hoạt động bí mật dưới danh xưng Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập phải đối mắt với tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, vừa củng cố lực lượng, khôi phục sản xuất, vừa chống thù trong, giặc ngoài.
Trước sức ép và sự chống phá điên cuồng của các đảng phái, các thế lực thù địch, ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự ý giải tán” và tổ chức ra Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Việc làm này thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật để bảo vệ Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng.
Giải thích rõ hơn về sự kiện quan trọng này, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Lúc này, Đảng ta không thể do dự, Đảng phải quyết đoán mau lẹ, phải sử dụng những biện pháp, dù biện pháp đau đớn để cứu vãn tình thế.
“Hồi đó, một việc đã làm cho nhiều người thắc mắc nhất là việc Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào bí mật.
Và dù là bí mật, Đảng vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân.
Chúng ta nhận rằng việc Đảng tuyên bố giải tán (sự thật là vào bí mật) là đúng”.
Các văn bản trong giai đoạn này thường dùng danh xưng của Đảng là “Hội”, “Đoàn thể”.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đảng Lao động Việt Nam
đổi lại tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Đảng Lao động Việt Nam
Bước vào năm 1951, trước yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Trung ương Đảng quyết định triệu tập và tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Trên cơ sở nhận định: Tình hình xã hội, kinh tế, chính trị của mỗi nước có những thay đổi khác nhau, cách mạng và kháng chiến của mỗi nước cũng có những bước phát triển riêng biệt, đòi hỏi mỗi nước cần phải và có thể thành lập một chính đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc mình và chủ động góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam.
Tại sao chúng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam: “Là cốt để củng cố thêm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố công nông liên minh, gắn bó giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân lao động khác, thống nhất các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng”(2) và lấy tên Đảng Lao động Việt Nam chẳng những lợi cho việc đoàn kết toàn dân đánh bại quân xâm lược, mà còn lợi cho việc thống nhất mặt trận phản đế của ba dân tộc Việt, Miên, Lào chống đế quốc Pháp - Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(3).
Đảng Cộng sản Việt Nam
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta liên tục giành những thành tựu quan trọng, đưa đến thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trước những yêu cầu mới của cách mạng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Đại hội, Đảng Lao động Việt Nam được đổi tên lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam - tên ban đầu của Ðảng tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với những cống hiến lớn lao của Đảng ta trong 92 năm qua, chúng ta thêm tự hào về Đảng ta: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói.
Nhị Nguyễn
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr.68.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.156.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.12, tr.160.