Khánh Hòa nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích tự nhiên là 5.197km2, nổi tiếng với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng, địa phương và quốc gia, mà còn là phương thức bảo tồn các giá trị của di sản trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế. Việc nhận diện hệ thống di sản văn hóa trên vùng đất Khánh Hòa sẽ tạo nên những gợi mở cho hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang - Kiệt tác văn hóa Champa cổ. Ảnh: Internet
1. Trải qua lịch sử 370 năm hình thành, phát triển, tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) hội tụ nhiều di sản văn hóa đa dạng, làm nên dấu ấn của vùng đất “xứ Trầm, biển Yến”. Nhìn lại giá trị di sản để thấy rằng, chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa.
Về di sản văn hóa vật thể: tính đến năm 2019, toàn tỉnh có trên 1.098 di tích (1) được lập hồ sơ xếp hạng, kiểm kê; trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích văn hóa cấp quốc gia, 180 di tích văn hóa cấp tỉnh. Các di tích hiện đang thu hút du lịch, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội địa phương như Tháp Bà Ponagar Nha Trang, thành cổ Diên Khánh, Phủ Đường Ninh Hòa, đền thờ Trần Quý Cáp, miếu Trịnh Phong, cụm di tích nhà khoa học Yersin, di tích Am Chúa…
Về di sản văn hóa phi vật thể: tỉnh Khánh Hòa có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ; gắn liền với cuộc sống của cư dân và mang đậm văn hóa vùng như: tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, tín ngưỡng thờ Nam Hải, lễ hội Tháp Bà Nha Trang, lễ hội cầu ngư, lễ bỏ mả người Raglai, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, hò Bá Trạo, các làng nghề thủ công, ẩm thực… Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể khẳng định tính đa dạng, phong phú của vùng đất; là cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa, tạo cơ hội cho cộng đồng phát triển kinh tế – xã hội.
2. Nhận thức giá trị của di sản văn hóa cũng như tiềm năng du lịch di sản đem lại, thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch được chính quyền đặc biệt quan tâm như: ngành quản lý văn hóa đã thường xuyên khảo sát tổng thể, kiểm kê, nghiên cứu thực địa, đánh giá nguồn lực di sản trên địa bàn Khánh Hòa, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Kế hoạch bảo tồn hệ thống di sản văn hóa trên toàn tỉnh được triển khai có trọng tâm trọng điểm. Các đề án, dự án bảo tồn, phát triển văn hóa người Ê Đê, Raglai, Cơ Ho... trên địa bàn tỉnh được quan tâm (2). Nguồn vốn đầu tư để trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia (3) được bố trí từ ngân sách nhà nước và chương trình xã hội hóa. Chiến lược quảng bá di sản văn hóa kết hợp các tour du lịch trải nghiệm di tích, danh thắng ở Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả cao cho các bên tham gia (4) … Theo báo cáo của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 3,2 so với cùng kỳ; khách nội địa đạt 2,8 triệu lượt, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ (5).
3. Là một trọng điểm quốc gia về phát triển du lịch, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn song hiện nay, các sản phẩm du lịch chủ lực của Khánh Hòa vẫn là biển đảo hoặc gắn với biển đảo. Các di tích lịch sử - văn hóa, các thế mạnh làng nghề, du lịch cộng đồng, các sản phẩm địa phương… chưa được khai thác mạnh. Chưa hài hòa giữa lợi ích cộng đồng, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích nhà nước…. Để di sản văn hóa trở thành động lực phát triển du lịch bền vững, để làm phong phú hơn sản phẩm du lịch địa phương, để hoàn thành mục tiêu xây dựng du lịch văn hóa là ngành công nghiệp văn hóa từ nay đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm hướng phát triển du lịch sau:
Khai thác tour du lịch về nguồn gắn với di tích lịch sử cách mạng như: Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, khu lưu niệm tàu C235, bia chủ quyền trên đảo Trường Sa, tượng đài 23 tháng 10, nghĩa trang Hòn Dung, thành Diên Khánh, miếu Trịnh Phong, đền Trần Quý Cáp, tượng đài Trần Hưng Đạo, nhà lưu niệm bác sĩ Alexandre Yersin ở Hòn Bà…
Khai thác tour khám phá di sản văn hóa. Như tour du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề: nghề làm chiếu cói Ngọc Hiệp, nghề làm gốm Lư Cấm, nghề gốm Bàu Trúc tại tháp Bà Ponagar, nghề sản xuất mắm truyền thống, nghề đánh bắt thủy sản, hải sản; nghề khai thác yến sào; nghề xoi trầm Vạn Ninh… Tour du lịch tìm hiểu các phong tục văn hoá làng chài trong vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong… Tour du lịch khám phá di sản văn hóa huyện Ninh Hòa như Lăng Bà Vú, Phủ đường Ninh Hòa, làng rau Ninh Đông, cánh đồng muối Hòn Khói, Quỳnh Phủ hội quán… Tour du lịch khám phá văn hóa và ẩm thực Việt huyện Cam Lâm; Tour tham quan vườn dừa, ruộng tỏi Ninh Vân; trải nghiệm một ngày làm ngư dân ở Nam Vân Phong …
Khai thác tour du lịch hành hương về với quê hương của Thánh Mẫu Thiên Y A Na - Mẹ xứ sở thông qua “tam giác vàng” linh thiêng giữa các di tích: Am Chúa (nơi bà giáng trần) - Suối Đổ (nơi bà vân du) - Tháp Bà (nơi bà thăng thiên). Đây là tiềm năng đối với việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh, đồng thời có thể làm cơ sở để mở rộng việc phát triển du lịch thông qua các cơ sở thờ tự Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong các làng xã trên địa bàn tỉnh.
Khai thác tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số. Một số điểm du lịch có thể khai thác như: Thác Tà Gụ, thác Lavan, thảo nguyên Tà Giang… ở huyện Khánh Sơn; Suối Đá Bàn (xã Khánh Phú); suối Mấu (xã Khánh Thượng); thác Ê Đu (xã Giang Ly); suối nước nóng ở xã Khánh Thành; thác Zi-ông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)… ở huyện Khánh Vĩnh. Ngoài ra, du khách trải nghiệm đời sống văn hóa của đồng bào thông qua tham dự các lễ hội như: Lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ ăn mừng lúa bắp mới; lễ mừng nhà mới; lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày; lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai…Hay thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian như hát Arai (người Ê Đê), hát Ma diêng, múa cong tua, đánh mã la (người Raglai), hát Xú ri (đồng bào T’rin), hát then (người Tày); hòa tấu, độc tấu các nhạc cụ cồng chiêng, đinh năm, đinh chót…
Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển bền vững của địa phương. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là giải pháp có tính hiệu quả lâu dài để Khánh Hòa xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa uy tín, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa, định vị thương hiệu du lịch Khánh Hòa trong hiện tại và tương lai.
Chú thích
1. Các di tích được phân bố như sau: Thành phố Nha Trang 227 di tích, thị xã Ninh Hòa 281 di tích, huyện Vạn Ninh 149 di tích, huyện Khánh Vĩnh 20 di tích, huyện Diên Khánh 296 di tích, Thành phố Cam Ranh 69 di tích, huyện Cam Lâm 49 di tích, huyện Khánh Sơn 07 di tích.
2. Các lễ hội truyền thống của người Ê Đê, Raglai, Cơ Ho... được phục dựng như Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai tại huyện Khánh Sơn; Lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin (một nhánh dân tộc Cơ Ho) tại huyện Khánh Vĩnh, Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa)…
3. Dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi Tháp Nam thuộc di tích Tháp Bà Ponagar và dự án Chỉnh trang khuôn viên di tích Tháp Bà Ponagar hơn 20,4 tỷ đồng; dự án Thành cổ Diên Khánh với vốn đầu tư 75,7 tỷ đồng; dự án đường vào di tích quốc gia bác sĩ Yersin có vốn đầu tư 4,4 tỷ đồng…
4. Các di tích Tháp Bà Ponagar, Khu dinh thự Bảo Đại… được đưa vào tour để phục vụ du khách thường xuyên. Tỉnh chuẩn bị cho Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang và Lễ hội Vịnh ánh sáng Quốc tế Nha Trang, Giải chạy VnExpress Marathon Nha Trang 2024; các chương trình ca nhạc, giải golf tại Vinpearl Nha Trang (đảo Hòn Tre)…
5. https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202406/ky-vong-mua-du-lich-he-a221b8b/ truy cập ngày 30/6/2024
Trường Sơn