Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 18/1/1950, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng. Sau hơn 70 năm, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày một phát triển ổn định, tích cực và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trên tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, các thế hệ lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, để đề ra định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt-Trung. Sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước được đẩy mạnh thông qua nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên; qua các cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các ban Đảng ở Trung ương, giữa hai Quốc hội, các bộ, ngành, cũng như các địa phương.
Hợp tác chính trị Việt Nam-Trung Quốc những năm qua được triển khai hiệu quả nhờ các cơ chế quan trọng, như Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, hay Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020 và nhiều kế hoạch hợp tác khác đã được ký kết cho giai đoạn 2021-2025.
Hai Đảng cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo lý luận, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đạt tiến triển thực chất. Lãnh đạo hai nước nhất trí tạo điều kiện cho các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước phát huy tốt các cơ chế hợp tác, đồng thời tổ chức tốt và nâng cao hiệu ứng xã hội của các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức ba lần Liên hoan Thanh niên Việt-Trung và 19 cuộc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam-Trung Quốc, cùng nhiều hoạt động hữu nghị nhân dân quy mô lớn khác, như Liên hoan Nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc... góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc, cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, hai bên đã tận dụng những lợi thế của mình, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020. Trong tám tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương đạt hơn 117 tỷ USD, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021 và Trung Quốc có hơn 140 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đạt 1,4 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc ngày một mở rộng, trong đó hai sản phẩm nổi bật là chanh leo và sầu riêng tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với giá trị thương mại hai chiều trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh trong những năm qua và được dự báo còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với Trung Quốc. Quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nước, với điểm sáng là giao lưu nhân dân và quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ chính là nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển tiếp theo của cả Việt Nam và Trung Quốc./.
Theo Vũ Phong/Báo Nhân Dân