Niềm vui ngày lễ 20/11 để nhắc mỗi người nhớ về cái nghề cao quý nhưng hết đỗi nhọc nhằn, rất cần thêm những hành động thiết thực để giữ chân nhà giáo gắn bó với bục giảng.
Nhà thơ Đông Trình – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) từng tâm sự, đời làm giáo của ông hạnh phúc nhất là cứ đến dịp 20/11, ngôi nhà của thầy cô giáo lại rộn ràng tiếng nói tiếng cười của bao lớp học trò cũ. Có những người ra trường đến hơn 20 năm nhưng đến ngày lễ lại trở về thăm thầy cô.
Món quà gói ghém của học trò cũ tặng thầy là những lhững cuốn sách, trang báo, tập san... kỷ niệm của tập thể cựu học sinh cùng niên khóa, nơi tình thầy xưa trò cũ được thắp lên như là một trong những gia tài quý giá. Đôi khi thầy trò chỉ ngồi cùng nhau bình thơ, viết thư pháp hoặc đơn giản là rôm rả ôn lại kỉ niệm xưa, kể chuyện nay... nhưng nó là niềm vui mà rất nhiều thế hệ thầy cô giáo chờ đợi cả tháng trước ngày 20/11. Có được niềm vui đó, hàng triệu thầy cô đã từng và đang gắn bó với nghề đều dễ dàng nhận được cảm xúc ân nghĩa tình thầy trò.
Từ xưa đến nay, tình thầy trò vẫn luôn là tình cảm cao đẹp nhất của mỗi con người. Ở đó, không chỉ gói gọn trong khuôn phép của đạo lý thầy - trò mà còn thể hiện cả tình yêu của một người cha, người mẹ, người anh, người chị, người bạn lớn với học sinh của mình. Không ai có hiểu trò bằng thầy và không ai có thể quên đi những người thầy, người cô chân chính đã dạy dỗ, dẫn lối cho tương lai sau này. Và, cứ thế, những dòng hoài niệm, những tình thương yêu, sự kính trọng được hun đúc, giãi bày và gửi gắm qua các thế hệ.
Ngẫm đến vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều đơn vị như Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đề xuất Quốc hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bộ Nội vụ đề xuất tăng lương, xét phụ cấp đặc biệt cho nghề giáo… được cả xã hội quan tâm và ủng hộ. Bởi vì, mỗi ngày, giáo viên mầm non phải làm khoảng 12 giờ với vô vàn loại công việc có tên và không tên. Đã vậy, họ còn luôn chịu những áp lực lớn về tinh thần, bởi đối tượng làm việc của họ là trẻ con, chập chứng học ăn, học nói.
Trong khi đó, mức lương mà các thầy cô giáo, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học đang nhận được chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Rất nhiều người không lương không đủ trang trải cho cuộc sống nên đành dứt áo… chia tay với nghề để chuyển việc, làm nghề bán hàng online, bán bảo hiểm xã hội, thậm chí là chạy grab… Họ chấp nhận bỏ phí công sức 4 năm miệt mài trên giảng đường học nghề sư phạm cùng những ước mơ và bao năm bươn chải, cố bám trụ làm nhà giáo.
Hy vọng với đợt cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024, phần lớn giáo viên sẽ sống được bằng lương, tạo động lực lớn để mọi giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, nhảy việc, cũng là cơ hội nâng tầm vị thế nhà giáo, nâng tầm vị thế ngành sư phạm trong thời gian tới. Có như vậy thì mỗi dịp kỷ niệm ngày 20/11 chúng ta lại thấy niềm vui trọn vẹn hơn.
Theo Kinh tế và Đô thị