Thông tin sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng
Trong thời đại kỹ thuật số, không gian mạng đã trở thành một mặt trận quan trọng trong đấu tranh tư tưởng. Dựa vào những ưu điểm vượt trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống, đặc biệt là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, ẩn danh, không gian mạng đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để truyền bá những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nội dung thông tin xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch vô cùng đa dạng và phức tạp, bao trùm mọi lĩnh vực tư tưởng, chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội..., trong đó tập trung chống phá một số nội dung cốt lõi về tư tưởng của Đảng tanhư: Xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và tập trung tấn công những nguyên tắc then chốt, những vấn đề tranh luận cơ bản nhất như phê phán quy luật giá trị thặng dư; bác bỏ chủ nghĩa duy vật lịch sử dựa trên cơ sở bác bỏ bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội; bác bỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta; phủ nhận học thuyết xã hội chủ nghĩa làm sai lệch mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta...
Chúng tập trung tấn công, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm “lật đổ” tư tưởng Hồ Chí Minh: phủ nhận nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh; cố tình xuyên tạc, tạo sự khác biệt, tương phản giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin; tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh hòng gián tiếp phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố chủ nghĩa dân tộc của Đảng; xuyên tạc, bôi xấu đời sống riêng tư, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta…
Tình hình đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
Trong những năm qua, cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên không gian mạng đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và an ninh mạng, củng cố và phát triển không gian mạng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, cuộc đấu tranh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: hình thức thông tin chưa chuyên nghiệp, chưa hiện đại, chất lượng chưa cao, chưa hiệu quả,chưa phù hợp với xu hướng phát triển của truyền thông thế giới và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vẫn còn tình trạng mất cân bằng thông tin, chưa bảo đảm được sự khác biệt giữa các khu vực, sự thống nhất giữa các quốc gia; sự nhiệt tình, chủ động đấu tranh chống thông tin sai lệch, thông tin, quan điểm thù địch còn hạn chế. Cơ chế chủ động hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời, thu thập thông tin tích cực, chính thống, chống thông tin sai sự thật, bịa đặt, phỉ báng, phản động trên mạng xã hội và Internet còn hạn chế. Việc kết hợp đưa thông tin nước ngoài và thông tin chính thức từ khắp nơi trên thế giới vào Việt Nam chưa chặt chẽ...
Giải pháp đấu tranh trong thời gian tới
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, trước hết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới (01/8/2007); Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới;…
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, không ngừng mở rộng tính cởi mở và dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo vệ quyền thông tin cơ bản của công dân. Kiên quyết trấn áp, loại trừ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội, thuần phong mỹ tục và nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng; đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ba là, nghiên cứu bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn đất nước.
Tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thêm sức sống mới cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc khẳng định, cụ thể hóa những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời chỉ rõ những giá trị cốt lõi, giá trị lý luận có sức sống lâu bền của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mặt khác, phải làm tốt hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Tuấn Đỗ