Sau lập đỉnh mắc COVID-19 ở trẻ em do biến thể Omicron, Mỹ đứng trước lo ngại về khả năng gia tăng trường hợp di chứng hậu COVID-19 (hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C) ở trẻ em.
Mỹ đã ghi nhận kỷ lục trẻ em mắc COVID-19 ở Mỹ vào tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, một số bệnh viện ở Mỹ cho biết hiện tại chưa ghi nhận số ca nhập viện tăng vọt do MIS-C, hoặc ít nhất là vẫn chưa.
Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) có thể gặp sau khi mắc COVID-19 vài tuần. Nó có thể khiến nhiều bộ phận trong cơ thể bị viêm nhiễm. MIS-C có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể bao gồm thận, não, phổi và tim.
Các triệu chứng viêm đa hệ thống không đồng nhất nhưng có thể bao gồm đau bụng, nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, viêm kết mạc và huyết áp thấp.
Với tình trạng biến thể Omicron gây ra nhiều trường hợp mắc, không rõ các ca nhập viện do MIS-C khiến trẻ nhập viện chính xác là bao nhiêu cũng như mức độ nghiêm trọng của những di chứng này.
Hiện tại, nghiên cứu đang được tiến hành. Nhưng các chuyên gia y tế tại nhiều bệnh viện nhi khoa lớn ở Mỹ cho biết các triệu chứng ở trẻ rất khác nhau.
Hơn 12,3 triệu trẻ em ở Mỹ mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Đây là số liệu do Viện Nhi khoa Mỹ đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong theo độ tuổi thu thập từ các bang.
Biến thể Omicron đã gây ra làn sóng đỉnh điểm ca mắc ở trẻ em: gần 4,5 triệu trẻ ở Mỹ đã nhiễm COVID-19 kể từ đầu tháng 1 năm nay.
Các vùng khác nhau ở Mỹ có mức độ lây nhiễm khác nhau trong làn sóng dịch Omicron. Vì vậy sẽ cần có thời gian để các nhà khoa học có bức tranh rõ rệt hơn xem Omicron có thể gây ra những trường hợp viêm đa hệ thống (di chứng hậu COVID-19 ở trẻ) ra sao.
Phần lớn các trường hợp viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) chưa gây tử vong. Tuy nhiên, Sở Y tế Wisconsin ghi nhận một trường hợp trẻ 10 tuổi ở bang đã tử vong trong tháng 1 do hội chứng viêm đa hệ thống.
Theo nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Tom Haupt, bang Wisconsin đã lưu ý các bác sĩ thông báo các ca nghi nhiễm MIS-C lên chính quyền bang để tổng hợp báo cáo lên CDC Mỹ nhanh nhất có thể.
"Chúng tôi muốn chia sẻ thông tin với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ với hy vọng có thể tìm ra nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa di chứng hậu COVID-19 (MIS-C) ở trẻ em", ông chia sẻ.
Có một vài nghiên cứu về MIS-C đang được tiến hành trên khắp nước Mỹ. Các nhà khoa học hy vọng có thể lý giải tại sao có trẻ mắc di chứng hậu COVID-19 còn các trẻ khác thì không. Đồng thời hiểu rõ hậu quả lâu dài và giải pháp để điều trị hội chứng viêm đa hệ thống - di chứng hậu COVID-19 ở trẻ.
Có một điều chắc chắn về MIS-C. "Di chứng hậu COVID-19 này luôn theo cùng một mô hình", TS. Roberta DeBiasi, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện nhi quốc gia Mỹ ở Washington nói. "Đó là nó luôn xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2-6 tuần sau khi protein gai của virus tấn công cơ thể, cho dù là bất kể loại biến thể nào của virus SARS-CoV-2."
Di chứng hậu COVID-19 - hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2-6 tuần sau khi protein gai của virus tấn công cơ thể, cho dù là bất kể biến thể nào.
TS. Roberta DeBiasi - Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi quốc gia Mỹ
DeBiasi là một trong số vài nhà khoa học tham gia nghiên cứu về MIS-C. Từ công việc của bà là tham gia điều trị trẻ em mắc COVID-19 tới nay, MIS-C vẫn rất hiếm gặp so với số lượng trẻ mắc COVID-19 được các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Nhi quốc gia Mỹ.
Một nghiên cứu cũng cho thấy trong mùa đông 2020-2021, chỉ có đúng 1 trường hợp nhập viện bị hội chứng viêm đa hệ thống đối với trẻ nhập viện mắc COVID-19 độ tuổi từ 5-11 tuổi. Thời gian nghiên cứu diễn ra rất lâu trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, MIS-C có thể không đến mức hiếm gặp như trước đây các nhà khoa học từng nghĩ.
Ở Washington, TS. DeBiasi cho biết, bệnh viện của bà đã ghi nhận 30 trường hợp MIS-C liên quan tới biến thể Omicron. Nhưng mỗi làn sóng dịch thì số ca MIS-C lại ít đi. Với làn sóng dịch đầu tiên, bệnh viện đã phải điều trị 100 trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống, tuy nhiên, làn sóng Delta chỉ ghi nhận 60 trẻ bị di chứng hậu COVID-19 này.
Không rõ tại sao cứ mỗi làn sóng dịch thì số ca MIS-C lại ít đi. Nhưng bà đưa ra giả thuyết rằng có thể do vaccine, bởi hiện nay, Mỹ đã cấp phép tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
Theo Dân trí