Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sáng 24/5 tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam-Châu Á 2023 (Vietnam-Asia DX Summit 2023) khai mạc với chủ đề: "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế." Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Diễn ra trong hai ngày 24 - 25/5, Diễn dàn gồm 6 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương, với hơn 2.000 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030," Việt Nam đã có 3 năm chuẩn bị, nỗ lực, thử nghiệm và tăng tốc quá trình chuyển đổi. Đến nay, Chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội.
“Mỏ vàng” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Năm 2023 được khẳng định là Năm Dữ liệu số quốc gia, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm Dữ liệu số quốc gia" với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số. Theo đó, tập trung vào các mục tiêu lớn như sau:
- 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.
- Trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
- 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP).
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - Viết tắt: NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.
Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; trong đó có 85 LGSP (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh) của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 08 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.
Như các chuyên gia đã chia sẻ, muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các Bộ, Ban, Ngành.
Cùng với việc tạo lập dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu số hiệu quả, tạo ra những giá trị mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số - xã hội số, phải có những mô hình, kế hoạch hợp tác cụ thể để chia sẻ và cùng khai thác dữ liệu số. Đây chính là khâu cần đến sự tăng cường hợp tác giữa các bên.
Đề cập đến chủ đề này tại Diễn đàn Vietnam-Asia DX Summit 2023, nhiều đại biểu dự diễn đàn cho rằng để khai thác dữ liệu số hiệu quả, các chính quyền địa phương phải "cởi mở," sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu; cùng hợp tác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số một cách thông minh để nhanh chóng có những mô hình quản trị mới giải quyết bài toán của địa phương, tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế số mới cho địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo: "Chuyển đổi số quốc gia phải lấy phát triển Chính phủ số đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển, giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quản trị quốc gia; quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh… đây là xu hướng tất yếu, khách quan đối với mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, các Bộ, Ngành, Địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ như: Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp số phát triển và hình thành các mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, đồng hành cùng doanh nghiệp số, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cắt giảm chi phí tuân thủ; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển doanh nghiệp số để tiếp cận được vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thu hút nhân lực cho phát triển."
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ số cung cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA chia sẻ tại sự kiện, để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam.
"Chúng tôi thật sự nhìn thấy có dữ liệu là mỏ vàng, đây là lúc ‘mỏ vàng’ bắt đầu lộ thiên. Đây là lúc chúng ta bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Nói là ‘mỏ vàng’ nhưng khai thác mỏ vàng như thế nào là một con đường dài," ông Khoa nhấn mạnh.
Hợp tác công tư trong tạo lập và khai thác dữ liệu số
Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ những mô hình hợp tác hữu ích.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA phát biểu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho biết : "Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các Ban, Bộ, Ngành, các tổ chức để chung tay: Một, tư vấn, góp ý xây dựng một hành lang pháp lý thông thoáng, chiến lược dữ liệu bài bản; Hai là tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; Ba là hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; Bốn là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội."
Ban Tổ chức kỳ vọng, Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam-Châu Á năm nay thực sự đánh dấu bước ngoặt về tạo lập dữ liệu số trên toàn quốc, kết nối dữ liệu và khai thác nó một cách thông minh trong khuôn khổ pháp lý để xử lý các bài toán lớn, tạo ra cơ hội kinh doanh, phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững./.
Minh Sơn (Vietnam+)