Trong hoàn cảnh bị giam cầm, đày ải trong các nhà tù, trại giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, những tù nhân cộng sản và yêu nước luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng nhiều hiình thức đã tổ chức để tang Bác khi nghe tin Người ra đi về với thế giới người hiền
Để tang Bác tại Trại tù binh Pleiku
Tháng 9/1969, nghe tin Bác mất, sau khi thẩm tra lại tin tức từ các tù nhân đi làm tạp dịch bên ngoài, Đảng ủy trại tù chỉ đạo về công tác tư tưởng và thực hiện kế hoạch hành động "Ngày để tang cho Người".
Ngày 9/9/1969, toàn trại giam không ra khỏi phòng giam, không đi làm tạp dịch. Trong phòng.giam, tất cả đều yên lặng, không đánh cờ, huýt sáo.. Các chi bộ tổ chức nói chuyện về Bác Hồ, học tập gương Bác. Đảng ủy chủ trương nếu cai ngục vào thì nói rõ tư tưởng và tình cảm của tù binh với lãnh tụ vĩ đại của mình.
Lực lượng quân cảnh và các phần tử chiêu hồi xông vào đánh những ai chống đối. Tất cả đứng dậy xông tới cứu đồng đội và hô vang đả đảo. Các phòng khác hưởng ứng hô to "Đả đảo đàn áp tù binh”.
Thấy khí thế phản kháng dữ dội của tù binh, trật tự và quân cảnh lấn nhau chạy ra phía cổng trại giam. Giám thị cũng chạy theo ra ngoài, bên ngoài, cả đại đội quân cảnh áp sát rào chĩa súng vào trại, các vọng gác cũng quay súng đại liên về phía tù binh. Xe bọc thép gầm rú quanh rào thị uy, hàng nghìn tù binh kéo nhau ra khỏi phòng. Cuối cùng, Đại úy Cao, chỉ huy trại giam phải công nhận: "Tù binh cộng sản để tang cho Bác Hồ là chính đáng", cuộc đấu tranh giành thắng lợi[1].
Bia tưởng niệm tại địa điểm Trại giam tù binh Pleiku
Đấu tranh để tang Bác Hồ tại Nhà lao Xóm Mới[2]
Sau khi nhận được tin Bác Hồ mất, Đảng bộ nhanh chóng thông báo cho các chi bộ, tổ đảng và từng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên biết và phát động các chi bộ đảng trong nhà lao tìm mọi cách và bố trí thời điểm thích hợp để tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ.
Kế hoạch chung là tổ chức trước khi địch mở cửa buổi sáng 1 giờ. Hình thức tổ chức là đứng xếp hàng, mặc niệm và hát quốc ca, sau đó là dùng khăn mặt bịt lên đầu. Trong trường hợp địch phát hiện, bắt bớ, thì tìm mọi cách phải đấu tranh cho kì được, không khai báo.
Việc mua hương để thắp thì thông qua đường dây liên lạc và ban bếp tù theo nội dung, kế hoạch đã định, các phòng đều chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm một cách chu đáo.
Đúng 5h sáng, ngày 6/9/1969, lễ Truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng nam tù nhân và nữ tù nhân. Việc tổ chức lễ truy điệu sẽ là không khó nếu được ở ngoài nhà lao, dù cho bão đạn, mưa bom, nhưng giữa 4 bức tường trong chốn địa ngục thì thật khó, cực kì nguy hiểm đến tính mạng của người tù. Song với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn, những người tù đã vượt qua hiểm nguy để tham dự buổi lễ truy điệu Bác. Tù nhân yêu nước với khăn tang, đứng xếp hàng, hát quốc ca và giành 3 phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu.
Tuy buổi lễ truy điệu Bác được tổ chức bí mật, chớp nhoáng, song đến 6h cùng ngày, địch vẫn phát hiện, chúng cho bắt toàn bộ số tù nhân bịt khăn trên đầu lên đi tra tấn nhằm tìm ra “kẻ chủ mưu”.
Trước hành động của địch, lập tức anh em tù nhân yêu nước đã đấu tranh với lý lẽ sắc bén, làm cho giám thị phải đuối lý, song chúng tiếp tục giở trò đem số người đấu tranh phơi nắng dưới cột cờ 3 ngày liền rồi mới cho về các phòng giam.
Sau lễ truy điệu, trong niềm xúc động khôn nguôi, đồng chí Huỳnh Kim Vạn đã nén lòng sáng tác bản điếu văn truy điệu Bác trong đó có đoạn:
“Tin sét đánh ngang tai đau đớn quá,
Tin Bác về xúc động cả tim tôi,
Bác Hồ ơi! Hỡi Bác Hồ!
Công đức Bác như trời cao biển rộng
Bác mất đi trời đất đều chuyển động
Non sông nhà bao phủ một màu tang…
Nào ngờ!
Miền Nam Bác chưa về
Bác lại về nơi thiêng liêng cực lạc
Lòng chúng con vô cùng đau đớn tiếc thương…”
Biến đau thương thành hành động cách mạng, tù nhân yêu nước ở nhà lao Xóm Mới đã liên tục đấu tranh.
- Để tang Bác Hồ ở quân lao Nha Trang[3]
Nhận được tin Bác Hồ mất từ các tù chính trị ở phòng giam nam qua các cuộc gặp gỡ tại hồ nước công cộng, tin Bác qua đời đã trở thành nỗi đau của hầu hết anh chị em. Khuôn mặt ai nấy đều lộ rõ nồi buồn đau, thương tiếc. Làm thế nào để tiến hành việc để tang Bác? Mặc dù bọn địch thường xuyên theo dõi, nhưng tổ chức trong nhà lao gồm các chị em cốt cán như chị Cử, Luận, Tưởng, Độ, Mùi và Bùi Thị Vân, trao đổi và cuối cùng đi đến quyết định: Thời gian để tang ở phòng giam nữ sẽ kéo dài 21 ngày. Chọn 15 chị có tinh thần đấu tranh cao và có sức khỏe, để tang theo hình thức mà tổ chức đã đề ra bằng cách thêu hai dòng chỉ màu đen và màu đỏ trên ngực áo, màu đen chỉ sự tang thương đau đớn trước sự ra đi của Bác. Màu đỏ nói lên tinh thần đấu tranh chống lại kẻ thù.
Khi tiến hành các hình thức để tang trên được hai ngày thì ở phòng giam nam việc để tang bị lộ vả đã có hai anh bị bắt giam, cách ly vào xà lim tối.
Sau đó, Thiếu úy quân lao xuống phòng gọi chị Bùi Thị Vân ra. Vừa đi, vừa chắp tay sau lưng, hắn hỏi:
Ông Hồ Chí Minh chết rồi, các bà có biết tin này không?
Ai báo tin cho các bà biết ông Hồ Chí Minh mất, mà các bà để tang?
Thiếu tá báo tin đó! - Chị Vân bình tĩnh đáp rồi thuật lại chuyện viên Thiếu tá quân lao đã gặp trước đó.
Viên thiếu úy bỏ đi, và chiều hôm ấy gặp tôi, hắn dịu giọng hẳn: Thôi, các bà để tang như vậy là được rồi. Mai không được tiếp tục nữa!
Chúng tôi đã hứa với vong linh Bác Hồ là đế tang 21 ngày, tới hôm nay mới được ba ngày làm sao có thể xả tang được?
Thấy tôi vẫn cứng giọng, tên thiếu úy tức giận:
Nếu các bà không xả thì chúng tôi xả!
Nói xong hắn bỏ đi, và ngay chiều hôm ấy, bọn địch đã cầm kéo chia nhau đi, thấy ai có dấu hiệu đế tang thì chúng liền xúm vào cắt áo. Vài cuộc xô xát đã nổ ra và bọn địch đã bắt giam vào chuồng cọp ba chị là chị Mùi, chị Tưởng và chị Luận”.
Cựu tù Lê Tấn Nhật giới thiệu những đồng đội của ông từng bị giam cầm trong nhà lao Non Nước.Quyết không để rơi băng tang Bác Hồ tại trại giam tù binh Non Nước
Sáng 4/9/1969, trong lúc ra khỏi trại đi lao động tập trung, đồng chí Lê Tấn Nhật[4] được một bạn tù vứt cho mảnh giấy có ghi vội mấy chữ “Bác Hồ mất rồi”. Không tin vào mắt mình, cả ngày hôm đó, ông để ý nghe tụi cai tù trò chuyện để nắm thêm tin tức. Đến khi xác thực nguồn tin, ngay trong buổi tối, ông tìm cách liên lạc với anh em ở 6 trại tù cộng sản thông báo tin buồn rồi cùng các đồng chí lớn tuổi, đảng viên, sĩ quan ở các trại bàn bạc, thống nhất làm lễ để tang Bác Hồ.
Chi bộ quyết định thành lập 3 ban, gồm: Ban nghi lễ, Ban điếu văn và Ban tiểu sử. Ban nghi lễ sáng kiến lấy hoa dừa cạn mọc quanh trại kết thành đài hoa và ngôi sao 5 cánh, mọi người còn kiếm được cả một bát nhang trầm và chiếc áo đen xé chiếc áo thành từng mảnh nhỏ, mọi người chia nhau ghim lên ngực áo. Đúng 12 giờ trưa ngày 5/9/1969, 6 trại tù cộng sản đồng loạt làm lễ để tang Bác Hồ trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Khi anh em đang hát Quốc ca thì địch huy động 3 tiểu đoàn quân cảnh, súng ống sẵn sàng bao vây dày đặc phía ngoài hàng rào dây thép gai. Thấy tình hình bất ổn, đồng chí Nhật và đồng chí Nha được cử đại diện anh em tù ra gặp tên chỉ huy trưởng nhà lao Nguyễn Văn Siền để thương lượng. Anh em cam đoan chỉ tổ chức tang lễ trong yên lặng, bảo đảm trật tự chứ không gây bạo loạn. Thế nhưng tên Siền không đồng ý, bắt phải dẹp ngay. Anh em bỏ vào trong trại với thái độ bất cần, sẵn sàng chấp nhận mọi hành động đàn áp của chúng…
Khoảng 4 giờ chiều, Thượng sĩ nhất Đỗ Văn Tưởng đặc trách trại tù binh đứng ngoài cổng gọi 12 đồng chí lên phòng gặp chỉ huy trưởng nhà lao. Vừa tới nơi, bọn quân cảnh xông lại khóa tay, bịt mắt và đánh chúng tôi tới tấp vào chỗ đeo băng tang. Chúng muốn đánh cho rơi mảnh băng xuống nên mọi đòn hiểm đều dồn vào ngực trái. Đau đớn, tức ngực, khó thở nhưng không đồng chí nào kêu rên, chỉ nghe những tiếng đấm, đạp, tiếng quật dùi cui và tiếng đồng đội tôi ngã uỵch. Khi anh em kiệt sức, tên Siền cho mở băng bịt mắt, tháo còng tay và bảo: Tụi bay về nói với anh em bỏ hết băng tang đi, nếu không sẽ có bàn tay thép đấy! Tất cả chúng tôi phớt lờ, mấy đồng chí bị rơi băng tang cúi xuống nhặt và thản nhiên đeo lại ngay trước mặt tụi quân cảnh.
Bản lĩnh, khí phách và tình cảm của những chiến sĩ cách mạng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc không gì lay chuyển nổi. Suốt mấy ngày, dù phải chịu bao trận đòn roi, tra tấn tàn bạo của cai ngục nhưng miếng băng tang vẫn đính chặt trên ngực áo của những người tù cộng sản. Ông Nhật bị chúng tra tấn thêm 3 lần với tổng cộng 95 vết roi khiến toàn thân ông da thịt bầm dập, rách nát. Dù vậy, ông vẫn giữ chặt miếng băng tang không để rơi xuống đất.
Ngày thứ 4, bọn quân cảnh tiếp tục tra tấn và nhốt biệt giam 20 đồng chí. Hai ngày sau, không thấy chúng trả anh em về trại, các đảng viên trong tù phát động tuyệt thực đấu tranh. Sau khi thống nhất chủ trương, gần 600 chiến sĩ tù cộng sản kéo ra sân ngồi suốt ngày đêm hô vang khẩu hiệu đòi trả người bị bắt. Làn sóng đấu tranh lan tới khu dân cư. Cơ sở nằm vùng của ta vận động nhân dân đấu tranh kiến nghị buộc tỉnh trưởng Đà Nẵng phải can thiệp. Tên Siền đành ấm ức thả 20 đồng chí, nhưng hạ lệnh cho tụi lính khủng bố trắng, đưa hết tù binh ra sân, dùng roi điện, báng súng đánh đến khi chúng thấy mệt mới thôi.
Đấu tranh và lãnh đạo đấu tranh bảo vệ thanh danh và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt so với đấu tranh bảo vệ khí tiết, bảo vệ lý tưởng Cộng sản, bảo vệ Đảng trong các trại giam của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc đấu tranh để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần củng cố niềm tin, khẳng định lý tưởng, động viên các chiến sĩ cách mạng giữ gìn phẩm chất, lý tưởng cách mạng dù trong hoàn cảnh tù đày vô cùng khắc nghiệt. Cuộc đấu tranh giúp các chiến sĩ cách mạng xây dựng tinh thần đoàn kết, động viên nhau bền gan, vững chí, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí kiên cường chống xâm lược, tinh thần đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù, giữ vững khí tiết cách mạng trong mọi hoàn cảnh, cho đến ngày chiến thắng trở về.
Kim Dung
[1] Hồi ức của tù binh Nguyễn Văn Thuận.
[2] Tỉnh ủy Quảng Nam: Lịch sử đấu tranh cách mạng ở nhà lao Hội An 1947-1975, xuất bản năm 2004.
[3] Hồi ký của Bùi Thị Vân: Để tang Bác Hồ tại quân lao Nha Trang, in trong tập sách Những bài ca viết sau song sắt, Khánh Hòa, 2001, tr. 192-195/
[4] Để tang Bác Hồ trong nhà lao Non Nước, Cựu chiến binh Lê Tấn Nhật, trả lời phóng vấn của Báo Quân đội nhân dân, ngày 31/08/2013/