Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, tạo cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có cho các quốc gia, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên khẳng định vai trò, năng lực, trình độ của mình khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp cho các hoạt động Chính phủ của các quốc gia hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn.
Ở cấp độ Chính phủ, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị; Quyết định số 749 ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ…
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số” diễn ra ngày 19/12, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hòa nhịp cùng công cuộc chuyển đổi số, thời gian qua, thành phố đã ban hành 24 kế hoạch, chương trình liên quan đến chuyển đổi số cho giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, thành phố xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, xoay quanh 10 lĩnh vực ưu tiên như Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Logistics, Năng lượng... Do vậy, Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; thành lập 607 tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, với hơn 2.400 thành viên để triển khai thực hiện chuyển đổi số từ thành thị đến nông thôn.
Đồng thời, Cần Thơ cũng xác định chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh trên cơ sở khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh cũng đã cơ bản hình thành như: Nghị quyết số 10 ngày 11/4/2017 của Thành ủy “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”; Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Trần Việt Trường bày tỏ: “Để thực hiện thành công chuyển đổi số gắn với đô thị thông minh, thành phố mong muốn quy tụ nhiều nguồn lực từ các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt, nguồn nhân lực số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai và khẳng định tính hiệu quả chuyển đổi số của thành phố”.
Để phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, trước hết cần xác định nhóm các đối tượng: người dùng, cán bộ công chức, nhân lực IT. Ở nhóm người dùng, cần được trang bị kỹ năng số để khai thác sử dụng an toàn các dịch vụ số; Cán bộ công chức phải có kỹ năng vận hành, sử dụng các công cụ, nền tảng số, phân tích dữ liệu số…; Nhân lực IT đủ khả năng phát triển, quản lý, duy trì, vận hành hạ tầng, nền tảng, dữ liệu.
Thực tế, ở khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung, lực lượng chuyên trách công nghệ thông tin vẫn còn “khiêm tốn”; ở các sở ngành cán bộ công nghệ thông tin có năng lực làm chuyên trách chuyển đổi số cũng rất mỏng, do vậy, các địa phương cần có lộ trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu trên môi trường số nhóm cán bộ công chức trong thời gian sớm nhất để có nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất: “Một trong các giải pháp mà một số địa phương khác đã triển khai là ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ thu nhập, để thu hút được những người làm công nghệ thông tin ở khu vực tư nhân tham gia vào làm việc trong chính quyền. Đặc biệt về phát triển nhân lực về công nghệ thông tin, nhân lực về chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực IT, chúng ta có Đại học Cần Thơ, Đại học Tây Đô và các cái nôi đào tạo của khu vục ĐBSCL thì hoàn toàn có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để vừa đào tạo nhân lực, vừa gắn với thực tiễn để thúc đẩy nguồn nhân lực chuyển đổi số”.
Ngoài chú trọng nguồn nhân lực chuyển đổi số, tại Hội thảo, các đại biểu cũng bàn giải pháp cho việc triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC); Hạ tầng cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Trong đó nhấn mạnh chuyển các nguồn lực phân tán sang tập trung, tổ chức và khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên dữ liệu, phát triển, quản trị thống nhất tất cả các ứng dụng trong hệ thống. Cụ thể, số hóa dữ liệu để chuyển đổi số: chuyển từ tổ chức cơ sở dữ liệu rời rạc sang tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất với dữ liệu lớn; chọn dữ liệu cần số hóa (nhất là trong quản lý nhà nước), đối tượng ưu tiên số hóa (người dân, doanh nghiệp, thửa đất, tài sản công…).
Tiến sĩ Vũ Thành Nam, Kiến trúc sư giải pháp, Khối giải pháp Chính phủ nhận định cần đầu tư có trọng điểm cho “Trung tâm điều hành đô thị thông minh” - trung tâm chịu trách nhiệm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy. Để Trung tâm điều hành đô thị thông minh vận hành hiệu quả, các địa phương cần xây dựng cơ sở số đồng bộ gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh, nền tảng điện toán đám mây, danh tính số, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, khối chuỗi, an ninh mạng. Đặc biệt, cần dịch chuyển toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội từ môi trường thực sang môi trường số vào “kho dữ liệu lớn”
“Nền tảng dữ liệu chúng ta có mấy tầng: một là nguồn dữ liệu, hai là thu thập dữ liệu, ba là lưu trữ xử lý và bốn là phân tích dữ liệu. Phần chung còn có một phần liên quan đến kiểm soát dữ liệu, tức là liên quan đến chất lượng dữ liệu. Dữ liệu về chúng ta phải lọc ra dữ liệu nào dữ liệu tốt, dữ liệu nào là nhiều, chúng ta phải bỏ đi. Rồi liên quan đến truy cập dữ liệu, ai được truy cập đến dữ liệu nào thì đấy là phần quản trị dữ liệu. Đi vào từng lĩnh vực thì vẫn sử dụng nền tảng chung, dữ liệu chung đấy, nhưng người ta sẽ có mô hình riêng, các kỹ thuật riêng để đưa ra được các kết quả phù hợp với lĩnh vực đấy”, Tiến sĩ Vũ Thành Nam nói.
Để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, Hội thảo còn có góc nhìn về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong thời đại số, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà chuyển đổi số đang diễn ra rầm rộ, mà hầu hết người dân ở các vùng ven, hoặc vùng nông thôn vẫn còn khá lạ lẫm với khái niệm này; Nâng cao nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số nhằm củng cố và nắm vững nền tảng căn bản của chuyển đổi số để có thể đề ra những giải pháp phù hợp nhất…/.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL