70 năm về trước, Điện Biên Phủ là mảnh đất hoang sơ, đổ nát do tàn phá của chiến tranh khốc liệt, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Thế nhưng với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dốc sức, đồng lòng đưa Điện Biên Phủ trở thành một thành phố trẻ với vóc dáng mới, diện mạo mới bừng sáng nơi cực Tây Tổ quốc.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu – Chấn động địa cầu”, đập tan ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Thắng lợi cuộc kháng chiến ấy đã chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thời điểm khi hòa bình lập lại, Điện Biên Phủ cũng chỉ còn là một bãi chiến trường với đầy vết tích của bom đạn cày xới cộng với những nỗi đau mất mát tột cùng.
Thời điểm đó, với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương” nhiều cán bộ, chiến sĩ Điện Biên khi đó cũng đã đồng lòng về quê đưa vợ, con lên chung sức cùng với nhân dân Điện Biên xây dựng lại mảnh đất mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương. Với tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ cùng với sự đồng lòng của toàn dân, Điện Biên tiếp tục bước vào "trận chiến" mới, trận chiến "xóa đói nghèo".
Sau hơn 2/3 thế kỷ, dù tuổi đã cao, thế nhưng kí ức về chiến trường Điện Biên Phủ những ngày đầu sau giải phóng vẫn in sâu trong tiềm thức của nhiều người dân thế hệ trước. Ông Vũ Văn Kiệm, người dân phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhớ lại: "Quang cảnh lúc bấy giờ hết sức hoang sơ, chỉ có 3,4 nhà ngói, từ Đồi A1 lên đến gần chợ trung tâm không có cơ quan nào cả. Điện Biên Phủ giải phóng rồi nhưng người dân vẫn còn đói khổ, nhất là đồng bào dân tộc, ngày ăn 2 bữa không no".
70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn khắc ghi truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng trong phát triển kinh tế, đoàn kết, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Từ một bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn, thấm đầy mồ hôi và máu xương của quân và dân ta, Điện Biên giờ đã thay da, đổi thịt, vươn mình trong dáng dấp một thành phố trẻ năng động, hiện đại, phát triển và hội nhập mạnh mẽ cùng cả nước. Nhiều công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng như sân bay Điện Biên Phủ kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện mạng lưới đô thị tỉnh Điện Biên đang được mở rộng và phát triển theo định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện và đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Trong giai đoạn 2020-2023, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt khoảng 20 đồ án quy hoạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 36%. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.
Những đổi thay không ngừng ấy không chỉ khiến du khách mà ngay chính người Ðiện Biên cũng không khỏi ngỡ ngàng. Ông Lò Văn Diên, người dân phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ cảm nhận: "Tôi thấy về mặt cơ sở hạ tầng rất phát triển, nhất là những năm gần đây, do đó bà con nhân dân rất phấn khởi về lĩnh vực phát triển kinh tế hạ tầng của thành phố. Bản thân tôi và bà con nhân dân cũng mong muốn phát huy nội lực để góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển".
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2022, tỉnh Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/63 tỉnh, thành trong cả nước, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt khá cao so bình quân chung cả nước, thuộc tốp đầu của 14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng và cũng là năm đầu tiên du lịch của tỉnh cán mốc 1 triệu lượt khách.
Năm nay, tỉnh Điện Biên sẽ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tổ chức năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh đã có sự chủ động trong công tác chuẩn bị và kỳ vọng tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc trong thời gian tới.
"Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên đang tập trung nỗ lực phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tạo ra bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Từ đó lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ"- ông Lê Thành Đô nói.
70 năm sau chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu và có ý nghĩa, tầm vóc mang tính thời đại, với niềm tự hào biến thành động lực mạnh mẽ cùng với sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây đã và đang đưa Ðiện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới nơi cực Tây của Tổ quốc.