Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung ương Đảng nhanh chóng đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp cho công cuộc đổi mới, trong đó đặc biệt quan trọng là Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 05/4/1988 về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, ban hành Luật đầu tư nước ngoài để thu hút nguồn vốn nước ngoài phát triển kinh tế, xã hội trong nước cùng hàng loạt các chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực, mở đường cho đất nước ra khỏi khó khăn.
Chỉ sau một thời gian ngắn, đất nước ta đã bước đầu khắc phục được những khó khăn kinh niên. Từ một quốc gia quanh năm thiếu đói, mỗi năm phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn lương thực, đến năm 1989 Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới và dần dần tiến lên bảo đảm an ninh lương thực. Lĩnh vực chống lạm phát cũng đạt được hiệu quả to lớn, đưa tỷ lệ làm phát từ 774,7 % năm 1986 xuống 67,5 % năm 1991, góp phần ổn định kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Trên lĩnh vực ngoại giao, việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đã đem lại một môi trường hòa bình ổn định để nước ta có thể tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã từ 2,79 % năm 1986 lên trung bình 5,4 % trong giai đoạn 1987-1991.
Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo góp phần từng bước đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm 1991-1996 và đưa đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ năm 1996.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011 và tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư trong hai nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 và lần thứ XII năm 2021. Đồng chí giữ chức Tổng Bí thư từ tháng 01/ 2011 đến tháng 7/2024.
Khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư, đất nước đã trải qua trên 25 năm đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên trong Đảng, bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị cũng đã xuất hiện tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lãng phí ngày càng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, một nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đặt ra trong những nhiệm kỳ gần đây là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 16/01/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết hội nghị lần thứ tư Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW Hội nghị lần thứ tư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...
Gắn liền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác chống tham nhũng, lãng phí, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hơn hai nhiệm kỳ từ năm 2011 đến năm 2024 đã đạt được những kết quả vô cùng to lớn hơn bất cứ thời kỳ nào cộng lại. Hàng nghìn cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước về tham nhũng, lãng phí đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và pháp luật Nhà nước, trong đó có hàng trăm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
“Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức Đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật”[1].
Trong 10 năm (2012-2022), cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến tháng 6/2022, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can)[2].
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm được nhân dân hoàn toàn ủng hộ đã góp phần chỉnh đốn Đảng, khôi phục niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những câu nói nổi tiếng của đồng chí đã trở thành danh ngôn trong thời đại mới như: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, “Tiền nhiều để làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, “kỷ luật một người để thức tỉnh muôn người”…,
Trong con mắt của bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người cộng sản có quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí góp phần xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc, đã có hơn 10 tác phẩm nói về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được xuất bản như các tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”, “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”..... Có thể nói di sản lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại khá đồ sộ và toàn diện, góp phần làm cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo.
[2]https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-giai-doan-2012-2022.html
Bình Nguyễn