1. Độc lập là quyền bất khả xâm phạm, quyền tối cao của một đất nước, quốc gia, dân tộc gắn với cộng đồng cư dân sinh sống ở đó; đó là “sự không phụ thuộc” của cá nhân, tập thể, xã hội, quốc gia - dân tộc này vào cá nhân, tập thể, xã hội, quốc gia hay dân tộc khác. Độc lập mang ý nghĩa tương phản với nô dịch - chịu sự điều khiển về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa…của ngoại bang. Tự do là khát vọng ngàn đời của nhân loại. Khi xã hội có giai cấp, kẻ mạnh áp đặt và tước đoạt những quyền hiển nhiên của kẻ yếu; nước lớn cướp quyền tự chủ và nền độc lập của nước yếu. Tự do đích thực là sự thể hiện cao nhất của văn minh, được xây dựng trên cơ sở văn hóa, pháp luật, được xã hội tôn trọng.
Có độc lập, tự do đích thực sẽ đem lại cuộc sống trong ấm no, hạnh phúc, không sợ hãi về chiến tranh, xung đột, bạo loạn xảy ra tước đoạt tính mạng cá nhân. Về lý thuyết, dân tộc nào sinh ra đều có quyền bình đẳng, đều được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, có những dân tộc bị thôn tính, mất độc lập, mất tự do, lệ thuộc vào dân tộc khác, thậm chí bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Dân tộc Việt Nam là một điển hình, trở thành tấm gương sáng cho nhiều dân tộc trên thế giới về sự kiên cường giữ vững độc lập, tự do từ thời Hùng vương dựng nước, qua thời kỳ chống phong kiến phương Bắc, đến thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược.
2. Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng mà còn là hệ giá trị to lớn, trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh của thế hệ nối tiếp thế hệ con người Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), thì ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 49 về việc ghi tiêu đề: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất; bên dưới là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trên các công văn, điện văn, công điện, trát, đơn từ, báo chí, chúc từ… Nhưng, thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại bị thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ phá bỏ. Vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, không cam tâm làm nô lệ, không để quyền sống của mỗi người dân Việt Nam lại bị tước đoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thề quyết tâm cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước tiến hành trường kỳ chống thực dân Pháp với tinh thần và ý chí: thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ký kết Hiệp định Giơnevơ, kết thúc cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Nhưng đế quốc Mỹ bà bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm lại đẩy sâu thực hiện âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam, dựng lên cái gọi là “Việt Nam cộng hòa”, tạo nên tình cảnh đôi bờ sông Hiền Lương đối lập: phía Nam là Việt Nam cộng hòa – thực hiện âm mưu chia cắt đất nước, đứng đầu là Ngô Đình Diệm đi theo ý đồ của đế quốc Mỹ; phía Bắc là Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện ý chí thống nhất Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì yêu chuộng hòa bình, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng tất cả ý chí, nghị lực, quyết tâm, quyết thắng. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đến đồng bào cả nước chân lý: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”!
Đó là sự kế thừa, nối tiếp tinh thần, ý chí quyết giành và giữ vững “độc lập, tự do” cho dân tộc đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ nói hộ tiếng lòng khát vọng của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống và hạnh phúc của mình. Thực hiện lời kêu gọi đó, toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975; kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tập tan bọn tay sai bán nước.
3. Giá trị, ý nghĩa của độc lập, tự do là rất to lớn mà dân tộc nào cũng phấn đấu nhưng không phải dân tộc nào cũng có được. Bất kỳ cá nhân có văn hóa, có nhận thức về giá trị truyền thống đều trân trọng, cháy bỏng khát vọng, muốn cống hiến tài năng, sức lực của mình cho Tổ quốc độc lập, tự do. Chỉ có kẻ phản quốc, hại dân mới cố tình xuyên tạc, bóp méo, bẻ cong, phủ nhận giá trị độc lập, tự do của Tổ quốc.
Gần đây, một số kẻ nhân danh “đấu tranh cho tự do”, “dân chủ, nhân quyền”, hô hào “tự do ngôn luận”... nhưng thực chất là “phản tự do”, thường bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, đòi hòi các quyền ấy một cách vô lối.
Có những kẻ còn cố tình xuyên tạc, lái câu nói của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập và tự do” sang một hướng khác rằng: “lẽ ra phải và nên được hiểu là không có gì quý hơn độc lập và tự do của người khác”; xuyên tạc chính quyền cách mạng đã “lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để cướp đoạt độc lập và tự do từ tay nhân dân”; cộng sản miền Bắc “nhân danh độc lập và tự do để chiếm đoạt độc lập và tự do của muôn triệu người khác ở miền Nam” (!).
Dù kẻ thù có tuyên truyền như nào đi chăng nữa, nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới vẫn không thể tin vào luận điệu sai sự thật cho rằng: “cộng sản miền Bắc cướp tự do của miền Nam”. Sự thật là chính quyền Ngô Đình Diệm dựa vào đế quốc Mỹ để thực hiên âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam làm hai nửa với hai chế độ chính trị khác nhau. Đến mức, năm 1964, các du kích quân Caracas ở Venezuela đã bắt cóc một sĩ quan Mỹ làm con tin đỏi Mỹ phả trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, sau khi họ trả tự do cho con tin Mỹ thì ở Việt Nam, bọn ác ôn vẫn xử tử anh Trỗi.
Những người yêu nước chân chính (Việt Nam và thế giới) đều rất hiểu, trân trọng và quyết tâm bảo vệ giá trị độc lập, tự do của Tổ quốc. Song, những kẻ phản quốc lại tìm cách phủ nhận, hòng xóa nhòa giá trị ấy. Hiểu rõ lịch sử, trân trọng giá trị truyền thống, đặc biệt là giá trị được xây đắp từ sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ tiền nhân là cơ sở, nền tảng để mỗi người hiểu đúng, trân trọng và ra sức bảo vệ, vun đắp giá trị độc lập của Tổ quốc, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Quản Văn Sỹ