Ứng dụng công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh
Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), chuyên sản xuất các loại nước uống đóng chai. Năm 2023, là một năm rất thuận lợi cho doanh nghiệp này, doanh số bán hàng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp này đã tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh các sản phẩm nước uống có nguyên liệu từ trái cây và có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, cả thị trường trong nước và 14 thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tốt. Năm tới, doanh nghiệp này tiếp tục phát triển sản phẩm mới có nguồn gốc tự nhiên đồng thời chuyển sang sử dụng nguyên liệu trong nước để có nguồn cung ổn định.
“Chúng tôi tập trung vào thế mạnh của mình tạo ra sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, năm nào cũng có sản phẩm mới. Xu hướng tiêu dùng hiện nay của thế giới là dùng sản phẩm an toàn và thân thiện mới thiên nhiên”, ông Đặng Văn Hiến, Tổng giám đốc Bidrico cho biết.
Khác với doanh nghiệp ngành thực phẩm, chưa năm nào các doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM khó như năm nay, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu giảm mạnh. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, cuối năm nay, doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu 1 triệu sản phẩm, đây là tín hiệu tích cực nhất trong năm. Tuy nhiên, cả năm 2023, doanh nghiệp tăng trưởng âm, doanh thu giảm 20% so với năm 2022. Sang năm 2024, doanh nghiệp kỳ vọng thị trường xuất khẩu này tăng vào quý 4.
Chuẩn bị cho năm 2024, doanh nghiệp đẩy mạnh hoàn thiện dây chuyền sản xuất mới để nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi; chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ 3D để thiết kết, rút ngắn 1/4 thời gian so với trước, dùng laser để in, cắt, phun màu cho vải... nhờ vậy, công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn Eco, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh của Châu Âu.
“Doanh nghiệp đang chuyển đổi công nghệ mới và thay đổi từng ngày. Doanh nghiệp hướng tới các tiêu chuẩn doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh theo tiêu chuẩn EU. Doanh nghiệp đi trước nên lộ trình nên đến năm 2028 khi áp dụng tín chỉ các carbon thì doanh nghiệp chúng tôi có thể thu lại, bán cho thị trường tín chỉ carbon”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất xanh
Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM cho rằng, năm 2024, kinh tế có nhiều thuận lợi từ đà phục hồi năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ đối mặt với những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn.
Để nắm bắt cơ hội và ứng phó với những khó khăn này theo bà Vân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất sản phẩm đạt chuẩn xanh.
Bà Nguyễn Trúc Vân cho rằng, để doanh nghiệp vận dụng tốt Nghị quyết 98 sản xuất xanh, Thành phố sớm có cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và xây dựng khung cơ chế về thị trường tín chỉ carbon; xây dựng hệ thống dữ liệu về nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh.
“Vấn đề chuyển đổi kinh tế xanh thì thành phố có thể chọn 1 số ngành nghề sản xuất công nghiệp xuất khẩu để nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Chọn ở 1 khu công nghiệp vận dụng Nghị quyết 98 chuyển đổi thí điểm trước khi nhân diện rộng”, bà Nguyễn Trúc Vân khuyến nghị.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, năm 2024, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm 2023, kinh tế phục hồi, tăng trưởng ổn định hơn. Ở trong nước, đầu tư công đang được đẩy mạnh và năm 2024 sẽ tiếp tục được thúc đẩy hơn có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, những cải cách năm 2023 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2024.
Tuy nhiên, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường và tái cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển đổi sản xuất xanh. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa đang có xu hướng chững lại, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu về ngắn hạn nên hướng đến thị trường trong nước vì nhiều tiềm năng, nhất là tầng lớp trung lưu ngày càng đông sẽ là “bệ đỡ” cho sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khi thị trường thế giới phục hồi.
“Không phải thị trường thế giới phục hồi là chúng ta có cơ hội mà phải có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành để thúc đẩy, nắm bắt cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Để là động lực tăng trưởng thì chúng ta phải có vai trò của Nhà nước thúc đẩy vào cơ chế, chính sách cụ thể gì thì lúc đó cơ hội, động lực mới được phát huy”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu rõ.
Năm 2024, nhiều doanh nghiệp hy vọng thị trường phục hồi tốt hơn, sức mua dần cải thiện. Với những bước chuẩn bị như chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe, đa dạng thị trường… đang là cách tốt nhất để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chuẩn bị nhiều phương án khác để chủ động, linh họat, thích ứng với những biến động khó lường của thị trường hiện nay.
Lệ Hằng/VOV-TPHCM