1. Ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng đối với phát triển nhanh và bền vững
Nhìn ở mọi góc độ của đổi mới mô hình tăng trưởng, ta đều thấy đó là cách thức cơ bản, chủ yếu để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững:
(1) Nhìn từ đầu vào, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế (TTKT) tức là đổi mới cách thức huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo hướng hợp lý và hiệu quả; chuyển cách thức tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên (TTKT theo chiều rộng), sang TTKT chủ yếu dựa vào năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) hay nói cách khác là chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (TTKT theo chiều sâu). TTKT theo chiều sâu là nền tảng bảo đảm cho TTKT nhanh và bền vững. Đổi mới mô hình TTKT từ chủ yếu theo chiều rộng sang theo chiều sâu là cách thức căn bản để đạt được TTKT trong dài hạn, là chìa khóa để vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
(2) Nhìn từ đầu ra, đổi mới mô hình TTKT là đổi mới cách thức sử dụng GDP theo hướng hiệu quả, bảo đảm TTKT không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Theo đó phải giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng. Đối với các nước đang phát triển phải bảo đảm tốc độ tăng tích lũy tài sản lớn hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng, phải thúc đẩy xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và mở rộng thị trường nội địa, như vậy mới bảo đảm TTKT chủ động và bền vững. Nếu xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thì mức độ phụ thuộc của nền kinh tế sẽ tăng lên và không thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.
(3) Nhìn từ cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình TTKT tức là phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tham gia một cách chủ động, hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Chỉ có cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta mới thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
(4) Nhìn từ thể chế kinh tế, đổi mới mô hình TTKT tức là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế; kiểm soát tham nhũng… Hoàn thiện thể chế kinh tế sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, giúp cho khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận cơ hội và nguồn lực một cách dễ dàng, thuận lợi hơn. Đối với bộ máy quản trị quốc gia, hoàn thiện thể chế kinh tế một mặt sẽ cung ứng các thể chế tích cực thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của các chủ thể khác trong nền kinh tế; mặt khác, tạo ra những thể chế cho sự vận hành của chính mình. Như vậy, nhìn tổng thể hoàn thiện thể chế kinh tế sẽ góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm TTKT nhanh và bền vững.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp cơ bản để đổi mới mô hình tăng trưởng
2. Kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng và tác động đối với phát triển nhanh, bền vững ở nước ta giai đoạn 2011-2020.
Nhìn từ đầu vào: Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng đã góp phần: (i) Huy động các nguồn lực tăng trưởng ngày càng hợp lý hơn. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo đúng chủ trương “thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”(2). Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,7% năm 2015, lên khoảng 46,9% năm 2020. Tốc độ tăng vốn và lao động giảm mạnh, tốc độ tăng TFP tăng mạnh từ 0,54%/năm giai đoạn 2006-2010, lên 2,06%/năm giai đoạn 2011 - 2018; (ii) Hiệu quả sử dụng các nguồn lực tăng lên. Hệ số ICOR của nền kinh tế giảm từ 6,3 lần giai đoạn 2011 - 2015 xuống khoảng 6,1 lần giai đoạn 2016 - 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng lên, giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3% và giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%; (iii) Đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015, lên khoảng 44,4% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,3%, vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%).
Những tác động của đổi mới mô hình TTKT nhìn từ đầu vào nói trên đã góp phần cho TTKT nước ta từng bước vững chắc. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, sau đó lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (đạt khoảng 6%), là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện (3). Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 300 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 2,58 lần so với năm 2010. Đổi mới mô hình TTKT những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhìn từ đầu ra: Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng đã góp phần làm cho: (i) Tốc độ tăng tích lũy tài sản có xu hướng cao hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng, bảo đảm sự chủ động của nền kinh tế. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên, tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống; (ii) Xuất khẩu ròng có đóng góp tích cực vào TTKT. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có chiều hướng tăng lên, giảm sự phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài; (iii) Thị trường trong nước ngày càng mở rộng, theo đúng định hướng của Đại hội XII đề ra là TTKT không chỉ dựa vào xuất khẩu, mà còn dựa vào cả thị trường trong nước; (iv) Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát kiểm soát ở mức thấp dưới 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm dưới 3% năm 2020, tỷ lệ nợ công giảm còn khoảng 52% năm 2020, vượt so với mục đề ra (4).
Nhìn từ cấu trúc nền kinh tế: Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng đã góp phần thúc đẩy: (i) TTKT giảm dần phụ thuộc vào ngành nông, lâm, thủy sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tăng dần dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; (ii) Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 14,3 năm 2016 lên khoảng 20% năm 2020; của ngành khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016, xuống khoảng 7% năm 2020. Những tác động của đổi mới mô hình TTKT nhìn từ cấu trúc nền kinh tế nói trên đã góp phần to lớn trong thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhìn từ thể chế kinh tế: Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng nhìn từ góc độ thể chế kinh tế đã góp phần: (i) Hình thành hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt, góp phần phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn; (ii) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 18 bậc so với năm 2010. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng mạnh, năm 2020 đứng ở vị trí thứ 42/131 quốc gia/nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ thứ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2010 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019. (iii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được nhiều kết quả. Những tác động của đổi mới mô hình TTKT nhìn từ thể chế kinh tế nói trên đã góp phần khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
3. Định hướng và giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình TTKT ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
- Định hướng lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh định hướng lớn về đổi mới mô hình TTKT nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và những năm tiếp theo là: “Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước” (5).
- Giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng:
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhấn mạnh vào các giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt định hướng lớn nói trên, cụ thể là (6):
Thứ nhất, phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế kinh tế. Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tháo gỡ tình trạng không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Thứ hai, đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
Thứ ba, tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Thứ tư, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ năm, gắn kết chặt chẽ đổi mới mô hình TTKT với cơ cấu lại nền kinh tế. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại.
PGS, TS Nguyễn Thị Thơm
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo Nhân dân điện tử)
----------------
(1), (3), (5), (6) Bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
(2) Nghị quyết 05-NQ/TW khóa XII ngày 01-11-2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
(4) Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21-02-2017 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01-11-2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng.