Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm mở đầu cho một thập kỷ mới, năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và tiếp tục thi hành nhiều quyết định, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Trong đó, nhiều văn bản quan trọng của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được ban hành với nhiều điểm mới như Quy định số 22 QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 28/7/2021, Hướng dẫn số 02-HD/TW ban hành ngày 9/12/2021 cùng Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ban hành ngày 25/10/2021. Những văn bản này được xem là cẩm nang, là cơ sở để công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, công minh, chính xác, kịp thời hơn.
Triển khai các quy định, kết luận của Trung ương, trong năm 2021, các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp trong cả nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả với tinh thần quyết liệt “không dừng, không nghỉ”, “không chùng xuống”, qua đó góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo báo cáo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi tháng 11/2021 cho thấy, từ tháng 1/2021-11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đáng chú ý là đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.
Những con số ấy vẫn chưa dừng lại. Tại kỳ họp thứ 9, 10 gần đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục “gọi tên” nhiều tổ chức Đảng, đảng viên mắc sai phạm, trong đó có cả lực lượng biên phòng, cựu lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều quan chức địa phương khác.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ lâu nay luôn được Đảng ta thực hiện một cách thận trọng, nghiêm minh, công tâm và rất khách quan. Các quyết định này càng khẳng định công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là công tác thường xuyên, đúng các quy định của Đảng, quy định của Nhà nước, liên tục, kịp thời theo tinh thần chung là làm quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Không dung thứ, bao che cho bất cứ sai phạm nào
Nhìn lại 1 năm triển khai công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, TS Vũ Trung Kiên - Phó trưởng Khoa xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II cho biết, một trong những điểm đáng chú ý nhất là kỷ luật về Đảng đã đồng bộ với kỷ luật về mặt Nhà nước cũng như kỷ luật của các đoàn thể.
“Chẳng hạn trước đây, nếu theo các quy định của Nhà nước, đảng viên sinh con thứ 3 sẽ không bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Nhà nước, nhưng theo các quy định xử lý kỷ luật của Đảng thì vẫn bị kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, hiện nay theo nghị định số: 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì kỷ luật Đảng đồng bộ với kỷ luật Nhà nước và ngược lại. Với việc Trung ương ban hành Quy định số 22, Hướng dẫn số 02 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng cùng Kết luận số 21 với nhiều điểm mới, chắc chắn việc kỷ luật Đảng tới đây sẽ càng được siết chặt hơn nữa” - TS Vũ Trung Kiên cho biết.
Theo Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trung ương đã ban hành một hệ thống văn bản về kỷ luật Đảng và Nhà nước ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Việc xử lý kỷ luật thời gian qua với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã thật sự siết chặt kỷ cương, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch. Với việc hàng loạt cán bộ cả đương chức, nghỉ hưu, trong đó có nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ.
Song, theo ông, thực tế kỷ luật Đảng thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên và đây cũng là vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Do đó, đã tới lúc không chỉ tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật về mặt Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể mà cần phải đồng bộ trong việc thực hiện kỷ luật Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
“Nếu “trên nóng” mà dưới vẫn “lạnh”, thậm chí “đóng băng” thì cần phải có các hình thức xử lý đối với các tổ chức này và ngay cả cấp trên cũng phải tự soát xét lại việc lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, không có lý do gì lại cứ mãi để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” không chỉ trong kỷ luật Đảng mà còn trên các lĩnh vực khác” – TS Vũ Trung Kiên nói.
Theo dõi các bản tin kỷ luật cán bộ, đảng viên, ông Nguyễn Duy Quý – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, việc kỷ luật cán bộ, đảng viên thời gian qua được dư luận rất hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Theo ông, quan điểm nhất quán của Đảng ta đó là làm tốt thì biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; ai mắc sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó. Đây là nguyên tắc, là việc làm thường xuyên của Đảng và cũng là mong muốn của nhân dân, nhằm không ngừng làm trong sạch Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Đình Khối - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, tâm trạng của ông là đau xót, vừa mừng lại vừa lo sau khi theo dõi các quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên của Trung ương. Mừng là vì sau Đại hội XIII của Đảng, đất nước với biết bao bộn bề, khó khăn, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, song không vì thế mà công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạm thời “chùng xuống”.
Ngược lại, hàng loạt cán bộ, đảng viên mắc sai phạm lần lượt được “gọi tên” trong 1 năm qua là minh chứng khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Vị cán bộ bày tỏ: “Tôi mừng vì tổ chức Đảng của chúng ta vì sự vững mạnh, trong sạch mà quyết tâm cao độ, làm sáng tỏ những vi phạm trong các vụ việc như thế này. Cán bộ, đảng viên nào suy thoái về tư tưởng chính trị, mắc sai phạm thì cần phải được kết luận rõ ràng và kỷ luật nghiêm minh. Song, đảng viên chúng tôi cũng cảm thấy rất đau vì trong số những người bị kỷ luật có cả cán bộ chủ chốt ở các tỉnh, thành phố, cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang, thậm chí khi cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, có cán bộ y tế lợi dụng tình hình chống dịch mà vi phạm quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Sau mỗi quyết định kỷ luật cán bộ, điều mà ông Khối và nhiều đảng viên băn khoăn là điều gì khiến một loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật? Vì bản thân những cán bộ này thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức? Phần lớn vi phạm của cán bộ không phải là nhất thời mà sai trong 1/3 nhiệm kỳ, thậm chí cả một nhiệm kỳ, vậy tổ chức có kịp thời kiểm tra, giám sát từ khi vi phạm mới manh nha hay đến khi vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn mới kịp phát hiện? Phải chăng công tác cán bộ vẫn còn lỗ hổng?
Che giấu cho vi phạm nhỏ sẽ tiếp tay cho sai phạm lớn
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, qua công tác xử lý kỷ luật đảng viên đặt ra nhiệm vụ thời gian tới cho các cơ quan chức năng phải tiếp tục có những giải pháp khả thi, hữu hiệu hơn nữa để công tác cán bộ được chính xác, chặt chẽ hơn; cũng như thực hiện những giải pháp đồng bộ, cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Một bài học quan trọng khác cần rút ra đó là phải bịt được các lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ và kiểm soát quyền lực. Bởi thực tế cho thấy, nơi nào kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nội bộ luôn đoàn kết thống nhất cao, ít xảy ra tiêu cực, khuyết điểm. Nơi nào buông lỏng hoặc không kiểm tra, giám sát thường xuyên thì nơi đó dễ nảy sinh những tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ.
“Nếu cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát che đậy, không đấu tranh thẳng thắn với những sai phạm của đồng chí mình; nếu tổ chức đảng bỏ qua lỗi của đảng viên thì cũng chính là tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực sau này. Anh xuê xoa, bỏ qua, không trong sáng trong việc kiểm tra, giám sát, thậm chí che giấu thì sẽ khiến vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn” – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết.
Ông Phạm Đức Linh - nguyên Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đánh giá, qua các vụ việc kỷ luật cán bộ, đảng viên cho thấy, hầu hết các sai phạm đều thuộc các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, liên quan trực tiếp người đứng đầu và trách nhiệm người đứng đầu với mức độ, tính chất vụ việc từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Nhiều sai phạm trong cùng một vụ việc, một cá nhân liên quan nhiều sai phạm…
Theo ông, kinh nghiêm cho thấy muốn phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì từ Trung ương đến địa phương, các cấp ủy cần thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nắm chắc tình hình đảng viên cũng như chống biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, chống biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi ích nhóm, cục bộ.
“Các cấp ủy cần nắm chắc dư luận từ quần chúng nhân dân đối với đảng viên có chức có quyền. Dựa vào dân để xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ cần chú trọng làm trong sạch đội ngũ từ khi quy hoạch cán bộ, kiên quyết không đưa vào quy hoạch cán bộ giàu lên bất thường hoặc có biểu hiện suy thoái. Quản lý chặt công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ các cấp, đặc biệt đối với cán bộ cấp chiến lược cần rà soát kỹ khi đưa vào quy hoạch” - ông Phạm Đức Linh cho biết./.
Kim Anh/VOV.VN