Tết không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa. Đây cũng là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Bởi, mỗi khi Tết đến Xuân về, dù ở bất cứ nơi đâu, làm việc gì… mọi người đều mong được trở về, cùng nhau sum họp dưới mái ấm gia đình thân thương của mình.
Tết cũng là dịp mọi người nhìn lại mình, rồi nhìn sang những người xung quanh để rồi hầu như ai cũng muốn được san sẻ chút gì đó cho những người còn thiệt thòi, kém may mắn hơn mình. Với tinh thần đó, những ngày này, hầu như địa phương, ngành, lĩnh vực nào cũng đang có những chương trình hỗ trợ, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần cho những người yếu thế trong xã hội, để mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Bằng những chương trình như “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” hay “Tết không xa nhà”… những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo hay bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm... sẽ được các cấp Công đoàn chăm lo bằng những phần quà hay hỗ trợ bằng tiền. Đối với những gia đình chính sách, người có công, những hộ nghèo… sẽ được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ. Hay những công nhân, sinh viên đang học tập, làm việc tại các thành phố lớn nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; những người đang sinh sống, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế, xã hội khó khăn… cũng được các tổ chức, đoàn thể trao tặng vé máy bay, tàu, xe miễn phí hoặc thăm hỏi, tặng quà Tết. Và còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn khác cũng đã được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và thậm chí là người dân cùng nhau góp một tay chia sẻ, hỗ trợ.
Chẳng hạn, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các ngành chức năng đã dành trên 17,7 tỷ đồng để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, hộ gia đình nghèo thuộc vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...
Hay như TP Hồ Chí Minh - địa phương thu hút lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành khác về lao động, học tập cũng đã dự kiến chi từ nguồn ngân sách hơn 915 tỷ đồng, tăng hơn 34,163 tỷ đồng so với Tết Quý Mão năm 2023, để chăm lo cho đối tượng chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đã dự kiến chăm lo, hỗ trợ cho 21.422 hộ nghèo với mức hỗ trợ 1.250.000 đồng/hộ; đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc chăm lo, hỗ trợ 18.209 hộ cận nghèo với mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/hộ… Ngoài ra, còn có hàng ngàn phần quà, vé tàu, xe được tặng cho công nhân, sinh viên, các em ở các nhà mở, mái ấm và các em đang phải điều trị bệnh tại các bệnh viện.
Mặc dù các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân, nhưng đâu đó cũng sẽ còn nhiều hoàn cảnh, gia đình cần sự hỗ trợ, chăm lo. Để ai ai cũng có một cái Tết an vui, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có công điện về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của dân tộc. Để tập trung làm tốt hơn nữa, bảo đảm mọi người dân, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã cận kề, lòng ai cũng đang háo hức, cũng như ước mong, cầu chúc mọi người đón một cái Tết vui tươi, ấm no, sức khoẻ và bình an. Chính vì thế, chúng ta cũng nên ủng hộ phong cách đón Tết mới, trên tinh thần tiết kiệm và văn minh. Thay vì tặng quà lãnh đạo cấp trên, tiệc tùng tất niên, tổng kết đình đám, thờ cúng hoang phí không văn minh… thì hãy dành phần đó để giúp đỡ, san sẻ yêu thương cho người yếu thế trong xã hội. Tinh thần đó rất cần được phát huy, nhân rộng trong thời điểm này. Bởi, cùng với sự chung tay, góp sức của mọi người, mỗi khi Tết đến, Xuân về sẽ không còn ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng có Tết.
Nguồn Báo tin tức