Từ ngày 25/2 đến hết ngày 27/2/2024, lễ giao nhận quân sẽ diễn ra đồng loạt trên toàn quốc. Để chuẩn bị cho tốt công tác tuyển quân, đến thời điểm này các địa phương giao quân và đơn vị nhận quân đã thường xuyên trao đổi phối hợp, hiệp đồng và tổ chức thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình tuyển quân đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng và an toàn tuyệt đối.
Cơ quan quân sự địa phương, nhất là cấp huyện phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, cơ quan chủ trì phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; tăng cường các biện pháp, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng công dân trong diện sẵn sàng nhập ngũ năm 2024.
Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Hoàng Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quân số - Chính sách, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu.
PV: Bắt đầu từ ngày 25/2, các địa phương trên cả nước sẽ tiến hành lễ giao quân. So với mọi năm thì năm nay, lễ giao nhận quân ở các địa phương có gì khác không, thưa ông?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Lễ giao nhận quân là một trong những nghi lễ được tổ chức trang trọng theo quy định của Bộ Quốc phòng, triển khai thực hiện ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện).
Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 giai đoạn 2019 - 2021, lễ giao nhận quân được tiến hành gọn nhẹ, nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Hiện nay, đất nước đã trở lại bình thường nên lễ giao nhận quân năm 2024 thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 2185 của Tổng Tham mưu trưởng.
Thành phần dự lễ, có sự tham dự của đại biểu chính quyền, đoàn thể địa phương giao quân; chỉ huy và cơ quan quân sự địa phương giao quân và đơn vị nhận quân; công dân nhập ngũ và đại biểu gia đình có công dân nhập ngũ. Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị cũng thường xuyên quan tâm tới dự, chỉ đạo, kiểm tra và động viên thanh niên lên đường nhập ngũ ở các địa phương trong cả nước.
Trong những năm qua, việc tổ chức lễ giao nhận quân trang nghiêm, chu đáo đã thành nền nếp ở tất cả các địa phương trong cả nước, tạo khí thế phấn khởi, háo hức lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc đối với mỗi công dân, thực sự trở thành ngày hội tòng quân, tạo ấn tượng tốt và có tính tuyên truyền, giáo dục cao.
PV: Đến thời điểm này, các địa phương trong cả nước đã hoàn tất công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, chuẩn bị cho lễ giao quân năm 2024. Vậy công dân nhập ngũ cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Hiện nay, các quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024 chưa có gì thay đổi so với năm 2023. Về tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tại khoản 1 Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 quy định: Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được gọi nhập ngũ khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sau đây: Lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; Có trình độ văn hóa phù hợp.
Tiêu chuẩn cụ thể được quy định tại Điều 4 Thông tư số 148 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
Theo đó, về tuổi đời: Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Về tiêu chuẩn chính trị: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50 năm 2016 của liên Bộ Quốc phòng - Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Về tiêu chuẩn sức khỏe: Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV/AIDS.
Về tiêu chuẩn văn hóa: Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7. Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
PV: Đối với công dân nữ nhập ngũ thì tiêu chuẩn có gì khác so với công dân nam hay không?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Tại khoản 2 Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ”.
Năm 2024, ngoài việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như đối với tuyển chọn và gọi công dân nam nhập ngũ, đối với công dân nữ phải có đơn tình nguyện vào phục vụ trong Quân đội, được đại diện gia đình và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú xác nhận và đáp ứng một số điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể sau.
Về tuổi đời: Tuyển chọn công dân nữ từ đủ 18 đến hết 25 tuổi; nếu đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học thì độ tuổi đến hết 27 tuổi; chưa lập gia đình, chưa có con.
Về sức khỏe thì phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe loại 1, 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2016 của liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng; riêng chiều cao lấy từ 1m60 trở lên, ngoại hình cân đối, quân dung tươi tỉnh.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, thực hiện tuyển nữ công dân đã tốt nghiệp đào tạo trung cấp trở lên; ưu tiên những công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng có ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của Quân đội. Trường hợp có năng khiếu thực hiện theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng.
PV: Công dân có đủ tiêu chuẩn nhập ngũ như ông vừa nêu, sau khi về đơn vị tiếp nhận chiến sĩ mới thì có tiến hành phúc tra lại các tiêu chuẩn đó không?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Để bảo đảm chất lượng hạ sĩ quan, binh sĩ nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ ngay từ cơ sở.
Sau khi tiếp nhận công dân nhập ngũ, các đơn vị nhận quân sẽ tiếp tục tiến hành phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn theo quy định, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương giao quân tiến hành bù đổi trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận quân.
Trường hợp phải chờ kết quả xác minh về chính trị, đạo đức hoặc giám định về sức khỏe thì đơn vị nhận quân thông báo, hiệp đồng với địa phương cấp huyện để chủ động quân số bù đổi. Thời gian bù đổi không quá 15 ngày tính từ ngày giao nhận quân.
PV: Hiện nay, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, thời hạn phục vụ tại ngũ được kéo dài thêm 6 tháng. Nội dung này được quy định như thế nào, thưa ông?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể: “Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng”.
Việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại khoản 2 Điều 21, cụ thể là: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Như vậy, việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ thêm không quá 6 tháng chỉ áp dụng trong một số trường hợp như trên và do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể.
PV: Trong thời gian tại ngũ, công dân được hưởng các chế độ, chính sách như thế nào?
Đại tá Hoàng Quang Vinh: Câu hỏi vừa nêu cũng là nội dung được tất cả hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và gia đình có công dân tại ngũ, xuất ngũ quan tâm. Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân được quy định tại Điều 50 của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, theo đó:
Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí.
Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông.