Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nguồn sức mạnh to lớn, tiền đề quan trọng để dân tộc ta tiến lên giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi này, nước ta trở thành một trong những nước đi tiên phong ở Đông Nam Á trong việc xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện ước mơ, khát vọng của bao thế hệ người Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự phát huy cao độ ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam, là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo, tài tình để đề ra những quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược cũng như những sách lược cụ thể; thắng lợi này một mặt, đã bổ sung lý luận Mác - Lênin về khả năng cách mạng thuộc địa nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, mặt khác, đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Nhà Sử học Na Uy, Stein Tonneson đã đánh giá về tầm ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám đối với lịch sử thế giới: “không chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam... Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”[1].
Đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân, ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền ở Hà Nội. Ảnh Tư liệu.
Thế nhưng, đi ngược lại với tính chất vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, các thế lực thù địch, các phần tử chống đối lại đưa ra lập luận rằng: cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 thắng lợi là do 01 triệu quân Quan Đông của Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tan tác, đặc biệt là khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima (06/9/1945) và Nagasaki (09/8/145) buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, đã làm cho Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may” với mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng và cũng là phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
Phản bác luận điệu đó, chúng ta không hề phủ nhận bối cảnh chung của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc và sự suy sụp của phát xít Nhật nói chung với tình trạng tê liệt, rối loạn “như rắn mất đầu” của bọn hiến binh Nhật ở Đông Dương đã tạo thời cơ chín mùi cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam. Tình hình này cũng tạo thuận lợi chung cho các nước trong khu vực nhằm thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Song, yếu tố quyết định tạo nên sự chín mùi của thời cơ đó là kết quả của quá trình vận động cách mạng lâu dài suốt 15 năm đấu tranh gian khổ, kiên cường của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là quá trình tích cực xây dựng lực lượng cách mạng: khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được mở rộng và phát huy cao độ tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc, có khả năng áp đảo thực lực quân sự của kẻ thù; đó là quá trình chủ động và tích cực xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, mở rộng các khu căn cứ địa, các vùng giải phóng, tạo bàn đạp và hỗ trợ tích cực, hiệu quả khi tiến hành khởi nghĩa từng phần, một hình thức đặc thù của Việt Nam được Đảng sáng suốt xác định từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) với những phương pháp đấu tranh phù hợp.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và đang tiến mạnh về Béc-lin. Ngày 09/5/1945, phát xít Đức tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu.
Ở trong nước, trải qua quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao, lực lượng quần chúng ngày càng được mở rộng, nhất là sau cao trào vận động dân chủ 1936-1939 và đặc biệt là từ sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập. Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh phù hợp với tình hình mới.
Cùng với đó, lực lượng vũ trang cách mạng cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân. Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về cả nội dung và hình thức. Trong bối cảnh nạn đói đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng, chủ trương “phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói” của Việt Minh đã tạo được một sức mạnh hiệu triệu lớn lao đối với lực lượng quần chúng đông đảo, là một bước chạy đà có ý nghĩa quan trọng tạo thành sức mạnh vĩ đại của cả một dân tộc đang bị áp bức nô lệ vùng lên, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Cùng với quá trình chuẩn bị các điều kiện cho công cuộc giải phóng, một nguyên nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng dẫn đến tháng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là nghệ thuật chớp thời cơ “ngàn năm có một” để tiến hành tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành thắng lợi hoàn toàn. Thời cơ đó xuất hiện ngay khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, làm cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, tê liệt trước sức mạnh của các lực lượng quần chúng đông đảo. Tuy nhiên, thời cơ này có thể nhanh chóng qua đi nếu ta không kịp thời thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước để chủ động ra đón quân Đồng minh với tư cách “chủ nhà” của một quốc gia độc lập.
Chính vì vậy, Cách mạng Tháng Tám đã thành công chỉ sau nửa tháng đấu tranh, chính quyền Cách mạng đã được lập ra trong cả nước. Với thắng lợi vĩ đại ấy, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể đồng bào Việt Nam và thế giới về sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thành quả của 15 năm đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của Dân tộc Việt Nam, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng đã chứng minh mối quan hệ tất yếu giữa sức mạnh bên trong và bên ngoài, giữa yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó, sức mạnh bên ngoài và tác động bởi yếu tố khách quan là cực kỳ quan trọng, thế nhưng, điều quyết định lại là sức mạnh bên trong, nội sinh đã được dấy lên, thức tỉnh và phát huy mạnh mẽ nhất bởi tác động chủ quan từ vai trò của chủ thể lãnh đạo. Do vậy, nhấn mạnh ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[2]; điều này cũng đã được Giáo sư sử học người Mỹ chuyên ngành lịch sử Đông Nam Á - William. J.Duiker khẳng định: chỉ riêng điều kiện khách quan thì không làm nên cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người cộng sản, họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có giá trị lịch sử và thời đại vô cùng to lớn. 76 năm đã trôi qua, thắng lợi ấy vẫn tiếp tục toả sáng, luôn là niềm tự hào và sức mạnh lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, cũng như trong bước đường phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
[1]Stein Tonneson, The Vieetnamese Revolution of 1945, Rooseveli, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at wat, Sage Publiccations, 1991, London, NewBury Park, New Delhi, P.425 - 426.
[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, tập 7, tr 25.
Phan Vân