Vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh
Đánh giá về những kết quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng (2021) chỉ rõ: “công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”[1]. Đặc biệt, Đảng ta đã nhấn mạnh những kết quả đạt được trong việc chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”[2]. Đây là một bước tiến rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn khi các thế lực thù địch ra sức lợi dụng không giang mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các tỉnh. Ở tỉnh nào, cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhận thức sâu sắc, quan tâm chỉ đạo sát sao thì nhiệm vụ chính trị này được triển khai đồng bộ, bài bản, đạt kết quả tốt và ngược lại, ở tỉnh nào, cán bộ lãnh đạo có biểu hiện xem nhẹ, lơ là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này một cách qua loa, hình thức, đối phó, kém hiệu quả. Mặt khác, do hạn chế về năng lực, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo chủ chốt nên “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời".
Bên cạnh những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo - như Đại hội XIII chỉ rõ - bản thân một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt về lý tưởng cách mạng. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị nói chung, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng".
Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới, nhất thiết phải phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.
Một là, tăng cường giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần tiếp tục nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cũng phải ý thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Từ đó, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên định về lập trường tư tưởng, tránh sa vào những biểu biện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần được thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, tri thức khoa học, kỹ năng nhận diện và đấu tranh với những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đồng thời cần thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện những quy định về trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; trong đó quan trọng nhất là quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Quy chế cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo cấp cấp nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nói riêng khi tham gia Ban Chỉ đạo để có cơ sở kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể này. Trên cơ sở của quy chế hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần có những chủ trương, chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương diện cụ thể. Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần phải xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát các cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chỉ đạo xây dựng các phương án sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện, các mô hình, cách thức triển khai để nhân rộng, lan tỏa các kết quả tốt, sáng tạo,đồng thời kịp thời rút kinh nghiệm những cách làm chưa hiệu quả, chưa phù hợp.
Bốn là, phát huy vai trò giám sát, phản biện của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, phản biện việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn có ý thức “tự soi”, “tự sửa”.
Năm là, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm “nêu gương”, nhất là người đứng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, “nêu gương” đã trở thành trách nhiệm không thể thiếu của người cán bộ, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Do đó, thời gian tới, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cần tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn nữa vào Ban Chỉ đạo 35 các cấp; đồng thời phải tiếp tục nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của mình trong kiên định về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm túc những quy định của Đảng, của cơ quan, đơn vị.
Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, nhiều thách thức nên cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý, đặc biệt là người đứng đầu.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.91
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.168
Chiên Lê