Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên khai sinh là Hạ Bá Cang (thường gọi là Sáu Cang), sinh ngày 28-5-1905 tại làng Đáp Cầu, tổng Đỗ Xã, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí thuộc lớp cán bộ sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước những năm 1925-1926, khi học tại Trường Kĩ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tích cực tham gia phong trào bãi khoá, biểu tình phản đối chính quyền thực dân, đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Bị chính quyền thực dân đuổi học, đồng chí lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) xin làm thợ nguội, rồi sau đó về làm thợ sửa chữa máy ở mỏ than Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng).
Năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niêndo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và hoạt động tích cực trong các phong trào của Hội.
Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động, tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đảng.
Năm 1930, đồng chí Hoàng Quốc Việt gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng.Tháng 5-1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng, Hỏa Lò rồi đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, đã ban bố một số quyền tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, đồng chí được trả tự do, nhưng bị quản thúc ở quê nhà (Đáp Cầu - Bắc Ninh). Đầu năm 1937, đồng chí trốn ra Hà Nội cùng với các đồng chí Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác tham gia khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động báo chí công khai của Đảng.
Cuối năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, đồng chí về hoạt động ở Bắc Ninh, Bắc Giang chắp nối xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức hoạt động công khai, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ…
Năm 1941, đồng chí tham dự Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, được cử vào Ban Chấp hành và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Sau Hội nghị, đồng chí tích cực tham gia truyền đạt Nghị quyết, xây dựng, kiện toàn tổ chức Đảng và thực hiện công tác vận động quần chúng tại các địa phương, như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.., chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Tháng 8 - 1945, với tư cách là đặc phái viên của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt được phái vào Nam hoạt động. Đồng chí đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đến các đồng chí lãnh đạo các địa phương về chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh một cách kịp thời, đầy đủ.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình Nam Bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ giải quyết hàng loạt công việc cấp bách, xây dựng củng cố lực lượng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đầu năm 1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập ra miền Bắc, giao nhiệm vụ phụ trách công tác dân vận, mặt trận và công đoàn. Do đó, đồng chí là người có công lớn trong việc hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt, góp phần vào việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần “một dân tộc, một mặt trận”.
Ảnh đồng chí Hoàng Quốc Việt (hàng đứng, thứ hai từ phải qua trái) cùng các đồng chí,Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí lãnh đạo tại Việt Bắc năm 1949. Ảnh Tư liệu.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua thực tiễn lãnh đạo công tác Mặt trận trong kháng chiến, đồng chí đã nêu lên 5 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất: Thương lượng, dân chủ, thống nhất hành động, tôn trọng tính độc lập của tổ chức, thân ái hợp tác giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đầu năm 1950, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đảm trách cương vị đó cho tới năm 1978. Suốt 28 năm liên tục làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn dồn công sức, trí tuệ, gắn bó, thúc đẩy phong trào công nhân và công đoàn phát triển về mọi mặt, đáp ứngyêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận,kiêm Trưởng ban Mặt trận của Đảng.Trên cương vị Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ.
Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã luôn đề cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, tổ chức các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Bằng nhiều hình thức phong phú và linh hoạt, với tài thuyết phục, sự giản dị, gần gũi với mọi người của một chiến sĩ cộng sản lăn lộn lâu năm trong đấu tranh cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện để Mặt trận thống nhất có cơ sở thật sự vững chắc và rộng khắp.
Năm 1960, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và là Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nước ta. Với 16 năm (1960-1976) trên cương vị Viện trưởng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân xứng đáng là một trong những công cụ trọng yếu của nhà nước dân chủ nhân dân, để pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và thống nhất, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với các thế lực phản cách mạng.
Trên các cương vị được giao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật và ý chí chiến đấu, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng, trở thành một trong những nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, suốt đời phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, để lại một hình ảnh đẹp về người cộng sản chân chính trong lòng mọi người.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt đã khẳng định: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”[1].
Công lao và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn. Đồng chí đã đi xa nhưng cuộc đời cao đẹp của đồng chí vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong lòng nhân dân ta.
[1]Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Quốc Việt, Báo Nhân Dân,ngày 31-12-1992.
Quang Minh