Nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân. Vì nghệ nhân là những người quan trọng, sở hữu những giá trị cốt lõi của nhiều loại hình văn hóa dân gian như Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống. Nghệ nhân của các buôn làng Tây Nguyên chính là những báu vật nhân văn sống, người nắm giữ những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng, nhằm gìn giữ, trao truyền những giá trị đó cho cộng đồng.
Nghệ nhân A Biu (64 tuổi) ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum được ví như “bảo tàng sống” về văn hóa của người Ba Na. Ảnh: baokontum
Đối với di sản văn hoá phi vật thể, nghệ nhân đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn sống thì những di sản văn hoá truyền thống sẽ không bị biến mất; chỉ cần những người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn còn tràn đầy sức sống thì di sản văn hoá phi vật thể sẽ không ngừng được sáng tạo trong quá trình trao truyền và kế thừa; chỉ cần người kế thừa di sản văn hoá phi vật thể vẫn thu nhận học trò để truyền nghề, thì di sản văn hoá phi vật thể có người kế thừa, kéo dài mãi mãi.
Nghệ nhân – người giữ gìn giá trị di sản văn hóa truyền thống
Chiều sâu văn hóa của mỗi dân tộc đôi khi được khám phá qua một con người cụ thể. Chỉ cần nhìn vào trải nghiệm của họ có thể thấy giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật; nhìn vào tầm ảnh hưởng của họ để thấy sức sống di sản. Văn hóa phi vật thể Tây Nguyên được lưu giữ chủ yếu bằng trí nhớ, được trao truyền bằng phương cách truyền miệng, truyền nghề. Do đó, vai trò của các nghệ nhân rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự còn-mất của văn hóa tộc người.
Trong xã hội Tây Nguyên, nghệ thuật trao truyền bằng truyền miệng, từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác thông qua những người thực hành diễn xướng, kết hợp với tư chất riêng/ bẩm sinh/ năng khiếu của người lĩnh hội. Do đó, những giá trị văn hóa truyền thống còn bảo lưu trong đời sống cộng đồng hôm nay là cả một quá trình gìn giữ lâu dài và bền bỉ; mà để có được điều này chính là nhờ các nghệ nhân, những người không chỉ bảo tồn mà còn thực hành theo đúng cách mà các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống tồn tại qua hàng thế kỉ.
Nghệ nhân – người trao truyền giá trị di sản văn hóa
Nghệ nhân khác nghệ sĩ, họ không được học ở trường lớp nào mà phần nhiều là được truyền dạy, tự học mà có vốn nghề. Họ là những truyền nhân của lớp người đi trước, có thời gian dài gắn bó với các loại hình nghệ thuật hay nắm giữ tri thức truyền thống.Điều quan trọng là các nghệ nhân đều ý thức một cách sâu sắc rằng những giá trị văn hóa đích thực này phải được truyền lại cho các thế hệ sau này để chúng mãi được tồn tại, để công sức gìn giữ của bao thế hệ không bị uổng phí (1). Việc trao truyền tri thức đến lớp trẻ như sự nối dài những đam mê, những sáng tạo, những hi vọng văn hóa tộc người sẽ luôn bền bỉ sống trong cộng đồng.
Nghệ nhân – tấm gương về việc rèn luyện và thực hành di sản văn hóa
Mỗi nghệ nhân còn là một tấm gương của sự tự học, bền bỉ, đam mê, nhiệt huyết để nghệ nhân trưởng thành, có được thành tựu và khẳng định tầm vóc của mình đối với cộng đồng (2). Bằng tài năng, tâm huyết và trình độ nghề nghiệp của mình, nghệ nhân đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng; lưu giữ, trao truyền và góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân – người nhận được sự “biệt đãi” từ thần linh
Nghệ nhân Tây Nguyên có một khả năng đặc biệt, tài năng thiên phú mà theo cách nói của họ thì đó là “Yang” chọn, cộng đồng trao và mình có trách nhiệm phục vụ dân làng, truyền dạy cho thế hệ kế tiếp. Chỉ đơn giản như bộ cồng chiêng, để đánh được theo những thang âm đặc trưng của từng tộc người đòi hỏi người chỉnh chiêng có khả năng cảm âm bẩm sinh, “thiên phú” và kỹ thuật đặc biệt điều khiển nhạc cụ. Nhiều người nghe chiêng, biết chiêng chuẩn âm, đúng tông, hay lạc nốt, chệch bậc...; nhưng chỉ rất ít người có thể “chữa” được những sai lạc, khiếm khuyết này. Người chỉnh chiêng hay còn gọi là người “lên dây” cho cồng chiêng thực sự là bậc thầy nắm giữ hồn cốt và dẫn dắt âm thanh của nhạc cụ độc đáo.
Hay như nghệ thuật tạc tượng gỗ, các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Sự cộng hưởng giữa sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa từng tộc người đã tạo nên những bức tượng độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của người nghệ nhân. Hoặc nghệ nhân sử thi, không phải ai cũng có thể hát kể sử thi. Để diễn xướng được những sáng tác dài hơi như sử thi, không những người ta phải trải qua một quá trình học hỏi và rèn luyện nhất định, mà còn cần có những tố chất nữa. Họ có trí nhớ kỳ lạ, có thể nhớ tới 9 - 10 tác phẩm và còn hơn thế nữa. Mỗi tác phẩm sử thi là một câu chuyện dài, có thể ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nhớ được nhưng đồng thời phải có kỹ thuật kể, khi cao giọng, khi lắng trầm, khi diễn giọng nữ, khi diễn giọng nam, khi giọng quỷ, khi giọng thần tiên, khi lắng trầm, khi lại ngâm ngợi… Dường như mọi cảm xúc của họ đều dồn hết vào từng nhân vật, như đắm chìm vào thế giới riêng và mỗi lần kể là mỗi lần thăng hoa (3). Theo Ông Trương Bi, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, khi nhận xét về một trong những nghệ nhân tiêu biểu của Tây Nguyên - Điểu Klung, ông nói: “Nhiều năm làm công tác văn hóa dân gian, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân nhưng tôi chưa thấy ai có khả năng nhớ tuyệt vời như ông Điểu Klung. Với khả năng hát kể gần 120 Ót N’drông, Điểu Klung là một trong những người nhớ sử thi nhiều nhất Tây nguyên, nếu không nói là quán quân.”
Các di sản văn hóa phi vật thể cùng nghệ nhân lưu giữ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bởi thông qua thực hành di sản, tinh thần đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng sâu sắc hơn; tinh thần sáng tạo của người dân phát huy tốt hơn; trao gửi tâm huyết trách nhiệm của nghệ nhân cho lớp trẻ… Xét đến cùng, văn hóa dân gian là một kho tàng di sản văn hóa độc đáo và vô tận. Các nhà quản lý cần thấu hiểu hơn nữa vốn sống, tài năng và công lao của các nghệ nhân. Bởi như quan niệm của đồng bào, không phải ai cùng trở thành nghệ nhân được, mà “Yang phải cho mới có”. Chỉ có như vậy di sản văn hóa mới được phục sinh trong chính đời sống của cộng đồng; các nghệ nhân mới có ý thức và trách nhiệm truyền nghề, các thế hệ trẻ mới có dịp được thực hành, tiếp nối, di sản mới có thể tồn tại, bảo lưu, phát huy một cách bền vững.
Chú thích
1. Nghệ nhân Alip (làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) không chỉ biết đánh nhiều loại cồng chiêng Jrai, Ba Na mà còn mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; thành lập 2 đội đánh cồng chiêng để giao lưu trong làng, trong xã. Nghệ nhân Đinh Rung (làng Châu, xã Chư Krey, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) không chỉ hát kể sử thi mà còn dạy con em người Ba Na trong vùng biết hát sử thi. Nghệ nhân Y Mip Ayun (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Ông còn được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn làng xa khác ở thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, huyện Lak, Krông Ana,...
2. Nghệ nhân Y Wil Ênuôl (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) học cách chỉnh chiêng là do tự học hỏi, tự mày mò chứ chẳng qua trường lớp đào tạo nào để từ đó có kỹ thuật chỉnh đầy kinh nghiệm: “Muốn chỉnh cho âm thanh của chiêng cao lên thì dùng dùi gỗ thục vào mặt trong của chiêng theo một vòng tròn cho âm cao dần lên; tuy vậy không nên dùng cách chỉnh này nhiều vì sẽ làm cho mặt chiêng bị vồng lên, sau này sẽ rất khó khi muốn chỉnh cho tiếng chiêng thấp xuống. Còn muốn chỉnh cho âm thấp xuống thì dùng dùi gỗ thục vào mặt ngoài của chiêng. Nếu mặt chiêng đã hơi bị vồng thì dùng búa nhỏ gõ nhẹ, đều ở vị trí mặt chiêng sát với thành chiêng...”
3. Nghệ nhân Rơ Châm Tih (làng Jút, xã Iadêr, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai) là một ví dụ; không chỉ có tài chơi đàn, làm đàn mà còn bảo tồn được một số loại đàn đang có xu hướng mai một như: t'rưng, bru (sáo dọc), knik, tingning (đàn goong - cách gọi của người Ba Na), đinh pơng. Đặc biệt, Rơ Châm Tih còn biết phát huy tác dụng của các loại đàn mà theo anh là những “linh vật” giao hòa tâm linh giữa con người với “thần linh”, giữa tâm hồn con người với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá trong gia đình như đàn klok, brô amom, brô mong, hep brung, đing dek...Nghệ nhân Điểu Klung (buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk)người có khả năng hát kể sử thi đã ghi âm, dịch trên 120 bộ sử thi M’nông. Hay như nghệ nhân Đinh Keo (làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai) có thể đánh được hàng chục bài chiêng cổ và chỉnh chiêng. Nghệ nhân Nay Phai (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Gia Lai) với đôi tai thẩm âm tinh tế và đôi bàn tay tài hoa, đã đem lại sức sống, tiếng vang cho hàng ngàn bộ chiêng ở các buôn làng Gia Lai. Nghệ nhân Y Blih Adrơng (buôn M’lớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) đã gần 80 tuổi, dù chưa học nhạc qua một trường lớp nào, nhưng ông thành thục việc chế tác nhiều nhạc cụ truyền thống người Ê Đê…
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Thị Phương Hậu (2021), "Tôn vinh nghệ nhân trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, từ quan điểm của Unesco đến chính sách của Việt Nam", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 479.
2. Bùi Hoài Sơn (2019), "Chính sách bảo vệ Báu vật nhân văn sống tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam", Tạp chí Di sản văn hóa, số 1.
Trường Sơn