Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu còn có các tên khác là Nguyễn Văn Trọng, Thu- một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn tận tâm, tận lực phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Nguyễn Chí Diểu đảm nhiệm Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định rồi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ. Người đảng viên cộng sản Nguyễn Chí Diểu hoạt động không ngừng nghỉ, cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng Nam Kỳ
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, trong một gia đình nhà nho ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Cha là Nguyễn Chí Năng, một nhà nho hiền lành, đức độ, vốn dòng dõi gia đình làm quan thanh liêm.
Thừa hưởng truyền thống yêu nước của dân tộc, lại được giáo dục nghiêm khắc theo đạo lý Nho học, nên người thanh niên yêu nước Nguyễn Chí Diểu mang cốt cách của trí thức nho học, luôn có tinh thần tự tôn dân tộc và có trách nhiệm với quê hương, đất nước, với gia đình, dòng tộc.
Sinh ra và lớn lên, chứng kiến cảnh người dân quê hương, đất nước lầm than dưới ách cai trị, áp bức, bóc lột hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến trong những năm đầu thế kỷ XX, được chung đúc thêm bởi truyền thống gia đình, quê hương, nên người thanh niên yêu nước Nguyễn Chí Diểu luôn nung nấu, khao khát được cống hiến, được góp sức mình vì dân, vì nước.
Nung nấu bởi ý thức trách nhiệm, lòng quyết, tâm, Nguyễn Chí Diểu từng bước tìm đến và hòa nhập vào dòng chảy cách mạng, tiến bộ, với khát vọng đấu tranh vì nền độc lập của quê hương, xứ sở; trở thành đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, tham gia Thành ủy Sài Gòn, đứng đầu Tỉnh ủy Gia Định năm 1930.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại quê nhà xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nay thuộc Thành phố Huế
Trong những năm 1925-1928, Hội Phục Việt được thành lập tại Nghệ An, phát triển tổ chức, lực lượng ở miền Trung, đặc biệt là ở Huế, sau nhiều lần điều chỉnh, đổi tên thành Tân Việt (năm 1928), đã có ảnh hưởng mạnh đến những người yêu nước ở miền Trung, trong đó có Nguyễn Chí Diểu.
Trải qua thời gian vừa tham gia học tập, vừa tích cực, sôi nổi tham gia các hoạt động yêu nước trong thanh niên, học sinh tại Huế, sau phong trào bãi khóa năm 1927, Nguyễn Chí Diểu được kết nạp vào tổ chức cách mạng Tân Việt, từ đây, Nguyễn Chí Diểu nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu “Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái…”[1]. Năng nổ, nhiệt thành cách mạng, có uy tín trong tổ chức, năm 1928, tại Đại hội của Tân Việt Cách mạng Đảng, Nguyễn Chí Diểu được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Tân Việt ở Trung Kỳ. Cuối năm 1929, Nguyễn Chí Diểu được phân công vào Nam Kỳ, tham gia Kỳ bộ Tân Việt ở Sài Gòn, gây dựng, phát triển lực lượng, tổ chức ở Nam Kỳ.
Khi Nguyễn Chí Diểu vào Nam hoạt động cũng là thời gian những người cộng sản Nam Kỳ thực hiện “vô sản hóa”. Tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu hoạt động trong Kỳ bộ Nam Kỳ của Tân Việt. Theo đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc bấy giờ, Tổng bộ Tân Việt chủ trương xây dựng Khối liên hiệp quốc dân, thường nói với nhau bằng tiếng Pháp là Bloc national. Trong Tổng bộ Đảng Tân Việt có một nhóm hạt nhân cộng sản, ban đầu lấy tên là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, là một trong ba tổ chức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Nguyễn Chí Diểu và tôi cùng một số đồng chí nữa ở trong nhóm này…Nhóm hạt nhân chủ trương trong quá trình phổ biến đường lối này sẽ tranh thủ vận động các Kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản. Khi trở về Huế, Tổng bộ giao cho tôi vào Sài Gòn tiếp tục công tác”[2].
Vừa hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, Nguyễn chí Diểu và các đồng chí dịch sách báo để lao động kiếm sống và bí mật tuyên truyền cách mạng. Hòa mình trong cuộc sống của giai cấp vô sản, dầm mưa dãi nắng cùng những người phu xe, những người lao động nghèo khổ trên đất Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu càng hiểu sâu sắc nỗi tủi cực của người lao động, càng nung nấu quyết chí đấu tranh để giải phóng cho dân, cho nước.
Tại Sài Gòn, cuối tháng 12/1928 xảy ra vụ án số 7 đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh). Mật thám Pháp vây bắt gắt gao các tổ chức cộng sản, truy lùng những người cách mạng. Cơ quan ấn loát của Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ đóng ở gần đó bị lộ. Một số yếu nhân của Kỳ bộ (Nguyễn Duy Trinh, Đào Xuân Mai..) bị bắt. Đảng Tân Việt chủ trương phân tán gấp để tránh tổn thất. Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí rút về Nha Trang.
Trong khi nhiều đảng viên Tân Việt bị bắt, lực lượng tổn thất, nội bộ Đảng Tân Việt biến động, phân hóa về tổ chức và tư tưởng, tổ chức cách mạng Tân Việt đứng trước nguy cơ tan rã và mất vai trò lịch sử của mình, một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên cốt cán của tổ chức này nhận thấy cần phải thay đổi những tư tưởng, quan điểm đã không còn phù hợp với tình hình, đã bàn và quyết định thành lập tổ chức cộng sản lấy tên Đông Dương Cộng sản Liên đoàn trên cơ sở nền tảng của Tân Việt.
Trường Trung học cơ sở mang tên Nguyễn Chí Diểu tại Thành phố Huế
Đầu tháng 1/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành cán bộ nòng cốt, tích cực hoạt động, đóng góp vào việc xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Sau Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấp nhận yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Một cuộc Hội nghị hợp nhất được tiến hành tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên chính thức, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh cuả công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển mạnh. Nguyễn Chí Diểu ngày đêm lăn lộn trong phong trào đấu tranh của công nhân, lao động trong các nhà máy, thúc đẩy các cuộc cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, Nhà Bè, Bình Tây, Khánh Hội, tích cực tổ chức Công hội đỏ. Nguyễn Chí Diểu trực tiếp tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy đèn Chợ quán, Nhà máy xe lửa Dĩ An trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5. Từ thực tiễn lãnh đạo đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động, Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh.
Từ tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Chí Diểu thay đồng chí Lê Trọng Mân (bị địch bắt) làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Gia Định[3] và đảm trách cương vị này đến tháng 9/1930. Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Chí Diểu là đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm-Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn Trầu” giàu truyền thống yêu nước, trung kiên của cách mạng[4], rồi trở thành thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ.
Những hoạt động tích cực của Nguyễn Chí Diểu luôn bị mật thám Pháp theo dõi. Chúng truy tìm gắt gao người có bí danh là Trọng, một trong những người lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 9/1930, thực dân Pháp vây bắt Nguyễn Chí Diểu khi đồng chí đang đi công tác trên địa bàn Sài Gòn, giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Gần 4 năm sau, ngày 02/5/1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có Nguyễn Chí Diểu.
Trước phiên tòa thực dân, Nguyễn Chí Diểu đanh thép đáp trả những câu hỏi nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản, dõng dạc tuyên bố: “Không, Đảng chúng tôi không hề chủ trương giết người, không hề chủ trương khủng bố cá nhân… Đảng chúng tôi chủ trương làm cách mạng để lật đổ toàn bộ xã hội bất công này”.
Ngày 09/5, thực dân Pháp đưa 120 chiến sĩ cộng sản ra tuyên án. Nguyễn Chí Diểu bị kết án khổ sai chung thân cùng 18 đồng chí và bị đày ra Côn Đảo.
Trải qua 6 năm trong các nhà từ thực dân, từ Khám Lớn Sài Gòn đến địa ngục trần gian Côn Đảo, dù bị tra tấn đủ mọi cực hình, Nguyễn Chí Diểu vẫn kiên cường cùng các đồng chí siết chặt đội ngũ, quyết đấu tranh, phản bác sự vu khống của kẻ thù, bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức. Không khai thác được bất cứ điều gì từ Nguyễn Chí Diểu, nên trong hồ sơ tại nhà tù thực dân, chỉ có vài dòng thông tin: Nguyễn Chí Diểu, nhà báo, số tù 30, 22 tuổi, bị kết án khổ sai chung thân vì đã “giữ một chân trong kế hoạch đầu tiên trong tổ chức cộng sản”, đã rải truyền đơn, “tổ chức những ủy ban” và biên soạn một tập sách “Những nhiệm vụ của chủ nghĩa cộng sản”.
Trong các cuộc đấu cuộc đấu tranh trong nhà tù thực dân, Nguyễn Chí Diểu luôn là tấm gương nhiệt tình, sẵn sàng che chở, bảo vệ đồng chí, kiên quyết giữ vững ý chí đấu tranh.
Tại Côn Đảo, là người có vốn học thức, có trình độ lý luận, Nguyễn Chí Diểu tổ chức học tập cho anh em tù về văn hóa, lý luận, rèn rũa kinh nghiệm đấu tranh. Nguyễn Chí Diểu cùng các đồng chí thảo luận các tác phẩm kinh điển như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Hai sách lược của Đảng Xã hội Dân chủ Nga, Nhà nước và cách mạng, Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản…Hoạt động, đấu tranh trong tù đã góp phần rèn luyện bản lĩnh, trình độ, chí khí của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu. Đây cũng chính là những nhân tố để khi trở về với thực tiễn phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu nhanh chóng được các đồng chí, tổ chức Đảng tín nhiệm, trở thành ủy viên Trung ương Đảng khi còn rất trẻ, có những đóng góp quan trọng về lý luận và chỉ đạo cách mạng trong các hội nghị Trung ương đồng chí tham dự.
Tháng 6/1936, do sức đấu tranh của nhân dân Đông Dương và các lực lượng tiến bộ tại Pháp, chính quyền thuộc địa trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam giữ, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Diểu[5]. Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí bí mật đưa tài liệu cách mạng về đất liền, đó là các tài liệu học tập, những nghiên cứu về lý luận cách mạng, về chủ nghĩa cộng sản do anh em tù chính trị cộng sản ghi chép, soạn thảo trong tù. Đây là nguồn tài liệu quý giá cho Đảng, cho phong trào cách mạng địa phương.
Trong cao trào dân chủ 1936-1939, đồng chí tham gia hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng Trung Kỳ và Nam Kỳ. Hậu quả của những năm tháng lao tù ác liệt làm sức khỏe của đồng chí sa sút và lâm bệnh nặng, giã biệt anh em đồng chí vào ngày 15/9/1939.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là hiện thân của tinh thần bất khuất trước kẻ thù, không ngừng đấu tranh cách mạng trong bất kỳ hoàn cảnh nào để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình.
Trần Đoàn
[1] Tôn chỉ, mục đích của tổ chức cách mạng Tân Việt.
[2] “Chuyến đi đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Sài Gòn khi nào”. Báo Tiền Phong cuối tháng, số 02/1999.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.73
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Sđd, tr.77.
[5]Sau khi ra tù,Nguyễn Chí Diểu về Huế để xây dựng lại tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.