Cùng với sự hoàn thiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, các hình thức tín ngưỡng ngày càng phát triển sôi động, đáp ứng nhu cầu tâm linh “đa phương, nhiều chiều” của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp, đời sống tín ngưỡng đang có sự len lỏi của các hiện tượng mê tín, dị đoan, không ít người tin vào những phép màu nhiệm, tử vi, tướng số, bói toán, đồng cốt… Ngoài ra, một số hoạt động tín ngưỡng có chiều hướng phát triển biến tướng, thiên lệch, tăng tính thực dụng, “buôn thần bán thánh”, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho đời sống xã hội.
Các đối tượng của Hội thánh Đức chúa trời truyền đạo trái phép. Ảnh TTXVN
Nhận diện một số biểu hiện mê tín, dị đoan, thương mại hóa trong hoạt động tín ngưỡng
Ranh giới giữa tín ngưỡng, tâm linh và vấn đề mê tín, dị đoan đôi lúc rất mong manh. Tất cả đều xuất phát từ yếu tố niềm tin đối với thế giới siêu nhiên huyền bí nhưng một khi niềm tin trở nên mù quáng, mê muội, mất lý trí, dẫn tới hành vi phản khoa học, phản văn hóa, phương hại đến nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của bản thân và người khác thì đó chính là mê tín, dị đoan. Do đó, cần có sự nhận diện đồng bộ các dạng thức biểu hiện của mê tín, dị đoan để phân biệt đâu là tín ngưỡng thuần túy, đâu là mê tín, dị đoan, từ đó kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn cuồng tín đang diễn ra trong xã hội.
Mê tín, dị đoan được biểu hiện ở nhiều dạng thức nhưng nhìn chung đều gắn với hoạt động nghi lễ kỳ dị, phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục. Đó là các dạng thức xem tướng số, tử vi, bói toán; các dạng thức cúng tế, lễ bái; hóa vàng mã hoành tráng với niềm tin mù quáng vào số mệnh, thần thánh, ma quỷ; những hành vi hiến tế, dày vò thể xác, quan hệ tình dục nam nữ bất chính; các dạng thức chữa bệnh bằng phép ma thuật, niệm thần chú hay dùng tàn nhang và nước lã cúng lễ rồi uống. Ngoài ra là các dạng thức kiêng kỵ không có cơ sở khoa học như kiêng phụ nữ có thai xông đất đầu năm, dự đám cưới, đám tang; kiêng khởi đầu công việc vào ngày 13, ngày 4;… Hiện nay, còn xuất hiện dạng thức cúng bái online, tuyên truyền mê tín, dị đoan trên không gian mạng (Facebook, Tik tok,…).
Gần đây, sự xuất hiện một số hình thức lợi dụng tín ngưỡng như Câu lạc bộ Tình Người ở Cầu Giấy, Hà Nội với phương châm “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”…, thế nhưng đằng sau đó lại là những buổi rao giảng, truyền bá những tư tưởng, đạo lý đậm chất mê tín, dị đoan về ma quỷ, vong linh. Có sự du nhập một số hình thức tín ngưỡng ngoại nhập như hiện tượng “Búp bê Kuman Thong” (Kuman Thong được hiểu nôm na là “em bé vàng” hay cộng đồng mạng còn gọi là “quỷ linh nhi”, một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian của Thái Lan. Một bộ phận giới trẻ ở Việt Nam sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thỉnh Kuman Thong về nuôi với mục đích có thể “muốn gì được nấy”). Hiện tượng này đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của Nhà nước. Đây đều là hoạt động núp bóng tín ngưỡng, trái pháp luật, tuyên truyền mê tín, dị đoan, gây tổn hại kinh tế, làm nảy sinh tâm lý trông chờ vào vận may, bùa phép...[1]. Đặc biệt, sự phát triển lan tràn, mở rộng của các điện thờ tư gia như Linh Quang Điện ở Hà Nội, cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” Trương Thị Hương ở Hải Dương,… đang chứa đựng nhiều nguy cơ mê tín hóa hoạt động tín ngưỡng.
Một buổi sinh hoạt của CLB Tình người. Ảnh: vietnamnet
Ngoài vấn nạn mê tín hóa là biểu hiện thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng. Một số cơ sở tín ngưỡng cung ứng “dịch vụ tâm linh” trong các mùa lễ hội để trục lợi kinh tế như xem bói, gieo quẻ, tăng giá dịch vụ bán hàng, dịch vụ sắp lễ thuê, khấn thuê. Không gian linh thiêng trong lễ hội trở nên nhộn nhạo với các tệ nạn trộm cắp, ăn xin, chèo kéo, lừa bịp khách thập phương,… Bên trong các cơ sở tín ngưỡng, hòm công đức, bàn ghi công đức bày la liệt. Tại nhiều địa phương có tình trạng đua nhau tổ chức lễ hội tín ngưỡng nhằm mục đích trục lợi. Xuất phát từ nguồn thu lớn, tại một số cơ sở tín ngưỡng, có hiện tượng mua đấu giá chức thủ đền, thủ từ để quản lý cơ sở đó và kinh doanh thu lời.
Riêng với tín ngưỡng thờ Mẫu, các lễ hầu đồng tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ sau khi UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hầu đồng không chỉ diễn ra trong không gian thờ tự linh thiêng mà đã lan rộng đến các không gian khác như căn hộ chung cư, quán cà phê, quán bar, vũ trường,… Tại đây, các con nhang, đệ tử theo dự các giá hầu không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà chủ yếu để cầu các “thánh” ban phát tài, lộc, công danh, sự nghiệp,…[2]. Lợi dụng tâm lý này của người dân, hiện tượng “đồng đua”, “đồng đú” nở rộ khắp nơi để thu lời.
Tại các điện thờ tư gia, chủ điện nào được cho là “thầy cúng giỏi, cao tay” thì có đông khách hàng, đồng nghĩa với việc có thu nhập cao. Một số điện thờ có biểu hiện trục lợi, thu lời bất chính trên nỗi bất hạnh của người dân. Một số chủ điện ép buộc, đe dọa tín đồ, buộc họ phải thực hiện các nghi lễ cầu cúng, giải hạn với chi phí cao. Điện thờ Linh Quang Điện từng niêm yết giá dịch vụ chi tiết với các nghi lễ như luận giải tử vi (1 triệu đồng), tiễn vong linh (10 triệu đồng), di cung, thay đổi số mệnh (5 triệu đồng), tiễn căn (25 triệu đồng),... Điện thờ của “cô đồng bổ cau Trương Thị Hương” từng tổ chức xem bói, làm lễ di cung hoán số, cầu bán được nhà, cầu bình an với chi phí từ hàng triệu, hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều chủ điện còn thu phí người gia nhập, bán kinh sách và đồ cúng tế cho người đến lễ, thu phí đắt đỏ các dịch vụ bốc bát hương, cầu cúng, chữa bệnh,...
Thầy bắt ma thi triển khả năng truyền năng lượng, trục vong cho các con nhang sùng tín. Ảnh: laodong
Đấu tranh với biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tín ngưỡng
Đứng trước thực trạng mê tín hóa, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng trong thời gian gần đây, về mặt nhận thức, chúng ta phải tỉnh táo, đủ kiến thức để nhận diện và phân biệt giữa nhu cầu tín ngưỡng chính đáng với niềm tin mù quáng, cuồng tín, mê tín, dị đoan; giữa nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống với những những dạng thức biến tướng, trá hình vì mục đích vụ lợi, thực dụng. Tiếp đó, cần tuyên truyền bài trừ vấn nạn mê tín, dị đoan, không để hiện tượng “buôn thần, bán thánh” len lỏi vào các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội.
Từ góc độ quản lý của nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và đời sống tinh thần của người dân để loại bỏ căn nguyên gốc rễ của vấn nạn mê tín hóa, thương mại hóa. Hơn nữa, cần tuyên truyền, vận động, định hướng người dân đến với những sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp, nhân văn chuyển tải trong hệ thống tín ngưỡng, đồng thời hạn chế tối đa những mặt tiêu cực nảy sinh để đưa sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội trở về đúng với bản chất, ý nghĩa tích cực, nhân văn vốn có.
Đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội tín ngưỡng, các cấp, các ngành, các địa phương bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng pháp luật, hạn chế đốt vàng mã, khắc phục việc đặt hòm công đức tràn lan, đặt tiền lễ tùy tiện; công khai và minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tiền công đức.
Và một vấn đề cốt yếu là phải bổ sung, hoàn thiện căn cứ pháp lý và chế tài xử lý của pháp luật để đảm bảo quản lý tốt các sinh hoạt tín ngưỡng. Pháp luật cần quy định cụ thể về mê tín dị đoan và các hành vi bị coi là mê tín dị đoan, ban hành chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các “điểm nóng” hành nghề mê tín, dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng vì mục đích kinh tế. Về chủ thể quản lý, hiện nay vẫn có sự song trùng giữa hai chủ thể quản lý hoạt động tín ngưỡng là ngành văn hóa và ngành tôn giáo, dẫn tới tình trạng chồng chéo, lấn sân lẫn nhau hoặc buông lỏng trong công tác quản lý. Do đó, cần xem xét việc thống nhất đầu mối quản lý hoạt động tín ngưỡng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
[1] Xem: Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín: Các Bộ, ngành cần thống nhất từ nhận thức đến hành động, https://baovanhoa.vn/van-hoa/ngan-chan-me-tin-di-doan-va-van-nan-cuong-tin-bai-cuoi%C2%A0cac-bo-nganh-can-thong-nhat-tu-nhan-thuc-den-hanh-dong-60980.html.
[2] Xem: Hoàng Thị Lan, Những vấn đề đặt ra từ hoạt động lễ hội, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2457-nhung-van-de-dat-ra-tu-hoat-dong-le-hoi-tin-nguong-o-viet-nam-hien-nay.html.
Hằng Nga