Một sự kiện về năng lượng đáng chú ý đã diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua, đó là Diễn đàn Năng lượng toàn cầu 2023, được tổ chức tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Đây là lần thứ 7 sự kiện thường niên này được tổ chức, quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng, nhằm thiết lập chương trình năng lượng toàn cầu cho năm tới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Diễn đàn năm nay có ý nghĩa đặc biệt do mối quan hệ giữa an ninh năng lượng và hành động khí hậu cũng là trọng tâm tại Hội nghị COP28 do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất chủ trì trong năm nay.
Diễn đàn Năng lượng toàn cầu 2023 kéo dài hai ngày tập trung vào những thách thức trong việc quản lý song song các ưu tiên an ninh năng lượng và các nỗ lực khử carbon. Theo các chuyên gia, tác động kép từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống năng lượng toàn cầu, dẫn đến sự bất ổn về an ninh năng lượng và tốc độ của quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, cần có giải pháp và sự hợp tác khẩn cấp nhằm cải thiện an ninh năng lượng, đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu khí hậu.
Tại diễn đàn, trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò là Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên khí hậu của nước chủ nhà nhận định, khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030.
Chủ tịch Hội nghị COP28, ông Sultan Al Jaber cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với ngành năng lượng để đẩy nhanh quá trình khử carbon, giảm khí metan và tăng cường hydro. Chúng ta hãy tập trung vào việc hạn chế khí thải".
Ông Al Jaber nhấn mạnh, năng lượng tái tạo cần tăng gấp ba lên mức 23 terawatt vào năm 2030 trong khi sản lượng hydro phải tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ.
"Chúng ta đang ở bước ngoặt lịch sử. Tăng trưởng carbon thấp là tương lai, nhưng chúng ta phải đạt được điều đó nhanh hơn nữa", ông Sultan Al Jaber nói.
Tăng trưởng xanh là xu hướng được nhắc đến nhiều không chỉ tại diễn đàn lần này. Theo báo cáo vừa được công bố tuần qua của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), "Thế giới đang ở bình minh của thời đại công nghiệp mới của ngành sản xuất công nghệ năng lượng sạch". Các công nghệ năng lượng xanh như pin mặt trời, tuabin gió, pin xe điện… sẽ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Con số này lớn gấp ba lần hiện tại với điều kiện các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết về năng lượng và khí hậu.
Thị trường năng lượng thế giới vẫn còn nhiều thách thức
Nếu đặt sang một bên những nỗi lo về sự đứt gãy nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga, mà cho tới nay thế giới vẫn chưa biết rồi sẽ đi về đâu, thì năm 2023 thị trường năng lượng thế giới vẫn còn không ít vấn đề. Đầu tiên có thể kể đến là tình hình đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng khai thác dầu nhìn chung vẫn chưa được cải thiện nhiều. Thời gian qua đa phần các quốc gia bỏ mặc việc tái đầu tư vào các cơ sở hạ tầng khai thác dầu, mà nguyên nhân chủ yếu là do thời kỳ giá dầu thấp, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19, chứ không phải do chuyển hướng sang năng lượng xanh.
Sản lượng của OPEC+ hiện vẫn thấp hơn mức sản lượng mục tiêu do chính họ đề ra tới 3,5 triệu thùng/ngày. Còn nhớ một dự báo tại Vùng Vịnh từ năm 2021, tức là từ trước căng thẳng Nga - Ukraine cũng đã cho rằng giá dầu có thể bị đẩy lên tới 150 USD/thùng/ngày nếu tình hình đầu tư thiếu hụt tại các cơ sở khai thác dầu không được cải thiện. Giá dầu thực tế giờ đây có thể sẽ không đến mức đó, nhưng chỉ là do nhiều hoạt động kinh tế bị giảm sút, cận kề suy thoái mà thôi.
Với khí đốt cũng vậy, trong khi nguồn cung từ Nga bị ảnh hưởng, thì các trung tâm sản xuất khí đốt như Qatar và một số nước Trung Đông khác cho biết, sản lượng sẽ hầu như không thể thêm được gì từ nay cho tới năm 2025. Sau năm 2025, việc mở rộng các cơ sở khai thác mới bắt đầu có thể đi vào hoạt động.
Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và hướng đến tăng trưởng xanh
Hiện tại Vùng vịnh, xu thế đầu tư vào các nguồn năng lượng xanh đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Không khó hiểu khi thời gian qua các nước Vùng vịnh được bội thu nhờ giá dầu cao, đã tạo một nguồn lực đang kể cho tầm nhìn xanh của khu vực này. Như Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2050 thì năng lượng sạch có thể đáp ứng nhu cầu cho 100% các hộ gia đình. Và cũng không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, nguồn tài chính dồi dào từ các nước Vùng Vịnh còn đang được rót vào nghiên cứu và phát triển cho các giải pháp năng lượng xanh. Như năng lượng hydrogen chẳng hạn, nhiều quốc gia Vùng vịnh hiện đang đi đầu trong nỗ lực phát triển các giải pháp để sản xuất nhiên liệu hydrogen xanh, với chi phí thấp, vốn được ví von như là khí đốt vô tận của tương lai. Tầm nhìn là Vùng vịnh là khu vực này sẽ không chỉ là giếng dầu mà còn là cường quốc xuất khẩu nhiên liệu xanh ra thế giới.
Các vấn đề cấp thiết và cơ hội trên con đường hướng tới phát thải ròng bằng 0 cũng sẽ là những nội dung thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh Tuần lễ Bền vững Abu Dhabi được tổ chức trong hai ngày 15 và 16/1, tiếp sau Diễn đàn Năng lượng toàn cầu 2023. Đây cũng là cơ hội để các nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo ngành công ngiệp và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới thảo luận và đưa ra các giải pháp thực thi những thỏa thuận khí hậu đã từng được đưa ra trước đó.
Nguồn VTV