Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719, là chiến dịch lớn trong những năm đầu thử nghiệm chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến thắng cuối cùng thuộc về Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó có đóng góp đặc biệt to lớn của lực lượng tác chiến phòng không
Âm mưu, thủ đọan của địch và chủ trương của ta
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm “bóp nghẹt”, “bịt kín” con đường hành lang chiến lược Trường Sơn, cắt đứt mạch máu chi viện chính cho chiến trường Miền Nam. Trong chiến dịch này, Hoa Kỳ thử nghiệm công thức: Quân đội Việt Nam cộng hòa + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ.
Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã huy động lực lượng lên tới 42.000 quân gồm: 3 sư đoàn bộ binh, 2 lữ đoàn thiết giáp, 16 tiểu đoàn pháo binh cùng 460 xe tăng, xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay. Thời điểm cao nhất (10/03/1971), quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ tham gia chiến dịch lên đến 55.000 tên [1]. Việc sử dụng một lượng lớn máy bay các loại lên tới 900 chiếc trong toàn bộ chiến dịch, cùng với 1/3 quân số là lực lượng dù cho Mỹ rất coi trọng lực lượng dù và với chiến thuật “trực thăng vận” nhằm cơ động trong hoạt động di chuyển quân, tạo ưu thế và giành quyền chủ động trên chiến trường.
Đối phó với cuộc hành quân Lam Sơn 719, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào với quyết tâm bằng mọi giá làm thất bại hoàn toàn kế hoạch của kẻ địch. Bộ Chính trị đã nhận định: “Trường hợp địch đánh ra Đường số 9 thì đó là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt chúng” [2]. Thấu triệt tinh thần đó, Bộ Tổng tư lệnh đã triển khai một lực lượng mạnh, bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 3 trung đoàn công binh, một số tiểu đoàn đặc công của Bộ, một số lực lượng chiến đấu tại chỗ của Quân giải phóng nhân dân Lào. Đặc biệt, tham gia chiến dịch, ta còn sử dụng một lực lượng phòng không mạnh, nhiều tầng lớp gồm 4 trung đoàn và nhiều tiểu đoàn, đại đội độc lập của Đoàn 559[3].
Máy bay trực thăng được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch Lam Sơn-719 (Ảnh tư liệu)
Coi trọng lực lượng phòng không và tác chiến phòng không
Ngay từ tháng 6/1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiên liệu: “Sắp tới, địch sẽ tập trung đánh phá vùng Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Miên, không chỉ bằng không quân mà có thể là những cuộc tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn. Hướng tiến công chủ yếu có khả năng sẽ là khu vực Đường 9 - Nam Lào…” [4]. Chính vì vậy, tháng 10/1970, một số đơn vị đã được triển khai đến các chốt chặn, Đoàn 559 nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các đơn vị của Bộ vào tác chiến. Các lực lượng được tăng cường đến quân khu IV, sư đoàn phòng không 367 đã sớm cơ động tới khu vực Tây Trường Sơn để sẵn sàng tiến sâu vào Trung và Hạ Lào nếu địch đánh vào khu vực Đường 9. Đầu năm 1971, mọi công tác chuẩn bị cho Mặt trận Đường 9 – Nam Lào cơ bản được hoàn tất, lực lượng tác chiến phòng không của ta đã sớm tổ chức triển khai tại mặt trận.
Lực lượng phòng không được huy động tham gia chiến dịch lên tới 5 trung đoàn và 1 sư đoàn (có 1 trung đoàn tên lửa của Bộ phối hợp), 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy cao xạ[5]. Phía ta chủ yếu sử dụng pháo cao xạ và súng máy phòng không tầm thấp loại 12,7 ly và 14,5 ly – phương tiện phù hợp trong bắn máy bay trực thăng. Đoàn 559 đã tranh thủ sử dụng khí tài phòng không có sẵn niêm cất trong kho chưa kịp chuyển vào Nam để mang ra sử dụng. Ta chỉ sử dụng 01 trung đoàn tên lửa phòng không 237 thuộc sư đoàn phòng không 367 của Bộ - đơn vị hoạt động vòng ngoài phối hợp với lực lượng tại chỗ để tìm hiểu, nghiên cứu cách đánh máy bay B52 (được triển khai từ năm 1965) và máy bay AC-130 của Mỹ nhằm ngăn chặn chi viện đường không của không quân Mỹ.
Lực lượng phòng không của ta được bố trí dày đặc và rộng khắp trên các hướng với một chiến thuật hợp lý. Ta đã bố trí lực lượng phòng không tại các điểm cao, chốt chặn kịp thời, hợp lý. Tại hướng Bắc-hướng tiến công chủ yếu do Bộ Tư lệnh 70 đảm nhiệm, Trung đoàn pháo cao xạ 241 và nhiều lực lượng phòng không tại chỗ của Đoàn 559 tại trục chính Đường 9 đã triển khai tại khu vực cầu Ka Ki, các điểm cao 500, 530, 351… nhằm hạn chế việc di chuyển, đổ bộ đường không của địch, ngăn chặn và tiêu diệt lữ đoàn 3 dù địch triển khai tại các điểm cao 311, 456, 543, 655….
Tại hướng Nam, sườn nam Bản Đông-Lao Bảo, lực lượng phòng không Đoàn 559 cũng được triển khai mạnh mẽ tại khu vực điểm tựa Cô Bốc, Cô Rốc, điểm cao 550, 660 và 723 chặn đánh địch đổ bộ xuống khu vực Mường Noọng, Sa Đi, hạn chế sức mạnh lữ đoàn 1 và 2 dù của địch tại các điểm cao 123, 550, 660,723,748 và quanh khu vực Bản Đông.
Tại khu vực Tây Sê Pôn, lực lượng phòng không của ta cũng đã được triển khai chặn đánh khi chúng đổ bộ xuống khu vực Mường Phìn và Sê Pôn. Cùng với lực lượng phòng không của Bộ, lực lượng phòng không của Đoàn 559 “bố trí thành 8 cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp đã tạo thành lưới lửa phòng không liên hoàn, nhiều tầng, nhiều vòng, giăng khắp, kết hợp với thế trận phục kích, tập kích ngăn chặn bộ binh địch tiến công tuyến chi viện chiến lược”[6]. Trong 3 ngày đầu, trực thăng bay đầy trời khu vực Sê Pôn, Bản Đông, đổ quân ào ạt, tuy nhiên bộ đội phòng không của ta bình tĩnh theo dõi, bám sát các hoạt động của địch. Chúng ta chỉ sử dụng súng máy để gây chủ quan và làm bất ngờ địch.
Bộ đội phòng không trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (Ảnh tư liệu)
Tác chiến phòng không góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch
Lực lượng tác chiến phòng không đã làm tốt nhiệm vụ phối hợp hiệp đồng quân bình chủng, bảo vệ vững chắc các mũi tấn công và đội hình chiến đấu của ta, buộc địch phải thay đổi, điều chỉnh kế hoạch tác chiến và mũi tiến công. Trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, bộ đội của ta sử dụng hai cách đánh chính: Một là, ta dùng hệ thống lưới lửa phòng không làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận” của đối phương. Tại các điểm cao địch đổ bộ quân, lực lượng phòng không kết hợp với các lực lượng khác đã tổ chức vây lấn và từng bước chia cắt, tiêu diệt địch. Hai là, lực lượng phòng không cùng với bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp đã thiết lập các chốt chặn đánh địch hiệu quả, điển hình là các chốt chặn ở quanh khu vực Bản Đông. Việc dùng phòng không hỗ chợ bộ đội ta trong vây lấn, chốt chặn ta không những bảo vệ được đội hình tấn công mà từng bước chia cắt, chặn đứng các mũi tấn công của địch. Từ ngày 12/3 đến 18/3/1971, ta tổ chức phản công trên toàn bộ đội hình địch, “Ba trung đoàn bộ binh của ta (64, 36, 66) được các đơn vị xe tăng, pháo mặt đất, pháo cao xạ phối hợp bao vây tiến công tập đoàn phòng ngự địch ờ Bản Đông do hai lữ đoàn 1 và 2 dù và hai trung đoàn thiết giáp ngụy chiếm giữ”[7].
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, đêm ngày 18/03, quân địch phải tháo chạy khỏi Bản Đông và đến ngày 23/3/1971, quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trên chiến trường, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đã thất bại hoàn toàn.
Lực lượng phòng không của ta đã hoạt động hiệu quả, gây được bất ngờ và đã tiêu diệt một lượng lớn máy bay của địch, đập tan kế hoạch “trực thăng vận”, chia cắt và bẻ gãy tuyến chi viện đường không của địch. Trên các hướng, tại các vị trí, lực lượng phòng không của đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tại hướng chính (hướng bắc), bộ đội của ta đã (bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn bắc của địch, tiêu diệt gần hết lữ đoàn 3 dù, thiết đoàn 17 và đánh thiệt hại nặng liên đoàn 1 biệt động quân. Áp lực mạnh của ta từ phía Bắc đã trực tiếp uy hiếp tập đoàn chủ yếu của địch ở Bản Đông)[8]. Tại điểm tựa cầu Ka Ki, trong ngày 11 và 12/2/1971, ta đã bắn rơi 30 máy bay lên thẳng của địch.
Tại hướng Nam, trên điểm tựa Cô Rốc, ta đã bắn rơi 6 máy bay lên thẳng, diệt 1 đại đội địch. Tại điểm cao 550, ta bắn rơi 5 máy bay lên thẳng và 1 đại đội địch. Đặc biệt, trong 2 ngày (8 và 9/2/1971), lực lượng phòng không Đoàn 559 đã bắn hạ 50 máy bay lên thẳng của địch. “Trong trận địch đổ quân xuống các điểm cao phía Nam Đường số 9, lực lượng tại chỗ đã bắn rơi 40 máy bay lên thẳng, diệt 8 đại đội địch, không cho chúng chiếm Phu ta băng”[9].
Trong toàn bộ chiến dịch, lực lượng phòng không của ta đã “bắn rơi và phá hủy 556 máy bay (trong đó có 505 máy bay lên thẳng)”[10], tiêu diệt gọn đơn vị tinh nhuệ như Lữ đoàn 3 dù, tiểu đoàn 8 dù, đặc biệt, ngày 18-3-1971, “Tiểu đoàn 69 thuộc Trung đoàn 237 tại trận địa Tà Păng đã kịp thời bắn rơi 1 chiếc B-52”[11].
Trong Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, bằng sự chuẩn bị chu đáo, nắm chắc tình hình địch, tổ chức lực lượng lợp lý, nhiều tầng lớp và cách đánh phù hợp, ta đã tạo được bất ngờ, từng bước bẻ gãy và làm thất bại âm mưu của kẻ địch, tiêu diệt lực lượng lớn sư đoàn dù của địch. Đây cũng là số máy bay lên thẳng bị tiêu diệt nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng Đường 9-Nam Lào đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về hình thức hiệp đồng tác chiến quân binh chủng.
Kim Dung
[1] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, Hà Nội, 1987, tr.13.
[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, Sđd, tr.21.
[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, Sđd, tr.22.
[4] http://cadn.com.vn/news/122_96698_40-nam-nhin-lai-chien-dich-duong-9-nam-lao-.aspx (ngày 21/12/2010)
[5] http://cadn.com.vn/news/122_96698_40-nam-nhin-lai-chien-dich-duong-9-nam-lao-.aspx (ngày 21/12/2010)
[6] http://cadn.com.vn/news/122_96698_40-nam-nhin-lai-chien-dich-duong-9-nam-lao-.aspx (ngày 21/12/2010)
[7] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.371.
[8] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Sđd, tr.369-370.
[9] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, Sđd, tr.93.
[10] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến dịch phản công Đường số 9 - Nam Lào năm 1971, Sđd, tr.93
[11] http://phongkhongkhongquan.vn/23779/ten-lua-chien-dau-o-phia-tay-truong-son.html (ngày 2 tháng 3 , 2020)