Cách đây 50 năm, Hiệp định Paris được ký kết. Trong quá trình đàm phán và ký Hiệp định, đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại những dấu ấn quan trọng với danh nghĩa “Cố vấn đặc biệt” của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Qua những cuộc đấu trí, đấu lý trực diện với phái đoàn Mỹ, nhất là với Henry Kissinger (Giáo sư Đại học Harvard, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng - được xem là “bộ óc thông thái” của nước Mỹ) cho thấy sự kiên định lập trường, bản lĩnh vững vàng, tư duy và nghệ thuật đàm phán khôn khéo của đồng chí Lê Đức Thọ.
Luôn giữ vững lập trường nguyên tắc trong đàm phán
Lập trường đó là phía Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn, không điều kiện ném bom và các hành động chiến tranh ở miền Bắc, rút hết quân viến chinh Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đặt điều kiện nào; phải tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Trong quá trình đàm phán có những vấn đề cần phải nhân nhượng, nhưng mỗi khi phía Mỹ đụng đến những vấn đề có tính nguyên tắc này là đồng chí lập tức kiên quyết phản bác, thẳng thừng đập lại.
Trên bàn hội nghị công khai hoặc các cuộc đàm phán riêng, đồng chí luôn bình tĩnh, sáng suốt xem xét từng hàm ý, từng câu chữ của đối phương để không bị sơ hở. Khi phía Mỹ đặt vấn đề “việc rút quân khỏi miền Nam mọi lực lượng không phải Nam Việt Nam”, như vậy là hàm ý về rút quân thì cả quân Mỹ và quân đội miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam vì đều là “lực lượng không phải Nam Việt Nam”, đồng chí Lê Đức Thọ nói thẳng với Kissinger rằng một bên là quân Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, một bên là lực lượng của cả dân tộc Việt Nam chống xâm lược, là chính nghĩa, vì vậy phía Mỹ phải rút quân, không thể đánh đồng về điều kiện đặt ra giữa kẻ xâm lược và người chống xâm lược, đòi hỏi quân đội miền Bắc thuộc lực lượng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam cũng phải rút quân khỏi miền Nam. Do lập trường vững vàng của Lê Đức Thọ trong hội đàm, cuối cùng, phía Mỹ phải chấp nhận những yêu cầu cao nhất của ta.
Đồng chí Lê Đức Thọ và Henry Kissinger sau lễ ký tắt Hiệp định Paris (Ảnh tư liệu TTXVN)
Xây dựng nhiều phương án, luôn chủ động trong đàm phán
Đồng chí Lê Đức Thọ nhắc nhở bộ phận nghiên cứu giải pháp: “Các cậu vẽ ra bao nhiêu phương án cũng được, càng nhiều phương án càng tốt, nhưng phải nhớ lời Bác “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cái bất biến là Mỹ phải rút hết quân, còn quân miền Bắc thì vẫn tiếp tục ở lại miền Nam”[1].
Những phân tích sắc sảo và lập luận sắc bén của đồng chí Lê Đức Thọ khiến Kissinger phải thừa nhận là “đúng và khôn ngoan”, và sự chủ động tiến công của Lê Đức Thọ khiến Kissinger cảm thấy mình như một thí sinh bị thầy giáo hỏi bài xem có trả lời đúng với đáp án của thầy không. Kissinger đã viết rằng: “Lê Đức Thọ tỏ ra đáng gờm trong nghệ thuật tạo nên các thế không lối thoát” cho phía Mỹ, và sau mỗi cuộc thương lượng thành công, “người thương lượng của chúng ta đã kéo chúng ta vào mê cung bất tận, vì mặc dầu chúng ta đã giải quyết Lê Đức Thọ lại sắp xếp để ít nhất vung ra một vấn đề mới vào mỗi cuộc họp”[2].
Nắm vững tình hình trong nước, quốc tế, phối hợp chặt chẽ giữa đánh và đàm
Đồng chí Lê Đức Thọ lưu ý đoàn đàm phán phải luôn theo dõi tình hình chiến trường, xem “mặt trận ngoại giao là tấm gương phản chiếu diễn biến quân sự trên chiến trường, đồng thời lại phối hợp với chiến trường hỗ trợ cho chiến trường”[3], cùng với nghiên cứu tình hình nước Mỹ, chiến lược, kế hoạch chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam để gắn thực tế chiến trường với đàm phán; gắn vấn đề quân sự với vấn đề chính trị; gắn diễn biến tình hình nước Mỹ với tiến công ngoại giao đối phương trên bàn Hội nghị. Phương châm tiến công ngoại giao của đồng chí là giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược, giữ kín ý đồ của ta, vừa thăm dò vừa tìm hiểu ý đồ của Mỹ, xem đối phương mở bài đến đâu ta cũng sẽ mở bài đến đấy, cũng có khi ta chủ động đưa ra trước thăm dò đối phương nhằm đưa đối phương vào hướng của ta.
Tranh thủ dư luận hỗ trợ ta trên bàn đàm phán, biết thắng từng bước
Trước khi đoàn đàm phán lên đường đi Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ của đoàn là phải tranh thủ dư luận, cô lập Mỹ, phục vụ chiến trường[4].
Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris đồng chí rất chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phối hợp cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tranh thủ bè bạn, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là với Đảng Cộng sản, nhân dân và chính giới Pháp, tranh thủ nhân dân Mỹ qua những lần tiếp những đoàn của các tầng lớp nhân dân Mỹ có phong trào phản chiến mạnh mẽ.
Theo đồng chí, “Muốn tranh thủ dư luận tốt, lý lẽ của ta phải thật sắc bén, có sức thuyết phục, nhằm các vấn đề lớn, vạch Mỹ xâm lược, đề cao chính nghĩa và lập trường của ta”[5], và “Ta có chính nghĩa, đó là một mặt của sức mạnh, ta phải làm cho chính nghĩa của ta tỏa sáng khắp thế giới”[6].
Quán triệt phương châm “thắng địch từng bước” của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo trong đàm phán phải đi từng bước: từng bước thăm dò ý đồ của Mỹ, từng bước buộc phía Mỹ phải rút dần các điều kiện đưa ra, từng bước đưa ra các điều kiện của ta từ thấp đến cao để cuối cùng đạt được mục tiêu quyết định.
Trong đàm phán với phía Mỹ, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện sự cương – nhu đúng lúc, kiên nhẫn nghe đối phương nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Với trường hợp đối phương chưa chịu chấp nhận những điều kiện do phía ta đưa ra thì đồng chí chuyển sang vấn đề khác, để rồi sau đó quay lại vấn đề cũ. Một khi phía Mỹ chấp nhận những điều kiện do phía ta đưa ra, đồng chí Lê Đức Thọ cũng tỏ rõ thiện chí của phía Việt Nam trong đàm phán.
Kissinger đã nhận xét rằng Lê Đức Thọ bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. “Một hai lần” mà Kissinger nói đến ở đây chính là những lúc phía Mỹ sử dụng lối “đàm phán đe dọa” hoặc vi phạm quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam đã bị đồng chí Lê Đức Thọ kịch liệt phê phán.
Lê Đức Thọ là “Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn”[7], “Nhà ngoại giao chiến lược tài ba” có tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược và khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược[8]. Dấu ấn về sự kiên định lập trường, tư duy chiến lược, bản lĩnh vững vàng và phương châm, phong cách đàm phán của đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris là những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ ngoại giao về sau.
Văn Minh
[1] Nguyễn Xuân: Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Hiệp định Paris về Việt Nam chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.439-440.
[2] Henry Kissinger: Những năm bão táp (Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng), Hồi ký, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội , 2004, tr.689.
[3] Nguyễn Việt: Anh Sáu Thọ. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2000, tr.473.
[4] Hà Văn Lâu: Từ chiến trường đến bàn đàm phán - Nhớ về anh Sáu. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.381.
[5] Hà Văn Lâu: Từ chiến trường đến bàn đàm phán. Nhớ về anh Sáu. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.381.
[6] Nguyễn Việt: Anh Sáu Thọ. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr.473.
[7] Nguyễn Thị Bình: Lê Đức Thọ - Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr.369.
[8] Nguyễn Dy Niên: Lê Đức Thọ - Nhà ngoại giao chiến lược tài ba. Bài in trong sách: Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Sđd, tr.375-376.