Thoạt nhìn vào thực trạng ngày nay, có lẽ không ít người cho rằng, các công cụ thông minh sẽ sớm thay thế hoàn toàn phương thức đọc sách báo truyền thống trong hoạt động tiếp thu tri thức và thông tin của con người hiện đại. Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng, “việc đọc sách trong bối cảnh hiện nay không cần thiết như trước”, bài viết lại muốn nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thay thế của văn hóa đọc, nhất là ở phương diện phát triển trí tuệ.
Sách giấy và sách điện tử sẽ cùng đồng hành trong sự phát triển của văn hóa đọc. Ảnh: toquoc.vn
Ngày nay, mạng xã hội dường như đã thay thế hầu hết cac chức năng của sách báo. Trên thực tế, mạng xã hội đã thực hiện rất tốt vai trò truyền tải thông tin bằng hình ảnh, có tác dụng tích cực đối với người xem. Mặt khác, mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin khi chúng ta đang bận làm các công việc khác (như lái xe), đồng thời giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian. Song liệu sự ra đời của mạng xã hội có thay thế được văn hóa đọc để giúp con người hiểu biết thêm nhiều về thế giới xung quanh không?
Phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy công chúng tham gia vào mạng xã hội sẽ được cung cấp một mớ tổng hợp các yếu tố từ các dữ liệu và con số,... Tất cả nhằm giúp họ dễ dàng đi đến “quyết định” mà không tốn nhiều công sức. Họ đưa vào đầu mình một loạt chính kiến giống như một băng cassette vào trong máy cassette. Sau đó họ chỉ nhấn nút và “phát lại” chính kiến đó khi nào thấy thích hợp. Nhiều người đã lạm dụng chúng và họ bị rơi vào mặt trái của truyền thông là hành động mà không cần suy nghĩ! Chúng có thể cho chúng ta cảm tưởng rằng trí óc của ta hoạt động vì chúng yêu cầu ta phản ứng trước những kích thích từ bên ngoài. Nhưng sức mạnh khiến ta tiếp tục hành động từ những kích thích ấy lại rất hạn chế. Chúng giống như ma túy. Chúng ta dần quen với chúng và ngày càng cần nhiều hơn. Cuối cùng, chúng càng lúc càng ít tác dụng cho đến khi không còn gì nữa. Như vậy, nếu thiếu các nguồn lực nội tại, chúng ta sẽ ngững phát triển về trí tuệ, tinh thần và đạo đức, tức là ta bắt đầu chết đi!
Như vậy, bạn chỉ có thể đọc sách theo một cách duy nhất – tự đọc mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Bằng năng lực, trí tuệ của mình, bạn phải tìm cách làm sáng tỏ những con chữ trước mắt cho từ hiểu ít, bạn dần hiểu nhiều hơn. Sự tiến bộ bạn đạt được qua quá trình vận dụng trí óc, đào sâu suy nghĩ được gọi là đọc có kỹ năng. Đây là cách đọc những cuốn sách thách thức khả năng hiêu rõ vấn đề của bạn. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều hơn.
Sự khác biệt giữa đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết còn phức tạp hơn. Khi ta đọc báo, tạp chí hay bất cứ loại tài liệu nào mà ta hoàn toàn hiểu ngay được bằng kỹ năng và trình độ của mình thì những điều đó có thể tăng thêm lượng thông tin cho chúng ta, nhưng không thể cải thiện khả năng am hiểu vì mức độ hiểu của ta trước và sau khi đọc vẫn bằng nhau. Đây là đọc để lấy thông tin.
Khi một người cố gắng đọc một thứ gì đó mà ban đầu họ không hiểu thấu đáo, thì có thể chính thứ đó sẽ làm tăng khả năng hiểu biết của người đọc. Nếu không có sự mất cân bằng trong chuyển tải vấn đề giữa tác giả và độc giả, thì con người không bao giờ có thể học hỏi lẫn nhau. Ở đây, từ “học” nghĩa là hiểu biết thêm, chứ không phải nhớ thêm những thông tin dễ hiểu giống như các thông tin bạn đã có.
Một người có trình độ không gặp khó khăn gì trong việc thu thập những thông tin mới qua quá trình đọc, nếu các dữ kiện đó giống những gì anh ta đã biết. Ví dụ, một người biết và am hiểu một số dữ kiện về lịch sử Việt Nam, theo một hướng tiếp cận nào đó, có thể dễ dàng đọc để thu thập thêm thông tin và vẫn hiểu các thông tin theo cách tương tự. Nhưng giả sử anh ta đọc một cuốn sách lịch sử, trong đó đưa ra một luồng tư tưởng mới, mang tính khám phá hơn, và anh ta tìm cách để hiểu bằng được, tức là đọc để hiểu biết, chứ không phải chỉ lấy thông tin. Rõ ràng, người đó đã nâng mình lên nhờ chính hoạt động của bản thân.
Đọc sách, theo nghĩa truyền thống, vẫn luôn là hoạt động nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ một cách khoa học, lành mạnh. Văn hóa đọc cũng làm phong phú hơn đời sống tinh thần của cộng đồng, xã hội. Hy vọng, mỗi chúng ta càng yêu mến những trang sách hơn. Đọc sách không chỉ tốt cho chính bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp mà nó còn giúp ta không ngừng khai mở khả năng nhận thức và hành động trong mỗi con người.
Phương Nam