Thứ nhất, về động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh ba nhóm quan điểm trọng yếu: Một là, thống nhất về tư tưởng, nhận thức; hai là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế; ba là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Trong văn kiện Đại hội XIII, vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được thể hiện là một nội hàm của hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điểm mới căn bản so với các kỳ Đại hội trước, bởi lẽ trước Đại hội XIII, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không được gắn với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội XIII, quan điểm về nền kinh tế độc lập, tự chủ được Đảng ta khẳng định: Đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự độc lập về chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, da dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn…
Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước.
Đó là tư duy rất mới và toàn diện về động lực cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội. Trong đó, về khía cạnh thể chế, Văn kiện cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế hiện đại, hội nhập, minh bạch. Quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội lần đầu tiên được diễn đạt đầy đủ, chính thức trong văn kiện. Theo đó, nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với yêu cầu và quy luật của nền kinh tế thị trường. Thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực huy động phân bổ hiệu quả các nguồn lực, điều tiết sản xuất và lưu thông, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém; các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự kết nối giữa các thành viên, đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong các quan hệ với các chủ thể, đối tác khác, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyên vọng lợi ích của các tầng lớp nhân dân đối với nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật.
Điểm mới hơn so với các kỳ Đại hội trước đây, vấn đề minh bạch được Đại hội XIII khẳng định cụ thể hơn trong nội hàm của hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc bảo đảm quyền tự do, an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được nêu ra. Đây là tinh thần mới, khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất quán đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại. Việc tự do tham gia và rút khỏi thị trường của các chủ thể sản xuất kinh doanh được tôn trọng. Với khía cạnh này, nguyên tắc tự do đi liền với minh bạch là hai trong nhiều đặc trưng cốt lõi của kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới hiện nay. Thêm vào đó, việc khẳng định yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số theo nguyên tắc thị trường, phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường cũng được đề cập như một khía cạnh nội dung của hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, trong văn kiện Đại hội XIII, chức năng của nhà nước được định vị rõ hơn, khắc phục được cách hiểu còn chung chung trong các văn kiện của các kỳ Đại hội trước. Trong đó, việc phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường được nhấn mạnh. Đây là cách thức giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội, Văn kiện nhấn mạnh việc cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đổi mới mạnh việc phân cấp, phân quyền, củng cố và phân định rõ trách nhiệm quyền hạn giữa trung ương và địa phương, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đây là tinh thần rất mới trong tư duy phát triển trong thời gian tới.
Thứ hai, động lực khoa học-công nghệ và đổi mới, sáng tạo, năng suất lao động được đề cao.
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh vấn đề phát triển động lực sáng tạo và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, việc khẳng định phát triển xã hội số như một nội hàm của động lực phát triển lần đầu tiên được thể hiện trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng. Đồng thời, về giải pháp, văn kiện Đại hội chủ trương cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và áp dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Đây là lần đầu tiên cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới trong văn kiện Đại hội.
Phát triển động lực sáng tạo và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua phát triển khoa học-công nghệ. Ảnh: Internet.
Về khía cạnh phát triển khoa học-công nghệ, tại kỳ Đại hội này, Đảng chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở phục vụ quá trình phát triển và sự nghiệp đổi mới. Đây là tư duy rất trúng và rất đúng với bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị.
Về các ngành mũi nhọn, văn kiện Đại hội XIII xác định, phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của đất nước. Ưu tiên chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh trọng yếu. Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn. Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Thứ ba, về động lực kinh tế tư nhân.
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cần được phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân chính là giải pháp tháo gỡ để kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.
Tinh thần đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong phát triển sản xuất kinh doanh cũng được nêu rõ trong Văn kiện. Đây là khía cạnh mới, khắc phục tình trạng phân tán, manh mún trong phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu thực hiện được sự liên kết trong phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ tạo ra sức mạnh mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp.
Về động lực công nghiệp, Đại hội XIII chủ trương phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên mới, công nghệ cao, đó là: các ngành thông tin truyền thông, công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu.
Cùng với phát triển công nghiệp, động lực mới về vùng kinh tế dựa trên các đô thị làm động lực phát triển cũng được tính đến trong những năm tới. Điểm mới này thể hiện tư duy nhất quán, biện chứng trong tìm kiếm động lực tăng trưởng mớicủa Đảng. Việc định vị phát triển đô thị để phát triển vùng trong đó gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, phát huy lợi thế từng vùng được định vị khá rõ nét. Đây sẽ là căn cứ để các vùng xác định chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai.
PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh