Mất 3 năm đi tìm niềm đam mê với chụp ảnh, Võ Anh Kiệt (ngành Báo chí, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đã ngày càng khẳng định được bản thân.
Trước đó, Võ Anh Kiệt từng là sinh viên năm thứ ba, ngành Cơ khí của trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM), nhưng sau đó bén duyên với nghề nhiếp ảnh. Chuyển hướng sang một ngành mới, hoàn toàn khác xa với ngành đã học, hiện Anh Kiệt đang theo học ngành Báo chí, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), đồng thời là nhân viên chụp ảnh pre-wedding của một studio và là người chụp ảnh tự do.
Kể về những ngày chụp những tấm hình đầu tiên của mình, anh tâm sự: “Trước đây, khi còn là sinh viên trường ĐH Bách khoa, mình đã tham gia câu lạc bộ chụp ảnh. Lần đầu tiên cầm máy ảnh, mình đã rất thích thú, chắc có lẽ vì đó mà bén duyên với nghề. Những công việc đầu tiên, mình chỉ có thể kiếm được 200.000 – 300.000 đồng/buổi chụp, tần suất lúc ấy chụp không nhiều”.
Mặc dù thu nhập ít ỏi, nhưng anh chưa bao giờ nản với công việc chụp ảnh, anh vẫn tiếp tục sống với nghề, vì theo anh: “Chỉ đơn giản là mình muốn chụp ảnh, tiền chỉ là phụ. Nghĩ như vậy thì mới không nản. Ban đầu, khi những sản phẩm mình chụp còn chưa được hoàn thiện, mình cũng có chút lo lắng khi nhận việc”.
Hiện tại, Võ Anh Kiệt đang là sinh viên năm thứ nhất, khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐHKH&NV (ĐHQG TP. HCM) và vẫn đang theo đuổi niềm đam mê chụp ảnh của mình. (Ảnh: NVCC) |
Đến năm thứ hai, số tiền thù lao anh nhận được khoảng 500.000 đồng và lúc đó, việc học tại trường Bách khoa cũng đang dang dở. Kể về chuyện học tập của mình, anh tâm sự: “Đến đầu năm thứ ba, mình phải dừng công việc chụp ảnh để có thể cân bằng việc học nhưng khi học tiếp, mình nhận thấy bản thân không phù hợp với ngành học hiện tại, nên quyết định ôn thi lại và chuyển trường”.
Làm bạn với sách vở ôn tập nhưng Anh Kiệt vẫn không quên "người bạn" máy ảnh. “Giai đoạn đó, mặc dù đang ôn thi nhưng mình vẫn nhận chụp ảnh, xin làm thêm ở studio cưới, chụp tốt nghiệp cho đến nay. Nhưng sau khi đậu vào ngành Báo chí, mình nghĩ bản thân nên nhận chụp ít lại để chuyên tâm hơn cho việc học tại trường”, anh cho biết.
Ảnh do Võ Anh Kiệt chụp. (Ảnh: NVCC) |
Nghề nhiếp ảnh được xếp vào những ngành "làm dâu trăm họ", vì nếu như một bức ảnh mà khách hàng không ưng ý, cũng phải dành nhiều giờ để chụp đi chụp lại cho đến khi được một bức ảnh đẹp trong mắt khách. Nhưng đối với Anh Kiệt, người chụp ảnh pre-wedding, thì: “Thật ra, mình cũng chưa đi học qua một khóa nhiếp ảnh nào, chỉ tự học trên YouTube để tiết kiệm chi phí, nên khi mới vào nghề, thấy mình còn non nớt. Đến sau đi chụp pre-wedding, mới thấy cũng vui vì chụp cho cô dâu chú rể, họ ngủ thì mình ngủ, hai người đó dậy nấu cơm, thì mình dậy chụp. Cũng tùy thể loại mà mình chụp, có thể loại mình chỉ được ngủ 2 tiếng”, anh tâm sự thêm.
Công việc chụp ảnh hiện tại cũng đã giúp anh có thêm thu nhập, mỗi tháng anh có thể kiếm từ 5 - 15 triệu đồng nhờ việc chụp ảnh. Con số này đủ để anh chi trả cho những chi tiêu thường ngày nhưng với đặc thù công việc, anh phải đầu tư nhiều cho máy móc, thiết bị để có thể cho ra những sản phẩm chỉn chu và đẹp mắt nhất.
Ảnh do Võ Anh Kiệt chụp. (Ảnh: NVCC) |
Ảnh do Võ Anh Kiệt chụp. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ về dự định tương lai, anh nói: “Mình dự định sẽ theo đuổi cả 2 nghề sau khi tốt nghiệp, dù cả hai tuy khác nhau nhưng cũng có một chút liên quan và cũng vì mình vừa thích viết, vừa thích chụp”.
“Nếu chụp ảnh là việc bạn yêu thích hãy làm hết mình, từ những công việc nhỏ đầu tiên, không ngừng học hỏi, làm mới bản thân, biết lắng nghe ý kiến từ bạn bè và khách hàng, và quan trọng là tìm được chất riêng của mình”, anh Kiệt bộc bạch.
Nguồn Sinh viên Việt Nam