Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó nhằm tư lợi.
Tham nhũng quyền lực chính trị
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực mà thời nào cũng có, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi [2]. Nghĩa là, người có chức vụ, quyền hạn đã lạm dụng, lợi dụng quyền lực gắn với chức vụ của mình nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
Trên cơ sở nhóm lợi ích đạt được từ hành vi tham nhũng, có thể chia tham nhũng thành hai nhóm cơ bản sau:
Thứ nhất, nhóm tham nhũng gắn chủ yếu với lợi ích vật chất - tham nhũng kinh tế, hiểu theo nghĩa phổ quát là lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để thu lợi bất chính cho mình và người thân về vật chất. Biểu hiện qua các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi vật chất,...
Thứ hai, nhóm tham nhũng gắn chủ yếu với lợi ích phi vật chất - tham nhũng quyền lực chính trị, là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền lực công được giao để “thao túng quyền lực” giành quyền lực chính trị cho bản thân, cho người thân và hình thành lợi ích nhóm. Điển hình như: Lựa chọn, bố trí, bổ nhiệm con, cháu, người thân, “tay chân” thân tín, “cánh hẩu” giữ các vị trí chủ chốt để tiếp nối tham nhũng, bảo vệ lợi ích của mình lâu dài; kết nối mua chuộc, đe dọa hoặc thậm chí là khống chế để nhận được sự ủng hộ trong nội bộ; gợi ý, chấp nhận, bao che cho các hành vi chạy chức, chạy quyền để thu lợi;...
Như vậy có thể thấy, tham nhũng quyền lực chính trị có thể thao túng quyền lực cả về lập pháp, hành pháp, tư pháp và truyền thông báo chí từ đó hình thành nhóm lợi ích không chính đáng, có những “thỏa thuận ngầm” tạo ra “sân sau”, “chống lưng” cho các hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội.
Điểm chung của cả hai nhóm tham nhũng trên xuất phát từ “người có chức vụ, quyền hạn” đây là những chủ thể được Nhân dân trao quyền, đại diện Nhân dân nắm giữ quyền lực chính trị. Về bản chất, tự thân quyền lực chính trị không sản sinh ra tiêu cực mà chính những chủ thể nắm giữ quyền lực ấy trở nên thoái hóa, biến chất và lạm dụng quyền lực thu về lợi ích cho mình. Hay nói khác đi, sự lạm dụng quyền lực chính là gốc rễ của tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực khác đang tồn tại trong xã hội.
Diệt tham nhũng quyền lực chính trị là điều kiện tiên quyết diệt tận gốc các tham nhũng, tiêu cực khác
Thực tiễn chứng minh, Đảng ta đã quyết tâm và từng bước tiêu diệt dần tham nhũng, tiêu cực, trong đó có tham nhũng quyền lực chính trị.
Một là, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đầy đủ, hoàn thiện để không thể tham nhũng, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực chống chạy chức, chạy quyền ngày càng chặt chẽ, từng bước tạo ra “chiếc phanh” cơ chế, kiểm soát tốt quyền lực trong tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm cán bộ, hạn chế xảy ra tình trạng đặt “nhầm chỗ”, ngồi “nhầm ghế”, ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp nâng đỡ không trong sáng.
Hai là, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có chuyện hạ cánh an toàn” để không dám tham nhũng. Riêng trong giai đoạn 2012 - 2022, trong vòng 10 năm đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển hồ sơ cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm,...[3].
Ba là, công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”. Tháng 5/2022, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động. Đến nay, sau hơn 01 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, các vụ án kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức [4].
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nguồn: Ban Nội chính Trung ương.
Bêncạnh những kết quả nổi bật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng quyền lực chính trị nói riêng vẫn còn những hạn chế; là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” không thể xóa ngay tận gốc trong thời gian ngắn mà phải kiên trì, liên tục, lâu dài, bền bỉ. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung vào một số công việc sau đây:
Thứ nhất, nhận thức đầy đủ sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyền lực chính trị. Suy cho cùng mọi tham nhũng đều xuất phát từ lòng tham và tham nhũng quyền lực chính trị chủ yếu xuất phát từ tham vọng quyền lực. Từ tham vọng quyền lực, tham địa vị dẫn đến tham vọng vật chất và các tiêu cực khác trong xã hội. Do đó, khi chặn được tham nhũng quyền lực chính trị sẽ ngăn chặn sự sản sinh các loại tham nhũng và tiêu cực khác trong xã hội. Bên cạnh đó, cần nhận thức một cách thống nhất mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phòng, chống tham nhũng quyền lực chính trị nhằm làm trong sạch bộ máy, phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như các phần tử cơ hội chính trị đã xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ là gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của nguyên nhân”. Tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ cốt tử. Mỗi cán bộ phải thường xuyên tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm khiết, bất luận hoàn cảnh nào cũng không vướng vào tiêu cực, không động lòng tham, không ham vật chất, quyền lực; danh dự mới là điều thiêng liêng và cao quý nhất.
Thứ ba, tiếp tục kiểm soát tốt quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Đây là một trong những phương thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ [5]. Làm tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ giúp lựa chọn, bố trí đúng người vào những vị trí quan trọng, đây là “chìa khóa vàng”, là một “mắt xích” quan trọng duy trì và vận hành nhịp nhàng hoạt động quản lý của Nhà nước, bảo đảm luôn thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Thứ tư, phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực chính trị. Bảo đảm mọi quyền lực luôn được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kì ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm để không dám tham nhũng.
Thứ năm, củng cố và nâng chất hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Việc kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thành viên Ban Chỉ đạo phải trong sạch, gương mẫu có bản lĩnh; không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng, cũng như bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; luôn trung thực, liêm chính, chí công vô tư thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ sáu, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương. Có chính sách bảo vệ, đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng an tâm công tác, nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Đến nay, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối hoàn thiện, điều cần nhất lúc này là sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cả hệ thống chính trị. Chúng ta không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không chủ quan, nóng vội mà luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân.
------------------------------------------------------------------
1. Bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (ngày 30/6/2022).
Bình Yên