Mạng Internet từ khi ra đời đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong đời sống kinh tế - xã hội của con người, tạo ra một không gian văn hóa riêng mang đặc trưng của thời đại khoa học công nghệ. Trong không gian văn hóa ấy, hành vi và thái độ của con người vừa phản ánh những giá trị hiện hữu, vừa cho thấy những giá trị mang "tính ảo", vừa mang lại những điều tích cực, lại vừa đặt ra những thách thức cho cuộc sống hiện nay.
Không gian văn hóa mạng. Ảnh minh họa
Văn hóa mạng là một phong trào xã hội và văn hóa rộng lớn, đa dạng, phức tạp của các cộng đồng trực tuyến gắn liền với khoa học thông tin và công nghệ thông tin. Không thể phủ nhận sự tồn tại và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của văn hóa mạng, phê bình mạng trong đời sống hiện nay, nhất là dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số, đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam những năm gần đây đã có những thay đổi và phát triển theo chiều hướng phân cực rõ nét. Mạng xã hội, với tầm ảnh hưởng và tính thân thiện, đã trở thành “chiến trường” thực sự khi những Facebooker (người dùng Facebook) hay YouTuber (người sáng tạo trên nền tảng YouTube)… xuất hiện. Theo đó, “YouTube trở thành nền tảng video mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam khi tiếp cận hơn 50 triệu người trưởng thành và trở thành nền tảng mạng xã hội có nội dung đa dạng nhất. Và hơn 55% thời lượng nội dung do các kênh ở Việt Nam sản xuất được xem bởi tài khoản ở nước ngoài”[1]. Chính sự yêu thích của người dùng Việt Nam đã giúp YouTube trở thành nền tảng video mạng xã hội số số 1 tại Việt Nam khi nói đến tính đa dạng về nội dung.
Và câu chuyện nan giải bắt đầu nảy sinh từ chính sự “đa dạng” nhưng rất khó quản lý trong môi trường văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Việc bảo vệ biên cương về văn hóa tư tưởng trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Những hiện tượng phản văn hóa trên không gian mạng đã và đang xuất hiện cần phải bị loại bỏ bởi những giải pháp mạnh và phù hợp.
Biến dạng văn hóa đọc
Các mạng xã hội luôn tìm cách phát triển theo hướng để cho người dùng ngày càng tương tác nhiều hơn, duy trì sự theo dõi và “lướt” nhanh hơn. Chẳng hạn, từ tháng 7/2020, Facebook bắt đầu phát triển mục “Chủ đề hot” với mục tiêu “Khám phá các chủ đề nổi bật và phổ biến nhất trên Facebook và Instagram mỗi tháng. Từ việc khám phá và thu thập thông tin chủ đề theo quốc gia, theo nền tảng và theo thời gian (mỗi tháng), các nhà thiết kế đã sử dụng các thông tin chi tiết này để tạo thông điệp phù hợp, cập nhật chiến lược theo mùa và bắt kịp văn hóa, cũng như đối tượng”. Theo cách làm này, hằng tháng, chủ đề nóng lựa chọn các đề tài thảo luận trên Facebook và Instagram có nội dung tăng ít nhất gấp đôi so với tháng trước. Nội dung thường liên quan đến tin tức, sự kiện xã hội và văn hóa. Các chủ đề trò chuyện này làm tăng đột biến số lượng lớn nội dung đăng trong một tháng cụ thể. Chính nhờ cách luôn hướng về sự tương tác của khách hàng nên các công cụ mạng xã hội đã giúp người đọc kết nối với nhau “theo chiều rộng” và làm biến mất dần văn hóa đọc.
Hành vi phản cảm, ứng xử vô văn hóa
Trên mạng xã hội, các hành vi phản cảm, ứng xử vô văn hóa ngày càng lan tràn: những thông tin lá cải, tin tức hot về giới showbiz, scandal của những người nổi tiếng, các chiêu trò đánh bóng tên tuổi, lăng xê, tung ảnh nóng, hiện tượng ném đá hội đồng, cuồng “like”, comment “bẩn”, háo danh trên mạng, anh hùng bàn phím... ngày càng phổ biến. Ngôn ngữ mạng (ngôn ngữ thời @, ngôn ngữ tuổi teen…) đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Trung bình khoảng 10 ngày, sẽ có một xu hướng, lôi kéo rất nhiều người bình luận và chia sẻ. Những “vụ việc” đình đám, những “hot trends” (xu hướng nổi cộm) xuất hiện và xu hướng sau thay thế cho xu hướng trước đã được các YouTube, Facebook xây dựng thành những “nội dung "giật tít", "câu view", thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương, gây hoang mang trong nhân dân”[2].
Văn hóa tranh luận hỗn loạn, lệch lạc, khó kiểm soát
Tranh luận chính là một phương thức tìm ra kiến giải mới, tiệm cận tới chân lý gần hơn, thông qua tranh luận để góp phần thúc đẩy sự phát triển. Gia tăng tranh luận có thể xem là một tín hiệu tích cực cho lộ trình hướng tới một xã hội dân chủ, văn minh. Nhưng văn hóa tranh luận đang bộc lộ những khiếm khuyết, lệch lạc… Thời gian qua chúng ta đã và đang chứng kiến trên mạng xã hội không ít những các YouTube, Facebook đã thực hiện theo xu hướng “bỏ bóng đá người”, lao vào công kích cá nhân tìm cách loại bỏ những người có chính kiến hoặc cách nhìn không tương đồng và tụ họp thành nhóm những người đồng tình. Từ đó, sau một thời gian, mỗi người sẽ chỉ cung cấp cái nhìn một chiều, đọc được những lời bình luận vừa với ý mình và không chấp nhận các quan điểm khác mình.
Đây là điều nguy hại cho văn hóa tranh luận, mà nguy hại hơn khi mạng xã hội đang dẫn dắt người ta vào những hành xử như vậy. Bảo thủ về quan điểm, cùng hội chứng đám đông đang đẩy đa số người phát ngôn trên mạng sa vào tình trạng “đặc quyền” quan điểm, không cần tôn trọng đối thủ trong tranh biện, và tha hồ sử dụng lời lẽ thô tục, công kích, thậm chí “chụp mũ” người đối thoại. Điều này không chỉ làm tổn thương uy tín của bản thân mà còn làm mất đi tinh thần cao cả, trong sáng và cầu thị trong văn hóa tranh luận.
“Đánh cược” giá trị bản thân dựa trên ý kiến của người khác
Có một thực trạng đáng báo động khi trên không gian mạng, càng ngông cuồng hay càng chửi thì lại càng thu hút sự chú ý và lượng view tăng chóng mặt. Từ đó, với số người theo dõi lớn, họ trở thành các KOLs (Key opinion leaders - những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng ở trên mạng). Các trang truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và Twitter thúc đẩy mạnh mẽ mong muốn được chấp thuận, nơi người dùng tìm kiếm lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận. Điều này đã khiến các cá nhân đặt giá trị bản thân dựa trên ý kiến của người khác thay vì giá trị vốn có của họ dẫn đến sự thiếu tính xác thực và “vốn văn hóa” hời hợt - nơi các cá nhân ưu tiên thể hiện một hình ảnh hoặc tính cách cụ thể (tức là “vống” vấn đề lên theo kiểu đao to búa lớn) hơn là sống thật với chính mình.
Những vấn đề trên đã ảnh hưởng lớn đến định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong môi trường văn hoá mới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước giai đoạn này đó chính là xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Do vậy, chấn hưng, phát triển văn hóa chẳng phải điều gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết ở việc xây dựng con người văn hóa từ những nội dung cụ thể như ứng xử trên mạng xã hội.
[1] Nhĩ Anh, Hơn 73% người trưởng thành Việt Nam sử dụng YouTube; https://vneconomy.vn/hon-73-nguoi-truong-thanh-viet-nam-su-dung-youtube.htm
[2] Văn Thắng, Làm rõ một kênh YouTube đưa tin sai sự thật liên quan đoàn “sư Thích Minh Tuệ”; https://baodongthap.vn/phap-luat/lam-ro-mot-kenh-youtube-dua-tin-sai-su-that-lien-quan-doan-su-thich-minh-tue--122901.aspx
Phương Nam