Tính đảng của triết học đòi hỏi những người mácxít phải công khai và kiên định những quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, biết phát hiện ra những khuynh hướng xa rời chủ nghĩa duy vật, phải bảo vệ chủ nghĩa duy vật trước sự tấn công của những quan điểm thù địch, phê phán có cơ sở khoa học mọi quan điểm duy tâm chủ nghĩa trong triết học, phải đấu tranh chống lại những kẻ thù tư tưởng dưới mọi hình thức, phê phán các loại lý luận xét lại và phản động, phải thể hiện tính chiến đấu trong cuộc đấu tranh với hệ tư tưởng thù địch và các loại tư tưởng phản động khác dưới nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, tính đảng của triết học còn đòi hỏi những người mácxít phải đấu tranh trên thực tiễn, thông qua việc đấu tranh chống các tư tưởng của các đảng phái chính trị thông qua thực tiễn cách mạng.
Khi nói về tính đảng của triết học, V.I.Lênin viết: "Triết học hiện đại cũng có tính đảng như triết học hai nghìn năm về trước”[1]. Đó là quan điểm thể hiện một lập trường nhất quán về thế giới quan triết học. Đồng thời, ông cho rằng: “Những đảng phái đang đấu tranh với nhau, về thực chất, - mặc dù thực chất đó bị che dấu bằng những nhãn hiệu mới của thủ đoạn lang băm hoặc tính phi đảng ngu xuẩn - là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm"[2].
C.Mác nhận định: "Nói chung, đây không còn là một triết học nữa, mà là một thế giới quan, nó không cần phải được chứng thực và biểu hiện thành một khoa học đặc biệt nào đó của các khoa học, mà được chứng thực và biểu hiện trong các khoa học hiện thực"[3]. Rằng, “Các nhà triết học đã giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”[4].
Vai trò của triết học duy vật biện chứng chính là ở tính định hướng nhận thức để đạt đến các mục tiêu phù hợp với sự phát triển khách quan của lịch sử. Triết học phải góp phần làm cho cuộc đấu tranh giai cấp không còn mang tính chất biệt phái, ngẫu nhiên nữa mà là hành động có tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp đông đảo người lao động trong xã hội.
C.Mác viết: "Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình"[5]. Điều đó có nghĩa là có sự liên hệ chặt chẽ giữa đường lối chính trị với lôgíc tư tưởng triết học trong chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin đã nhận xét, đường lối chính trị của chủ nghĩa Mác (…) gắn chặt với cơ sở triết học của nó. Vì vậy, bảo vệ triết học Mác cũng có nghĩa là bảo vệ học thuyết chính trị của các ông.
Do đó, khi đấu tranh với bất kỳ một khuynh hướng triết học nào cũng phải thấy rõ các lợi ích chính trị xuyên qua các học thuyết triết học đó, phải vạch rõ bản chất của tất cả những quan điểm chính trị phản động ẩn giấu bên trong các học thuyết triết học, kể cả chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Theo V.I.Lênin: “cuộc đấu tranh đảng phái trong triết học, một cuộc đấu tranh, xét đến cùng, biểu hiện những khuynh hướng và hệ tư tưởng của các giai cấp đối địch trong xã hội hiện đại”[6].Thực tế cho thấy, những tư tưởng chính trị của các đảng phái, các nhà nước trong lịch sử đều đứng trên thế giới quan triết học nhất định. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại mà V.I.Lênin tiến hành đã cho thấy rõ cơ sở triết học của các thứ chủ nghĩa ấy. Đó đều là những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa duy tâm.
Khi phong trào cách mạng thắng lợi, những nhà chính trị, triết học đối lập thể hiện rõ sự chống phá quyết liệt, điên cuồng với thế giới quan duy vật biện chứng, với thế giới quan duy vật khoa học và cách mạng; phủ nhận quan niệm biện chứng về quá trình lịch sử - tự nhiên của sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội; chống lại tư tưởng về tính tất yếu cách mạng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tất cả những luận điệu đó đều nhằm mục đích dùng những lập luận triết học hòng xóa bỏ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản, mưu toan đẩy đường lối chính trị của Đảng Cộng sản chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, “những kẻ dốt nát về mặt lý luận, nhưng lại giàu có về các thủ đoạn” vẫn tiếp tục tăng cường các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xét lại ngày càng có nhiều biến tướng mới. Do vậy, để củng cố nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản thì điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải đứng trên thế giới quan duy vật biện chứng, phải kiên định tính đảng của triết học, làm căn cứ vạch rõ căn nguyên lôgic của các lập luận, quan điểm chính trị phản khoa học, phản động.
Để làm được điều này, đòi hỏi những nhà lý luận của Đảng không chỉ giỏi về lý luận mà còn phải có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; không được dao động, mất lập trường, yếu đuối, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Ngoài ra, các nhà lý luận, đảng viên đảng cộng sản phải có khả năng nhận thức đúng những thay đổi của thời đại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Nếu không có khả năng nhận thức đúng sự thay đổi của thời đại sẽ dẫn đến những nhận xét, đánh giá sai lầm, dễ rơi vào cơ hội, xét lại, gây ra tổn thất to lớn cho cách mạng.
V.I.Lênin đã từng nói: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”[7]mà thôi!
[1]V.I.Lênin, Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.445.
[2]V.I.Lênin, Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.445.
[4]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.12.
[5]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tr.589
[6]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2005, tập 18, tr.445.
[7]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005, tập 18, tr.57.
Quang Đặng