Các bị cáo là thành viên của tổ chức phản động “chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” bị xét xử về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tháng 8/2018. Ảnh: Internet.
Với các thế lực thù địch đối lập về ý thức hệ: Lực lượng này gồm những đối tượng có trình độ lý luận cao. Bất kỳ cái gì liên quan đến chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chúng cũng tìm cách xuyên tạc, chống phá. Đây là “kẻ thù không đội trời chung” của giai cấp vô sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đấu tranh phản bác ở tầm lý luận. Để đấu tranh về lý luận, chúng ta phải “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế xây dựng cơ sở vững chắc cho việc hoạch định, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[1]. Các cấp ủy Đảng cần quyết liệt chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần huy động các nhà lý luận, các học giả chân chính trong và ngoài nước viết các bài với lập luận chắc chắn, sắc xảo, đập tan những luận điệu xuyên tạc. Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong đấu tranh, phản bác. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các bài viết, các tài liệu chính thống của ta bằng nhiều hình thức như thông qua đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền qua các buổi họp, sinh hoạt chi bộ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội, qua hoạt động tuyên truyền miệng,...
Chẳng hạn, các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”; không bao giờ thực hiện được”[2], và rằng: “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, kiên định với “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là sai lầm, là “lạc nhịp” (!?).
Để phản bác quan điểm xuyên tạc trên, cần chứng minh bằng giá trị khoa học, cách mạng, chân chính của học thuyết Mác-Lênin, khẳng định sự thay thế giữa các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử là hoàn toàn khách quan, không thể chối cãi được; hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội) sẽ phát triển cao hơn và khác về chất so với hình thái kinh tế-xã hội tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, đối với Việt Nam, cần phải khẳng định rằng đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhân dân Việt Nam, nó phù hợp với thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, các đơn vị, cơ sở cũng cần tiếp tục tổ chức đợt sinh hoạt, học tập, phổ biến cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, nội dung cuốn sách đã và đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, thể hiện sự đồng tình cao. Đồng thời, cần tiếp tục đưa ra chứng cứ với những số liệu, dẫn chứng cụ thể nhằm khẳng định thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực sau hơn 35 năm đổi mới ở Việt Nam. Thực tế đã cho thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và trên thế giới, như nhận định của Ngân hàng Thế giới “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”,... Do đó, rõ ràng là, chúng ta có đủ cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để khẳng định chắc chắn rằng trong 92 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với lực lượng phản động cực đoan ở nước ngoài, các đối tượng vốn là kẻ thù trong quá khứ: Nhóm đối tượng này thường lợi dụng những vấn đề lịch sử để lại, khơi lên thù hận; lợi dụng những khó khăn trong đời sống của Nhân dân ta; những thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí sai lầm của một số cấp ủy, chính quyền các cấp để tạo cớ can thiệp, chống phá ta.
Với nhóm đối tượng này, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, không nóng vội mà dùng nhiều hình thức, biện pháp để khẳng định Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống hòa hiếu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cần chặt đứt mối quan hệ, câu kết của lực lực phản động cực đoan ở nước ngoài với các phần tử suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nước. Xử lý nghiêm những phần tử cố tình hại nước, hại dân. Chúng ta cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cần kịp thời khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành (nếu có), quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, để các thế lực thù địch không còn cơ hội hòng kiếm cớ tuyên truyền, kích động, xuyên tạc.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tháng 1-2021. Ảnh: Internet.
Đối với lực lượng a dua, hùa theo: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ, căn bệnh a dua với biểu hiện cụ thể là: “Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”. Trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, một bộ phận đảng viên và Nhân dân không phân biệt được đúng-sai, nhất là còn hoang mang, dao động, thậm chí hùa theo.
Với nhóm này, chúng ta cần tìm ra đối tượng cầm đầu để có biện pháp xử lý kịp thời. Cấp ủy các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giúp mọi người nhận diện đúng bản chất và tính phức tạp, nhiễu loạn của các thông tin, biết phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin xấu, độc. Mặt khác, cần tuyên truyền để mọi người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng căn bệnh a dua để truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thông qua tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng và khả năng “miễn dịch” cho mỗi người cán bộ, đảng viên, người dân, để chúng ta từng bước khắc phục căn bệnh a dua và âm mưu lợi dụng căn bệnh này của các thế lực thù địch để chống phá ta. Tuyên truyền để những lực lượng a dua nhận rõ đây là những hành động sai lầm và rút kinh nghiệm không tái phạm. Mặt khác, quan tâm xem xét, đáp ứng những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân để hạn chế tối đa những người bị lôi kéo, kích động. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa: So với 3 nhóm trên, nhóm thứ tư này không khó để nhận ra, nhưng lại khó để đấu tranh hơn. Không khó để nhận ra, là vì hàng ngày khi cùng sinh hoạt, cùng công tác, những sai phạm, khuyết điểm của họ khó che đậy được trước hàng trăm con mắt của các thành viên trong cơ quan, đơn vị và trước dư luận quần chúng. Khó để đấu tranh, là vì họ đã từng là anh em, bạn bè, đồng chí, là người thân của chúng ta, thậm chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã từng đóng góp cho cách mạng, cho địa phương, cơ quan, đơn vị, có thành tích, nhiều lần đã được biểu dương, khen thưởng, vinh danh, cũng có khi đã từng là “thần tượng” để mọi người học tập.
Với nhóm này, trước hết, cần phân công những người có trình độ, có ảnh hưởng, có uy tín gặp gỡ, dùng tình cảm và lý lẽ tác động tư tưởng, phân tích để họ thấy được nhận thức và hành động của họ là sai lầm, khuyên can họ dừng lại, cho họ cơ hội “quay đầu là bờ”, cải tà quy chính. Còn đối với những đối tượng cố tình chống đối, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xử lý nghiêm, thực hiện đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ vi phạm, kể cả khi họ đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Như vậy, mỗi nhóm đối tượng, chúng ta có các hình thức, biện pháp đấu tranh phù hợp. Các biện pháp này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cần được tiến hành đồng thời. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng học sinh, đoàn viên, thanh niên cần thường xuyên rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; gìn giữ thanh danh của người cán bộ, đảng viên; biết tự tạo cho mình “vacxin” miễn nhiễm với các thông tin xấu độc, cảnh giác và có trách nhiệm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để ngăn chặn những thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội. Tăng cường chia sẻ bài viết, thông tin thông tin tích cực, tạo thành luồng thông tin tốt, chủ đạo, chính thống trong dư luận, trên các báo, tạp chí và trên cả mạng xã hội.
L.T.Đ