Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt quan trọng vào năm 2009, với 45 điểm di tích thành phần nằm rải rác trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là điểm đến yêu thích của người dân, du khách trong và ngoài nước từ nhiều năm qua. Hiện Di tích đã có 6 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan như: Đồi A1, hầm Đờ Cát, đồi D1, Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng... Các di tích thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, giữ nguyên được giá trị lịch sử cũng như vẻ trang nghiêm khiến du khách không khỏi bồi hồi bởi tầm vóc và quy mô hoành tráng.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, lượng du khách đến thăm quan các điểm di tích trong Di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ hằng năm chiếm từ 40- hơn 50% lượng khách đến Điện Biên. Điều đó cho thấy sức hút của Di tích này đối với du khách trong và ngoài nước, là cơ sở để tỉnh đưa Di tích trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du khách thăm quan khu di tích Đồi A1
(Nguồn: vietnamtourism.gov.vn)
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tiếp nhận và hoàn thiện hồ sơ 74 hiện vật trang bị vũ khí cấp 5 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bàn giao; xây dựng 02 băng hình (video clip) tuyên truyền giới thiệu tài liệu, hiện vật, sự kiện, nhân vật liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng đã mở cửa 730 buổi, phục vụ trên 155,6 nghìn lượt khách tham quan, trong đó, có gần 3 nghìn lượt khách quốc tế; thực hiện sưu tầm 120 hiện vật, nâng tổng số hiện vật có trong Bảo tàng lên 4.448 hiện vật; thực hiện 04 cuộc tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại các trường học trên địa bàn tỉnh; tổ chức 04 chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sỹ Điện Biên” cho các em học sinh. Thực hiện bảo quản trị liệu 154 hiện vật kim loại, tre, gỗ trong kho cơ sở và Nhà trưng bày; xây dựng 01 sưu tập hiện vật. Ban Quản lý di tích đã triển khai nghiên cứu, khảo sát tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của các điểm di tích ngày càng hiện hữu, một số di tích đang chịu tác động rất lớn của các yếu tố tự nhiên và con người, nguy cơ bị xâm lấn, hư hỏng. Một số di tích quốc gia đã được trùng tu, tôn tạo song chủ yếu là chống xuống cấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa bố trí được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nên chưa đáp ứng yêu cầu khai thác phục vụ khách tham quan...
Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả khai thác các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các di tích, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và khai thác di tích. Tăng cường công tác truyền thông, tiếp thị, quảng bá bằng nhiều hình thức đến các thị trường du lịch; tham gia các hội chợ, hội thảo, các triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên với hệ thống giá trị di tích lịch sử đặc sắc và nổi bật. Đặc biệt chú trọng, quan tâm việc đào tạo nhân lực làm du lịch.
Tỉnh Điện Biên tăng cường thuyết minh viên phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích
(Nguồn: vov.vn)
Định hướng đầu tư, trùng tu tôn tạo có trọng điểm, tập trung vào từng điểm và cụm di tích lịch sử, những điểm di tích có lợi thế nổi bật về tiềm năng nhằm phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Thực hiện có hiệu quả phương châm khai thác di tích lịch sử phục vụ du lịch gắn liền với công tác bảo tồn để giữ gìn giá trị của di tích. Xây dựng các tuyến điểm du lịch trên cơ sở các di tích lịch sử với các loại hình du lịch như: du lịch văn hóa, tham quan di tích lịch sử nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch.
Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường và trật tự xã hội. Nghiên cứu, xây dựng đề án xác định và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Điện Biên trong mối quan hệ với hệ thống sản phẩm nổi trội của các địa phương phụ cận.
Kiều Ngân