Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc chống phá cách mạng Việt Nam với đủ loại chiêu trò tinh vi, xảo quyệt; chúng thiết lập các trang website, blog, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ”, phát tán các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video, clip có nội dung xấu, độc để chống phá. Thủ đoạn chính của chúng là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác những thông tin từ những vụ tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội rồi xuyên tạc sự thật, thổi phồng thiếu sót, khuyết điểm; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, khi cả nước đang tập trung phòng chống dịch Covid-19; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Qua đó, thúc đẩy nhanh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; truyền bá lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mục ruỗng về tổ chức, băng hoại đạo đức xã hội.
Những thủ đoạn nêu nằm trong âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng làm mất ổn định tình hình chính trị ở Việt Nam, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, từng bước đẩy lùi, đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức rõ tình hình trên, công tác đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, bộ, ngành thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thực hiện chặt chẽ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới"[1]; "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng''[2]. Đã chủ động xây dựng cơ quan thường trực, lực lượng nòng cốt, chuyên sâu tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và bảo đảm các điều kiện vật chất thực hiện công tác này ở từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên sâu, tham gia đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; thường xuyên đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức đấu tranh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh mạng được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả quan trọng đó đã khẳng định các cơ quan, đơn vị luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt đi đầu trong đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng thời gian qua còn những hạn chế, bất cập: "Công tác đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ chưa kịp thời"[3].
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; luận giải thấu đáo, thuyết phục những vấn đề mới nảy sinh. Đồng thời, kết hợp đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nắm chắc, hiểu rõ về tính hai mặt của không gian mạng cũng như âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch; tạo khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên trước các thông tin xấu độc, cũng như tăng cường sức “đề kháng” để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng.
Đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một nội dung quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trọng yếu, cấp bách của công tác bảo vệ an ninh tư tưởng; đồng thời, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để thống nhất nhận thức và hành động, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng hiện nay. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ hoặc Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy, chi bộ vào nội dung sinh hoạt của tổ chức đảng, sát với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá phù hợp với nhận thức của từng đối tượng cụ thể cần tuyên truyền, đấu tranh. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao tính chủ động, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên để có biện pháp uốn nắn những sai trái, lệch lạc. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng, nhất là kỷ luật phát ngôn, có biện pháp để phát hiện đảng viên tham gia các hội, nhóm, trái quy định của Đảng, Nhà nước, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận gây ảnh hưởng xấu tới nội bộ Đảng và ngoài xã hội.
Diễn đàn tuổi trẻ Công an nhân dân xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng do Đoàn thanh niên Bộ Công an tổ chức, tháng 6/2020. Ảnh: Internet.
Ba là, chủ động cung cấp thông tin định hướng nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, internet, mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người; tác động trực tiếp và mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân nói riêng, đến sự ổn định và phát triển của xã hội nói chung.
Tận dụng những lợi thế về phạm vi, đối tượng sử dụng không gian mạng, các thế lực thù địch tăng cường các thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải nhạy bén, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin theo luật An ninh mạng và Quy chế phát ngôn, nhất là các vấn đề liên quan đến bí mật Quốc gia. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, lãnh đạo các cấp cần chỉ đạo cơ quan chức năng bám sát định hướng của cấp trên, chủ động xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần tập trung biên soạn các tài liệu, chuyên khảo, tham khảo làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Ở từng cấp, cần duy trì tốt nền nếp chế độ hội ý cung cấp thông tin, định hướng nội dung, thống nhất biện pháp đấu tranh. Trong đó, cần chỉ rõ mục tiêu, luận điểm chống phá của các thế lực thù địch trong các tin, bài; cung cấp luận cứ đấu tranh phản bác, làm cơ sở cho lực lượng viết bài tham gia đấu tranh.
Bốn là, ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật hiện đại vào đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, internet, trí tuệ nhân tạo trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng. Hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng các phần mền quản lý đấu tranh và hỗ trợ các hoạt động đấu tranh trên không gian mạng, thực hiện các chiến dịch truyền thông. Nghiên cứu, đề xuất sử dụng các phần mền chuyên dụng, các trang thiết bị đặc chủng đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí vừa bảo đảm an toàn, vừa góp phần quản lý tình hình tư tưởng, dư luận và hoạt động của các giai tầng xã hội, đặc biệt là của sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên trên không gian mạng.
Đấu tranh phòng, chống các quan điểm, sai trái, thù địch bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng hiện nay là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, gay gắt, lâu dài và vô cùng phức tạp. Với vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh hiệu quả, thiết thực góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình', "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch.
Vương Đức Thương