Khi tâm lý rơi vào bi quan dao động, sẽ thiếu sự làm chủ của bản thân, không kiểm soát được hành vi, thái độ và đây là cơ hội để các thế lực thù địch tấn công, làm lung lay lập trường tư tưởng, dẫn đến suy nghĩ và hành động theo sự dẫn dắt của chúng. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn yêu cầu người cách mạng phải có lập trường tư tưởng vững vàng, bởi đây là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân có định hướng chính trị đúng đắn, luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, thái độ của mình trong mọi tình huống. V.I.Lênin cũng nhiều lần nhắc nhở: “Chỉ giai cấp nào đi theo con đường của mình mà không do dự, không chán nản và không sa vào tuyệt vọng trong những bước ngoặt khó khăn nhất, gay go nhất và nguy hiểm nhất, thì mới có thể lãnh đạo được những quần chúng lao động và bị bóc lột”[1].
Dân chủ và tự do sáng tạo là ước mơ, là mục tiêu và động lực phát triển của loài người. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản rất trân trọng, vun đắp tài năng, khuyến khích sáng tạo, thường xuyên mở rộng tự do dân chủ hướng tới xây dựng xã hội tốt đẹp trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thế lực thù địch đang lợi dụng điều này để gieo rắc tâm lý bi quan dao động nhằm chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này được biểu hiện cụ thể ở một số xu hướng sau:
Thứ nhất, lợi dụng tự do dân chủ, các thế lực thù địch tự xưng mình là người có “sứ mệnh” để đấu tranh cho “tự do dân chủ” ở Việt Nam. Chẳng hạn, chúng thành lập những nhóm, hội như: “nhà đấu tranh dân chủ” để tiến hành “phong trào dân chủ”; lợi dụng việc lấy ý kiến để “Góp ý” đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chúng tự cho mình có quyền “can thiệp nhân đạo” vào quyền tự quyết của dân tộc. Thông qua các tổ chức đấu tranh cho “tự do dân chủ” ở Việt Nam, chúng gieo rắc tâm lý bi quan dao động, làm mất niềm tin với chủ trương, đường lối của Đảng. Mục tiêu cuối cùng của chúng là tiến tới xóa bỏ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, các thế lực thù địch lợi dụng tự do, dân chủ của báo chí và mạng xã hội, lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông để vu khống Việt Nam không có dân chủ, chế độ xã hội mà Việt Nam đang xây dựng là chế độ độc đảng toàn trịvà do đó, theo chúng “ở Việt Nam muốn phát triển, muốn có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, “xã hội dân sự” như nước ngoài”[2](?!)… Những luận điệu lạc lõng này là thứ “tự do”, “dân chủ” vô tổ chức, lệch chuẩn, nhằm gây tâm lý hoang mang dao động về lý tưởng cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Thứ ba, các thế lực thù địch lợi dụng các lý thuyết mới của tư sản, lợi dụng công ước, điều ước quốc tế và các diễn đàn về dân chủ tư sản để xuyên tạc, bóp méo nền dân chủ ở Việt Nam. Chúng nhấn mạnh “tính hợp lý” của chủ nghĩa đa nguyên, thuyết hội tụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân, tuyệt đối hóa chủ nghĩa thực dụng; chúng lôi kéo một số quần chúng nhân dân đã dao động, mất phương hướng tư tưởng, bất mãn với chế độ để tuyên truyền tư tưởng “tự do”, “dân chủ” phương Tây, sa vào tư tưởng, lối sống sùng ngoại, qua đó tạo tâm lý xa rời, vô cảm với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thứ tư, chúng khuếch đại những biểu hiện cá biệt về vi phạm dân chủ, thiếu tự do trong nước để bôi nhọ, quy chụp, kêu gọi thực hiện “tự do”, “dân chủ” theo theo hệ tư tưởng tư sản. Đặc biệt là chúng lôi kéo một bộ phận người trẻ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân thiếu bản lĩnh, có tư tưởng hoài nghi đi theo trào lưu dân chủ tư sản, đua đòi ăn chơi, hưởng thụ… quay lại phê phán nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Với xu hướng tuyên truyền trên đã làm chao đảo về lý tưởng, gieo rắc tâm lý bi quan, dao động ở một bộ phận quần chúng và cuối cùng là sẽ từ bỏ ý thức hệ tư tưởng của Đảng.
Phải khẳng định rằng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tự do dân chủ là rất rõ ràng và không ai có thể bóp méo, xuyên tạc. Thực tiễn và lý luận cũng đã minh chứng điều này. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo”[3]. Do vậy, với những xu hướng lợi dụng “tự do”, “dân chủ” nhằm gieo rắc tâm lý bi quan dao động cần phải được dẹp bỏ. Trước hết,cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các thế lực thù địch tự xung mình là người có “sứ mệnh” đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ” ở Việt Nam. Thứ hai, cần kiểm soát tốt các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng trong và ngoài nước; “Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”[4]; Thứ ba, triển khai nghiêm túc và hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế phù hợp với chế độ chính trị và mục tiêu tự do, dân chủ, tiến bộ mà Việt Nam đang hướng tới. Nhưng quan trọng hơn cả cần thực hiện có hiệu quả dân chủ hóa trên tất cả các lĩnh vực xã hội, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
Hà Lê