Vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng
Chủ đề Đại hội XIII là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chủ đề này có nhiều điểm mới ở tất cả các thành tố, trong đó có thành tố về Đảng: cụm từ “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” được bổ sung vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để hoàn thiện thành tố: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đây là sự phát triển rõ nét trong tư duy lý luận của Đảng tạo Đại hội XIII, qua đó, đã tiếp tục nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Trong các quan điểm chỉ đạo, so với các kỳ Đại hội trước, Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã bổ sung hệ quan điểm chỉ đạo và là một trong những điểm mới rất nổi bật. Trong đó, điểm mới về xây dựng Đảng được thể hiện ở hai quan điểm:
Quan điểm 1 nêu những vấn đề có tính nguyên tắc trong công cuộc đổi mới: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua quan điểm này cho thấy, so với các Đại hội trước, Đại hội XIII lần này bổ sung thêm vấn đề: “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”.
Quan điểm 5 nêu những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, trong các nhân tố có ý nghĩa quyết định, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố hàng đầu.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Internet
Trong các bài học kinh nghiệm, bài học về xây dựng Đảng được tổng kết đầu tiên: “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.”
Nội dung công tác xây dựng Đảng
Trước hết, về mục tiêu tổng quát, văn kiện Đại hội XIII xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
So với Đại hội XII, văn kiện Đại hội XIII ngoài việc bổ sung “hệ thống chính trị” trong nội dung “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, đã bổ sung thêm“năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”.
Về định hướng công tác xây dựng Đảng, Đại hội XIII nêu rõ: Trong những năm tới “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng;…”.
Như vậy, so với Đại hội XII, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII bổ sung nội dung xây dựng Đảng về “cán bộ” cùng với các nội dung xây dựng Đảng về “chính trị, tư tưởng, đạo đức”. Đây là điểm mới, điểm nhấn rất rõ nét trong nội dung công tác xây dựng Đảng thể hiện trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII.
Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Trong những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn kiện Đại hội XIII bổ sung yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời, Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong nội dung những giải pháp mà văn kiện Đại hội XIII đề ra nhằm đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, giải pháp đầu tiên được Đảng dành cho công tác xây dựng Đảng: “Kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng; giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng. Không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”.
Nếu so chiếu với các kỳ Đại hội trước về nội dung này thì tại Đại hội XIII, lần đầu tiên “phương thức lãnh đạo”của Đảng được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với “phương thức cầm quyền” và “Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng” là một điểm mới, điểm nhấn quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng.
Minh Hảo